Xét tuyển Đại Học, Cao Đẳng năm 2015: Thí sinh nông thôn thiệt thòi

Tùng Anh Thứ tư, ngày 12/08/2015 07:10 AM (GMT+7)
Điều kiện đi lại quá khó khăn, không thể cập nhật Internet thường xuyên, nhiều thí sinh (TS) ở nông thôn chỉ có thể nộp hồ sơ xét tuyển qua đường bưu điện, chấp nhận “chơi trò may rủi”.
Bình luận 0

Đỗ trượt tại… số

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, em Quách Ngọc Du (Tân Thành, Hàm Yên, Tuyên Quang) được 18 điểm khối A (cả điểm cộng). Sau khi biết điểm, Du phải lặn lội gần 20km đường đồi núi xuống thị trấn để vào quán Internet tra thông tin xét tuyển của các trường. Trời mưa như trút, đường từ nhà lên thị trấn lầy lội, con suối vắt ngang qua đường nước dâng cao, chảy xiết, Du phải vác xe đạp vượt qua gần 3km đường đồi để đến được đoạn đường bê tông theo lối khác, rồi đạp xe lên thị trấn. Du dự định nộp hồ sơ vào khoa Cơ điện Học viện Nông nghiệp Việt Nam (Gia Lâm, Hà Nội). Trường cách nhà hơn 200km, Du chỉ có thể gửi hồ sơ qua đường bưu điện. Không thể lúc nào cũng lên thị trấn ngóng thông tin, Du cũng không thể cập nhật thông tin của trường, cũng chẳng rõ cơ hội đỗ của mình thế nào. Em cũng không nghĩ đến việc sẽ rút hồ sơ để nộp vào trường khác. “Với số điểm này, em không chắc mình sẽ đỗ nhưng không biết phải làm thế nào. Muốn đi xem thông tin đã khó huống gì lên tận Hà Nội rút hồ sơ rồi nộp vào trường khác. Thôi thì đành đánh liều vậy, được thì được, không được thì năm sau thi lại” – Du giải thích.

img

Nhiều TS nông thôn chật vật lên thành phố để tìm hiểu thông tin về nộp hồ sơ. Ảnh chụp tại Học viện Nông nghiệp, Hà Nội. Ảnh: Đ.D

Không tra được thông tin hồ sơ TS của Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội, ngày 5.8, hai mẹ con chị Lê Thị Hoài, Nguyễn Văn Phương  (Ngọc Lặc, Thanh Hóa) phải rồng rắn 200km đến trường này để hỏi thông tin và gửi hồ sơ vào khoa Công nghệ ô tô rồi lại bắt xe về quê trong ngày. Chị Hoài cho biết: “Làm như này tưởng là có lợi cho các TS chắc chắn đỗ, vì có nhiều lựa chọn, thay đổi được các trường. Nhưng đối với các cháu ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa như con chúng tôi thì khó khăn quá, đi lại khó khăn, tra thông tin cũng khó. Gửi qua bưu điện thì lo lắng hồ sơ không đến nơi, trường có thay đổi gì thì lại trễ nải… Vì vậy, tôi bảo cháu cứ xem kỹ rồi gửi 1 lần thôi. Đỗ hay trượt cũng… có số rồi”.

Trong khi đó, em Trần Thị Ngân (Tứ Kỳ, Hải Dương) đang loay hoay vì không biết có nên rút hồ sơ hay để đó chờ may – rủi. Với số điểm 20 khối C, Ngân đăng ký vào ĐH Luật Hà Nội. Theo quy chế tuyển sinh, Ngân có thể đăng ký nguyện vọng vào 4 ngành khác nhau theo thứ tự ưu tiên từ 1 - 4 của trường. “Ngày nào em cũng phải lên thị trấn để xem thông tin, điểm của em được sắp xếp vào 4 ngành, hôm thì thấy điểm mình đứng ở trong chỉ tiêu, nhưng chỉ sau 2 hôm lại thấy trượt cả ở 4 ngành, mấy hôm nữa lại thấy đỗ cả. Em không biết tỷ lệ TS thực và ảo như thế nào để quyết định có giữ lại hồ sơ không. Việc kéo dài thời gian xét tuyển như này căng thẳng và mệt mỏi quá” – Ngân phàn nàn.

Nên xét tuyển online

Theo Giáo sư Văn Như Cương – Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội), cơ hội trúng tuyển vào ĐH, CĐ giữa TS thành phố và vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa là không công bằng. Đơn cử, cùng được 17-18 điểm,  nhưng TS thành phố được cập nhật thông tin, tiện đi lại nên có thể nộp hồ sơ rất nhanh vào, “vợt” được các cơ hội đỗ vào trường tốt. Còn TS nông thôn thì vẫn như “đánh bạc”, chậm chân là hết thời gian xét tuyển, đi lại vất vả, tốn kém tiền bạc.

Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT Tiền Hải (Thái Bình) thì cho rằng: “Việc biết điểm rồi mới xét tuyển chỉ giải quyết vấn đề chắc chắn đỗ ở những TS có điểm cao từ 23 điểm trở lên, còn đối với những TS có điểm từ 15 – 22 điểm thì cơ hội đỗ vẫn rất mong manh, trong khi đó các trường đăng tải thông tin không rõ ràng, TS đi lại rút nộp hồ sơ thì quá vất vả, áp lực kéo dài”.

Thầy Trần Văn Ơn – giáo viên THPT tại Hạ Hòa (Phú Thọ) đề xuất: “Nếu có một phần mềm kết nối giữa các trường ĐH với các Sở GDĐT địa phương, mỗi Sở sẽ là 1 đầu mối nhận hồ sơ và đăng nhập dữ liệu TS vào từng trường thì việc nộp – rút hồ sơ của TS ở nông thôn sẽ dễ dàng và thuận lợi hơn”. 

Ngay sau khi nhận được phản ánh của báo NTNN, cuối giờ chiều ngày 11.8, Thứ trưởng Bộ GD ĐT Bùi Văn Ga đã có công văn cho phép TS có nguyện vọng rút hồ sơ đăng ký dự thi nộp vào trường khác có thể tới các Sở GD ĐT địa phương hoặc các trường THPT để nộp hồ sơ điều chỉnh nguyện vọng. Các Sở tổ chức thu nhận hồ sơ của TS, cập nhật vào phần mềm quản lý tuyển sinh và gửi mail về Bộ GD ĐT. Các trường tiếp nhận danh sách đề nghị rút hồ sơ của TS từ  phần mềm quản lý tuyển sinh của Bộ để đưa tên TS ra khỏi danh sách xét tuyển của trường và nhập thêm dữ liệu TS xét tuyển mới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem