Xét xử vụ SADECO: Bị cáo Tất Thành Cang bất ngờ phản bác cáo buộc

Chinh Hoàng Thứ ba, ngày 28/12/2021 18:52 PM (GMT+7)
Chiều 28/12, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 19 đồng phạm, vì liên quan đến sai phạm tại Công ty TNHH MTV phát triển công nghiệp Tân Thuận - IPC, gây thất thoát, lãng phí cho Nhà nước. Trước tòa, bị cáo Cang bất ngờ phản bác cáo buộc…
Bình luận 0

Bị cáo Tất Thành Cang phủ nhận quy kết tội, đề nghị được đối chất

Khai báo tại tòa, bị cáo Cang bất ngờ phản bác cáo buộc. Ông Cang phủ nhận mình có vai trò chỉ đạo, quyết định, chủ mưu trong vụ án. Bị cáo Cang thừa nhận có bút phê "đồng ý" nhưng phản bác toàn bộ cáo trạng quy kết về hành vi phạm tội.

Lý giải về việc có bút phê trên, bị cáo Cang cho rằng chỉ đồng ý về mặt chủ trương, còn việc thực hiện thì phải thông qua hội đồng cổ đông. Về nguyên tắc, việc đại diện vốn của Thành ủy tại SADECO muốn chuyển nhượng phần vốn phải có sự chấp thuận của lãnh đạo cơ quan. Tuy nhiên, trong chức năng quyền hạn của mình, bị cáo chỉ thống nhất về chủ trương, còn quyền hạn thuộc thẩm quyền của Văn phòng Thành ủy.

Xét xử vụ SADECO: Bị cáo Tất Thành Cang bất ngờ phản bác cáo buộc quy kết tội - Ảnh 1.

Bị cáo Tất Thành Cang, Tề Trí Dũng và các bị cáo liên quan đến vụ án SADECO tại phiên tòa xét xử sơ thẩm. Ảnh: Chinh Hoàng

"Tôi có bút phê chữ "đồng ý" với đề xuất của Văn phòng Thành ủy. Đồng ý có nghĩa là vì Văn phòng Thành ủy đề xuất chấp thuận chủ trương. Căn cứ tờ trình 12A, tờ trình 148 đồng ý phương án 2 của tờ trình 12A SADECO. Tờ trình 12A ghi giá dự kiến: 40.000 đồng. Các tờ trình không giống nhau, còn tờ trình 13 ghi giá 40.000 đồng, khác nhau về chữ nghĩa" - ông Cang nói.

Theo bị cáo Cang: Có sự khác về bản chất, nội dung, bản chất pháp lý. Một cái là giá dự kiến, một cái là giá ấn định. Tờ trình 12A không ghi nội dung cổ đông chiến lược. Văn phòng Thành ủy là xin chủ trương nên bị cáo đồng ý về mặt chủ trương.

Bị cáo nhận thấy việc các bị cáo khác thực hiện đã đúng với quy chế và pháp luật. Khi báo cáo xin ý kiến phải trung thực, kịp thời, nhưng do báo cáo trên tờ trình không trung thực nên cuộc họp đại hội cổ đông không thực hiện đúng với tinh thần tại cuộc họp bị cáo chủ trì. Khi nội dung thể hiện tại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị mà không đúng với tờ trình xin ý kiến thì đại diện vốn không được biểu quyết mà phải xin ý kiến của Thành ủy. Nếu biểu quyết phải tự chịu trách nhiệm, đây là nội dung quy chế hành chính. 

"Tôi thực hiện nhiệm vụ là Phó Bí thư thực hiện theo nguyên tắc của Đảng là cho chủ trương, không can thiệp làm thay chức năng nhiệm vụ của các cơ quan đó. Tôi không đồng ý với cáo trạng trang 25 nói chỉ đạo Dũng về chuyển nhượng vốn tại SADECO nên đề nghị cho tôi đối chất", bị cáo Cang trình bày.

Bị cáo Tề Trí Dũng: "Bị cáo Cang có chỉ đạo bằng miệng"

Đối chất với bị cáo Tất Thành Cang tại tòa, bị cáo Dũng cho rằng cựu Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM có chỉ đạo (bằng miệng). Cụ thể một lần gặp ở nhà có ông Nguyễn Văn Kim (Công ty Nguyễn Kim) nói tạo điều kiện cho Nguyễn Kim tham gia vào SADECO nhưng không chỉ đạo việc phát hành 9 triệu cổ phần cũng như mức 40.000 đồng/cổ phần; trong nhận thức nếu không có chỉ đạo thì sẽ không xúc tiến…

Xét xử vụ SADECO: Bị cáo Tất Thành Cang bất ngờ phản bác cáo buộc quy kết tội - Ảnh 3.

Bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, Thành viên HĐTV Công ty IPC, Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) nói: "Bị cáo Tất Thành Cang có chỉ đạo bằng miệng". Ảnh: Chinh Hoàng

Tiếp tục đối chất, bị cáo Cang cho rằng không có vai trò chỉ đạo, quyết định đầu vụ trong vụ án. Vì căn cứ vào Điều 9 Bộ luật Tố tụng hình sự, mọi pháp nhân đều bình đẳng. Căn cứ Luật Doanh nghiệp thì đối với đại hội đồng cổ đông tuân theo quy tắc đối vốn, Thành ủy có 16% vốn không có tính quyết định trong hoạt động của SADECO. Ngày 10/5/2017, hội nghị SADECO tổ chức ra nghị quyết đại hội đồng cổ đông. SADECO chỉ tổ chức đại hội sau khi UBND TP cho phép. Nếu UBND TP không thống nhất với phương án phát hành cổ phiếu, tăng vốn điều lệ thì nghị quyết này vô hiệu.

Bị cáo Cang cho rằng thông báo 495 không có tác động có tính quyết định đối với việc chuyển nhượng 9 triệu cổ phần. UB có tính quyết định sở hữu 44% vốn. Còn với Văn phòng Thành ủy, thông báo 495 chỉ có giá trị trong phần vốn góp và đại hội cổ đông 2017. Nếu tờ trình 12A không được sử dụng là căn cứ gốc thì thông báo này không có giá trị. Đây cũng là nguyên tắc cơ bản duy trì trật tự kỷ cương trong việc quản lý hành chính.

Trong vụ án này, bị cáo Tất Thành Cang (cựu Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM) và 11 bị cáo bị truy tố về tội Vi phạm quy định về quản lý tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí. Cụ thể, bị cáo Cang đã có bút phê "đồng ý" cho Công ty SADECO bán 9 triệu cổ phần cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) gây thất thoát số tiền 1.103 tỷ đồng. Trong đó, tài sản của Văn phòng Thành ủy TPHCM là 184 tỷ đồng (tương đương 16%).

Tại toà, bị cáo Tề Trí Dũng (cựu Tổng Giám đốc, Thành viên HĐTV Công ty IPC và Chủ tịch HĐQT SADECO) khai ông Cang bút phê "đồng ý" với phương án để SADECO phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim là "chỉ đạo quan trọng nhất trong vụ án và có tính quyết định".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem