Xây dựng nhà hát là cơ hội để sửa sai những tồn tại ở Thủ Thiêm

Phương Thảo Thứ ba, ngày 09/10/2018 17:38 PM (GMT+7)
"Quyết định xây dựng nhà hát vào thời điểm giải quyết các vấn đề Thủ Thiêm là một sự trùng hợp. Đây cũng là thời điểm để minh bạch hóa mọi vấn đề ở Thủ Thiêm, là cơ hội để giải quyết, “sửa sai” những tồn tại ở Thủ Thiêm", nghệ sĩ ưu tú Nguyễn Tấn Anh – Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch TP.HCM nói với Dân Việt sáng 9.10.
Bình luận 0

Trước đó, sáng 8.10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khóa IX (kỳ họp bất thường), Phó Chủ tịch UBND TP Lê Thanh Liêm đã trình HĐND TP về dự án xây dựng Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch với tổng mức đầu tư khoảng 1.508 tỷ đồng. Dự án đã được thông qua với 100% phiếu ủng hộ, khiến dư luận xã hội một lần nữa “nóng” lên.

Nhà hát xây dựng cho tương lai

Trao đổi với Dân Việt, ông Tấn Anh Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ Kịch TP.HCM chia sẻ: “Bây giờ có nói ra thì bảo anh em nghệ sĩ kể khổ, bởi toàn bộ hơn 100 con người của Nhà hát bao lâu nay đã quen với cảnh “chạy sô” từ nơi tập luyện tới địa điểm biểu diễn, nơi tập luyện không đảm bảo về nhiều mặt. Con người một nơi, đạo cụ một nẻo. Chúng tôi biết chủ trương xây dựng Nhà hát có từ lâu, nghệ sĩ hết sức mong mỏi. Nhà hát hình thành, không chỉ nghệ sĩ có nơi tập luyện, biểu diễn đàng hoàng mà người dân có nơi để thưởng thức những chương trình nghệ thuật chất lượng cao. Nhà hát mới không chỉ phục vụ cho hoạt động của nghệ sĩ trong lĩnh vực nghệ thuật hàn lâm mà còn là nơi tổ chức các hoạt động văn hóa khác, đón tiếp các đoàn quốc tế đến giao lưu".

img

Nghệ sĩ ưu tú – Phó Giám đốc Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM Nguyễn Tấn Anh.

"Còn quyết định xây dựng Nhà hát vào thời điểm giải quyết các vấn đề của Thủ Thiêm là một sự trùng hợp. Đây cũng là thời điểm để minh bạch hóa mọi vấn đề ở Thủ Thiêm, là cơ hội để giải quyết, “sửa sai” những tồn tại ở Thủ Thiêm", ông Anh tiếp lời.

Ông Tấn Anh cho biết, cá nhân ông tin tưởng trong tương lai, Nhà hát được xây dựng sẽ đáp ứng được mong mỏi của người dân và giới văn nghệ sĩ.

Đồng tình với ý kiến này, TS Trần Du Lịch - thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Phó trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM cũng khẳng định: “Cùng với việc phát triển kinh tế, an sinh xã hội và các vấn đề quan trọng khác, một thành phố lớn như TP.HCM thì xây dựng công trình văn hóa xứng tầm như Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là cần thiết, phát triển kinh tế phải song song với xây dựng các thiết chế văn hóa".

img

TS Trần Du Lịch (đứng): “Phát triển kinh tế phải song song với xây dưng các thiết chế văn hóa”

Theo ông Lịch, câu chuyện Nhà hát Giao hưởng không phải là câu chuyện mới mà đây là câu chuyện cũ. Dự án Nhà hát được thành phố quy hoạch từ 20 năm trước, lĩnh vực văn hóa hầu như chưa làm được công trình nào, mặc dù bây giờ khó khăn về ngân sách, đầu tư công nhưng đã đến lúc phải làm.

Về việc thành phố sẽ lấy nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1 để xây dựng Nhà hát, TS Trần Du Lịch nói: “Thật sự trước đây thành phố cũng khó khăn chứ không phải bây giờ. Việc thu xếp nguồn vốn như thế nào, TP.HCM phải tính toán. Thành phố còn nhiều mặt bằng, công trình bên trong các quận nội thành, trong quận 1, nên nghiên cứu bán đi, đổi đất lấy công trình mà xây dựng, đâu phải lấy tiền thuế đâu”.

Nói về đề án xây dựng Nhà hát, ông Nguyễn Văn Thông - Phó Giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình, Sở Văn hoá và thể thao TP.HCM cho rằng “không thể để treo dự án quá lâu”. Theo ông Thông, đây là một dự án được hình thành qua nhiều thời kỳ và nhiều thế hệ lãnh đạo thành phố. Từ năm 1999, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đã được TP.HCM cho phép xây dựng ở vị trí Công ty Xổ số kiến thiết (23 Lê Duẩn, quận 1). Sau gần 20 năm và nhiều lần điều chỉnh, thay đổi, di dời vị trí, đến năm 2017, Nhà hát được dời về khu Đô thị mới Thủ Thiêm.

"Vị trí Nhà hát nằm ngay bên phải chân cầu Thủ Thiêm 2 (Q.2) là rất đẹp. Hiện sau khi trình HĐND, chúng tôi sẽ tổ chức thi tuyển quốc tế cho nhà hát để có thiết kế kiến trúc độc đáo tạo điểm nhấn cho TP. Việc xây dựng nhà hát không chỉ hướng đến người dân TP mà còn là điểm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước”, ông Thông cho biết.

Nên tập trung giải quyết các vấn đề Thủ Thiêm trước

Mặc dù đồng tình với chủ trương xây dựng Nhà hát, một lãnh đạo Q.2, TP.HCM cho rằng cần phải tập trung giải quyết các vấn đề Thủ Thiêm trước. “Hiện Q.2 và thành phố đang tập trung giải quyết các vấn đề tồn tại trong thời gian qua ở Thủ Thiêm. Mặt khác, có thể trong thời điểm này, đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng còn nhiều khó khăn về ngân sách, nhưng không nhẽ một đất nước, một thành phố lại không có một công trình văn hóa xứng tầm để đời”, vị này nói.

Khi được hỏi, một người dân ở khu vực Công trường Lam Sơn, Bến Nghé, Q.1 nêu ý kiến: "Mặc dù Nhà hát là niềm tự hào, là biểu tượng của thành phố, nhưng đã có Nhà hát thành phố thì không cần thiết xây thêm Nhà hát Giao hưởng, tránh lãng phí nguồn ngân sách của Nhà nước. Hơn nữa thành phố còn nhiều việc, nhiều vấn đề còn tồn tại phải giải quyết như trường học, bệnh viện quá tải, an sinh xã hội chưa đáp ứng yêu cầu người dân…".

img

TP.HCM cho rằng việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách. Ảnh minh họa.

Theo đề án vừa được thông qua tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 8.10, Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch là nhà hát đạt tiêu chuẩn quốc tế tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2). Dự án này có tổng mức đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố (từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn, quận 1). Nhà hát có quy mô 1.700 chỗ, gồm hai khán phòng lớn và nhỏ, thời gian thực hiện từ năm 2018 - 2022. Chủ đầu tư là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa và Thể thao.

TP.HCM cho rằng, việc xây dựng một Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đạt tiêu chuẩn quốc tế là thật sự cần thiết và cấp bách đối với một  thành phố văn minh, hiện đại, là đầu mối giao lưu không chỉ về kinh tế, khoa học mà còn các giá trị văn hóa xã hội khác nên rất cần những công trình văn hóa xứng tầm. Đây còn là một công trình văn hóa mang tính biểu tượng, điểm nhấn về kiến trúc, nghệ thuật của thành phố mang tên Bác.

Với việc xây nhà hát này, thành phố cũng kỳ vọng dự án sau khi hoàn tất sẽ góp phần đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng và quản lý tốt các hoạt động văn hóa theo hướng văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và các giá trị tinh thần mang nét đặc trưng của TP.HCM.

Ca sỹ Opera Đào Mác – Nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịchTP.HCM, Giảng viên Trường Đại học VHNT Quân đội tại TP.HCM: 

“Tôi nghĩ, xây dựng một nhà hát to đẹp, người nghệ sĩ được biểu diễn ở đó cũng thấy hân hoan, cảm xúc thăng hoa, phục vụ khán giả tốt hơn. Mặt khác, việc có một nơi thưởng thức nghệ thuật xứng tầm cũng là sự tôn trọng khán giả”.

Ca sỹ Lý Hoàng Kim – nghệ sĩ thanh nhạc đoàn Nhạc kịch hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch TP.HCM:

“Nhà hát giao hưởng luôn muốn dàn dựng nhiều chương trình quy mô, đẳng cấp cả về chất lượng âm nhạc lẫn hình thức cảnh trí… Nhưng từ trước đến nay chưa có phòng tập đàng hoàng, phải đi thuê mượn, rất tạm bợ. Vì vậy việc xây dựng nhà hát là cần thiết để người nghệ sĩ yên tâm làm nghệ thuật, thỏa sức sáng tạo, mang đến cho khán giả những tác phẩm nghệ thuật thuật hay, giá trị cao".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem