Xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, giàu đẹp

Tân Tiến Thứ hai, ngày 26/10/2015 14:58 PM (GMT+7)
Sáng 26.10, Đại hội Đại biểu (ĐHĐB) Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020) khai mạc với 350 đại biểu được triệu tập đại diện cho 37.451 đảng viên tỉnh Bình Dương.
Bình luận 0

img

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến dự Đại hội Đại biểu (ĐHĐB) Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ X (nhiệm kỳ 2015-2020)

Đạt nhiều thành tựu

Thay mặt Đoàn Chủ tịch, ông Trần Văn Nam, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, trình bày báo cáo chính trị của BCH Đảng bộ tỉnh khóa IX (nhiệm kỳ 2010-2015).

Trong nhiệm kỳ qua tỉnh Bình Dương đạt được khá nhiều thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội. Tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì, GDP bình quân 5 năm tăng 13% (nghị quyết đề ra 13,5 – 14%), tương ứng GRDP tăng 8,1%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng dịch vụ, giảm tỉ trọng nông nghiệp. Đến năm 2015, cơ cấu kinh tế công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp đạt 60% - 37,3% - 2,7%. GDP bình quân đầu người vượt kế hoạch đề ra, cuối năm 2015 là 72,3 triệu đồng/người (nghị quyết là 63,2 triệu đồng/người), tương ứng với GRDP bình quân đầu người là 101,2 triệu đồng/người.

img

Nhiều ngôi trường khang trang, hiện đại được xây dựng để thực hiện Chương trình xây dựng NTM. Trong ảnh: Trường THPT Long Hòa, huyện Dầu Tiếng. tỉnh Bình Dương vừa xây dựng xong.

Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển cả về số lượng và quy mô, sức cạnh tranh được nâng cao. Doanh nghiệp nhà nước được sắp xếp, đổi mới quản lý và cổ phần hóa đúng lộ trình; sản xuất kinh doanh có hiệu quả, thể hiện vai trò quan trọng trong sự phát triển các ngành, lĩnh vực then chốt của tỉnh như: điện lực, viễn thông, tín dụng, xăng dầu, kinh doanh cơ sở hạ tầng khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ, khai thác chế biến mủ cao su… Kinh tế tập thể được củng cố và phát triển, kinh tế ngoài quốc doanh và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục gia tăng tỉ trọng đóng góp vào GDP của tỉnh.

Cũng theo ông Trần Văn Nam, nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, giá trị sản xuất nông-lâm-ngư nghiệp bình quân tăng 4%. Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến được triển khai, bước đầu góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp; hình thành 4 khu nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 979ha, tổng diện tích được ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất đạt trên 860ha. Một số đề án, dự án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam của tỉnh, vùng ven Suối Cái (Tân Uyên)…, đang được tích cực triển khai.

img

Đến nay tỉnh Bình Dương có 61,2% xã đạt tiêu chí nông thôn mới (nghị quyết đề ra 40%).

Đời sống nông dân ổn định

Công nghiệp chế biến nông-lâm và thủy sản từng bước phát triển. Công tác xúc tiến thương mại trong nông nghiệp được đẩy mạnh với nhiều loại nông sản được chứng nhận an toàn về sinh thực phẩm và chứng nhận nhãn hiệu được đưa vào hệ thống siêu thị và cửa hàng góp phần ổn định đời sống nông dân.

Kinh tế khu vực nông thôn phát triển nhanh, đã huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư xây dựng các xã nông thôn mới (NTM) và đầu tư nâng cấp các xã phát triển lên phường; bộ mặt nông thôn từng bước đổi mới, đời sống người dân ngày một nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 59 triệu đồng/năm, có 61,2% xã đạt tiêu chí NTM (nghị quyết là 40%), lao động nông nghiệp chiếm khoảng 10% trong tổng số lao động; tỉ lệ dân số nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt kế hoạch 98%.

Báo cáo chính trị cũng đề ra một số chương trình đột phá trong giai đoạn 2016-2020. Đó là: Tập trung phát triển các nhành dịch vụ chất lượng cao có hàm  lượng tri thức, công nghệ và giá trị tăng cao gắn với phát triển công nghiệp, đô thị theo hướng văn minh, hiện đại; Huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế tiếp tục đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là các công trình mang tính động lực. Gắn kết và khai thác tối đa lợi thế từ hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam; Tập trung đầu tư xây dựng khu đô thị mới gắn với nâng cấp, chỉnh trang TP. Thủ Dầu Một và các đô thị vệ tinh Thuận An, Dĩ An, Bến Cát, Tân Uyên theo hướng văn minh,sạch đẹp và nâng cao chất lượng sống của nhân dân; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật và đội ngũ công nhân lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển của Bình Dương trong giai đoạn mới.

img

Các khu công nghiệp giữ vai trò quyết định trong quá trình thực hiện CNH-HĐH tỉnh Bình Dương, góp phần không nhỏ vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương. Trong ảnh: KCN Tân Bình, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương đang xây dựng.

Phát biểu chỉ đạo tại đại hội, ông Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước, đánh giá cao những thành quả về các mặt kinh tế - văn hóa – xã hội… mà tỉnh Bình Dương đạt được trong 5 năm qua.

Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh 5 vấn đề, đó là: Bình Dương nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển năng động, đến nay đã cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp. Vì vậy cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo các định hướng của Trung ương phù hợp điều kiện tiềm năng, thế mạnh của tỉnh. Quy hoạch phát triển của Bình Dương phải gắn kết chặt chẽ với phương hướng chung của vùng, tạo sự liên kết vùng…; Cần nỗ lực phấn đấu với quyết tâm cao nhất để phát triển nhanh và bền vững, xây dựng Bình Dương thành đô thị văn minh, hiện đại; Cần tập trung thực hiện hiệu quả các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế để đổi mới cơ bản mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh. Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Tiếp tục thực hiện tốt chương trình xây dựng NTM phù hợp với tỉnh đang có tốc độ đô thị hóa cao. Phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển các lĩnh vực VH-XH, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội...

Chiều nay, ĐHĐB tiến hành bầu BCH Đảng bộ khóa X nhiệm kỳ 2015-2020.

Các chỉ tiêu đến năm 2020

Báo cáo chính trị cũng đặt ra  các chỉ tiêu cụ thể sẽ đạt được vào năm 2020. Về chỉ tiêu kinh tế: tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân 8,3%/năm (tương ứng GDP 13,3%). Cơ cấu kinh tế (GRDP) công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp – thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tương ứng đạt 63,2% - 26% - 3% - 7,8%. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng bình quân 8,7%. GRDP bình quân đầu người đạt 142,6 triệu đồng. Thu ngân sách tăng 8,9%. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm 35% GRDP. Tỉ lệ đô thị hóa toàn tỉnh đạt 82%. Thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 7 tỷ USD.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem