Toạ đàm Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi

Thiên Ngân Thứ hai, ngày 24/07/2023 21:53 PM (GMT+7)
Mặc dù là nước có đàn gia cầm lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng…, nhưng đến nay Việt Nam vẫn chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE).
Bình luận 0

Theo thông tin từ Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT), thời gian qua ngành chăn nuôi nước ta đã kiểm soát tương đối tốt các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi, nhất là các dịch bệnh truyền lây từ động vật sang người, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Tuyệt đại đa số (trên 99,9%) trong tổng đàn gia cầm hơn 550 triệu con là an toàn tuyệt đối về các loại dịch bệnh.

Cục Thú y cũng cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều hoạt động đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang trên 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, kim ngạch đạt trên 400 triệu USD (năm 2022). 

Trong đó, sản phẩm gia cầm, đặc biệt là các sản phẩm gia cầm chế biến chín đã được xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Liên bang Nga, Hong Kong và một số thị trường thuộc Liên minh châu Âu. Hiện nay phía Hàn Quốc đang tiến hành đánh giá và dự kiến trong thời gian tới chúng ta có thể xuất khẩu thịt gia cầm sang Hàn Quốc.

Toạ đàm Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi  - Ảnh 1.

Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi" sẽ diễn ra từ 9h-11h00 vào sáng mai, ngày 25/7. Ảnh: Việt Anh

Thực tế cho thấy, năng lực sản xuất chăn nuôi của nước ta rất lớn, loài vật nào có giá trị cũng được bà con khai thác rất tốt, tuy nhiên, một trong những điểm yếu của người chăn nuôi nói riêng, cũng như ngành chăn nuôi nói chung là bấp bênh, giữa khâu sản xuất và thị trường còn thiếu sự kết nối dẫn đến giá cả biến động; năng lực cạnh tranh kém do giá thức ăn chăn nuôi cao, khả năng giết mổ, chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu...

Ngành chăn nuôi cũng thường xuyên bị dịch bệnh đe dọa, điển hình là dịch tả lợn châu Phi xảy ra từ năm 2019 và đến nay vẫn xuất hiện một số ổ dịch nhỏ lẻ ở các địa phương; hay dịch lở mồm long móng, dịch cúm gia cầm..., khiến người chăn nuôi cũng như các doanh nghiệp chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Điều đáng nói, dù là nước có đàn gia cầm lớn thứ 2 thế giới, đàn lợn lớn thứ 5 thế giới về đầu con và thứ 6 về sản lượng…, nhưng đến nay cả nước vẫn chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh đạt tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), mà mới chỉ có các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh được công nhận theo tiêu chuẩn của Việt Nam. Ước tính cả nước có khoảng 2.230 cơ sở an toàn dịch bệnh, ngay như "thủ phủ" chăn nuôi Đồng Nai cũng mới có 7 vùng an toàn dịch bệnh được công nhận với bệnh cúm gia cầm và bệnh Newcastle.

Trong khi đó, việc xây dựng vùng an toàn dịch bệnh có ý nghĩa rất lớn, không chỉ kiểm soát dịch bệnh mà còn tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng; là mấu chốt để phát triển ngành chăn nuôi bền vững, là điều kiện tiên quyết để xuất khẩu ra thế giới.

Cục Thú y khẳng định, chúng ta đã đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Việt Nam rồi, giờ muốn đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước thì phải nâng cấp vùng an toàn dịch bệnh của mình lên theo tiêu chuẩn của Tổ chức thú y thế giới OIE/WOAH.

Tuy nhiên, để xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới thì phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn cực kì khắt khe. Người chăn nuôi, hay một mình doanh nghiệp không thể làm được, đòi hỏi ngành chăn nuôi cùng các địa phương cần có hệ thống giải pháp từ chính sách, đất đai, nguồn lực, các giải pháp kỹ thuật… để cùng tổ chức chuỗi liên kết sản xuất hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành.

Để tìm lời giải cho vấn đề nói trên, góp phần tìm lời giải cho chăn nuôi bền vững và hiệu quả, Báo NTNN/Dân Việt phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, Tập đoàn De Heus tổ chức buổi Toạ đàm trực tuyến chủ đề "Xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thúc đẩy chế biến, xuất khẩu thịt và sản phẩm chăn nuôi".

Tọa đàm trực tuyến sẽ diễn ra từ 9h-11h00 ngày 25/7. Buổi tọa đàm cũng được tường thuật trực tiếp trên Báo điện tử Dân Việt và livestream trên Fanpage danviet.vn.

Ngay từ bây giờ, quý vị độc giả có thể đặt câu hỏi trực tiếp cho Ban Tổ chức của buổi tọa đàm theo địa chỉ hòm thư: hueeconomic@gmail.com. Điện thoại đường dây nóng: 0987.102.984

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem