Xin giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp, người dân bị "xoay" như chong chóng

Trần Quang - Phạm Quân Thứ hai, ngày 06/09/2021 20:16 PM (GMT+7)
Do Hà Nội liên tục thay đổi chính sách giấy đi đường khiến nhiều doanh nghiệp, người dân cảm thấy bị "xoay" như chong chóng. Thậm chí có đơn vị được cấp giấy đi đường sớm nhưng lại "đau đầu" vì quy định nửa vời, khó sử dụng.
Bình luận 0
Xin giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp, người dân bị "xoay" như chóng chóng - Ảnh 1.

Dù đã được cấp "luồng xanh" nhưng anh Khang ở Phúc Thọ (Hà Nội) vẫn phải xoay xở xin giấy đi đường để vận chuyển thức ăn chăn nuôi. Ảnh: TQ

Dân "dài cổ" chờ cấp giấy đi đường

Sau khi Hà Nội thông báo điều chỉnh cấp giấy đi đường mới có mã QR, hai ngày cuối tuần vừa qua, anh Khuất Văn Khang, chủ đại lý kinh doanh thức ăn chăn nuôi ở Phúc Thọ (Hà Nội) đã liên tục liên hệ với công an địa phương để xin hướng dẫn làm thủ tục cấp loại giấy tờ này nhưng đến giờ vẫn chưa nhận được phản hồi tích cực khiến anh rất lo lắng.

"Hằng ngày chúng tôi phải vận chuyển cám cung cấp cho hàng trăm khách hàng, trang trại trong và ngoài huyện nên rất cần giấy đi đường. Tuy vậy, đến hôm nay hỏi xã vẫn kêu chưa có mẫu hướng dẫn của cấp trên nên chưa cấp giấy, cứ đà này khéo chúng tôi phải "tự bơi" thôi", anh Khang ngậm ngùi.

Tính đến nay, Hà Nội đã 4 lần ban hành quy định về mẫu giấy đi đường, các lần trước đó đã bộc lộ những bất cập nhất định. 

Do đó, người dân lo ngại những quy định mới về mẫu giấy đi đường sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, công việc cho người dân, doanh nghiệp và làm phiền cả các cơ quan chức năng đang căng sức chống dịch.

Là doanh nghiệp sở hữu gần 20 cửa hàng kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch ở các quận, huyện của Hà Nội nhưng đến hôm nay, Công ty TNHH VINAGAP Việt Nam (quận Thanh Xuân) vẫn chưa xin được giấy đi đường.

Bà Nguyễn Thị Dân, đại diện Công ty TNHH VINAGAP Việt Nam cho biết, theo quy định, công ty phải làm giấy đi đường cho nhân viên khối văn phòng, bán hàng tại công an các phường và nhân viên giao hàng (shipper) xin xác nhận tại Sở Công Thương thành phố. 

"Dù trong thông báo áp dụng kiểm soát giấy đi đường của Công an TP.Hà Nội từ ngày 6/9, nhưng ngày 4, 5/9 lại rơi vào cuối tuần nên công ty tôi "trở tay không kịp". Tuy vậy, đơn vị vẫn cố xoay xở hoàn thiện thủ tục gửi đi nhưng đến thời điểm này, chúng tôi vẫn chưa nhận được giấy đi đường, gây tâm lý hoang mang trong công ty", bà Dân buồn rầu nói.

Xin giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp, người dân bị "xoay" như chóng chóng - Ảnh 3.

Nguời dân, doanh nghiệp có "luồng xanh" vận chuyển trứng, thức ăn chăn nuôi bị một chốt kiểm soát Covid-19 ở huyện Phúc Thọ (Hà Nội) chặn, buộc tháo dỡ giao hàng cho khách tại chốt. Ảnh: NVCC

Điều bà Dân nghi ngại, lo lắng hơn là hiện nay phần lớn các nhà cung cấp, đầu mối trang trại chăn nuôi, rau xanh...  cung cấp cho chuỗi cửa hàng của công ty đều nằm tại các huyện ngoại thành Hà Nội và các tỉnh lân cận nhưng do thành phố chưa có hướng dẫn cụ thể nên VINAGAP vẫn chưa tìm được phương án vận chuyển hàng vào "vùng đỏ" (vùng 1).

"Chúng tôi đang có 17/18 cửa hàng tại "vùng đỏ", nếu các cơ quan chức năng của Hà Nội không sớm có giải pháp hỗ trợ kịp thời, chuỗi cung ứng của công ty sẽ đứt gãy gây ra hậu quả rất nặng nề", đại diện Công ty TNHH VINAGAP Việt Nam bộc bạch.

Được cấp giấy đi đường cũng khó... sử dụng

Trao đổi với PV Dân Việt vào trưa ngày 6/9, ông Đ.T - Giám đốc kinh doanh của một doanh nghiệp phân phối chuỗi thịt lợn lớn ở Hà Nội cho biết, do công ty chủ động hoàn thiện thủ tục, giấy tờ liên quan từ sớm và được Sở NNPTNT, Sở Công Thương Hà Nội hỗ trợ kịp thời nên ngày 5/9 toàn bộ nhân viên kinh doanh tại 160 cửa hàng của đơn vị ở Hà Nội đã được cấp giấy đi đường.

Tuy vậy, trên giấy đi đường mới được cấp cho các nhân viên của công ty chỉ giới hạn tuyến đường, khu vực di chuyển ở vùng 1 lại làm khó cho các nhân viên quản lý các cửa hàng, chuỗi cung ứng ở vùng 2, vùng 3.

"Cả chuỗi cung ứng, tiêu thụ thịt của chúng tôi nằm ở cả 3 vùng nhưng trên giấy đi đường mới được cấp chỉ cho phép nhân viên của công ty giao dịch ở vùng 1 là không hợp lý nhưng giờ chúng tôi không biết kêu ai, đơn vị nào để xin giải quyết", ông Đ.T chia sẻ.

Xin giấy đi đường ở Hà Nội: Doanh nghiệp, người dân bị "xoay" như chong chóng - Ảnh 4.

Dù được cấp giấy đi đường từ khá sớm nhưng do giới hạn tuyến đường, khu vực di chuyển chỉ cho phép ở vùng 1 lại làm khó cho các nhân viên quản lý các cửa hàng, chuỗi cung ứng ở vùng 2, vùng 3 của đơn vị ở Hà Nôị. Ảnh: NVCC

Để tránh đứt gãy chuỗi cung ứng thực phẩm của các các doanh nghiệp ở Hà Nội, ông Đ.T kiến nghị, các cơ quan chức năng của Hà Nội cần mở rộng vùng di chuyển trên giấy đi đường ở cả 3 vùng giúp cho các đơn vị cung cấp, giao hàng hóa thiết yếu phục vụ người dân đảm bảo đủ thực phẩm tiêu dùng trong thời gian giãn cách.

Theo nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, hiện nay việc điều chỉnh chính sách giấy đi đường liên tục đang gây ra nhiều hệ lụy ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của người dân, doanh nghiệp. 

Đề xuất với Hà Nội phương án kiểm soát lưu thông người, phương tiện trong phòng chống đại dịch Covid-19, bà Nguyễn Thị Dân cho rằng: Hà Nội cần thay đổi biện pháp kiểm soát thủ công qua các chốt, giấy đi đường bằng cách giám sát đầu đi và điểm đến của các phương tiện vận chuyển hàng hóa thông qua thiết bị giám sát hành trình sẽ thuận lợi và hiệu qủa hơn.

"Cùng với việc nghiên cứu, lắp đặt thiết bị giám sát thông minh trên các phương tiện, các địa phương cũng nên cho người dân ký cam kết thực hiện các quy định về phòng chống dịch. Nếu đơn vị nào vi phạm quy định đề nghị xử lý thật nghiêm để răn đe", bà Dân kiến nghị.

Ngoài ra, đại diện Công ty TNHH VINAGAP Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ và Hà Nội cần nhanh chóng triển khai tiêm vắc xin Coivd-19 đầu đủ cho nhân viên kinh doanh tại các chuỗi cũng ứng thực phẩm, lái xe giao hàng thiết yếu. 

"Chúng ta phải coi các đối tượng bán hàng, giao thực phẩm này như tuyến đầu phòng chống dịch giống như đội ngũ y tế thì mới đưa ra được nhiều chính sách hỗ trợ kịp thời và hiệu quả", bà Dân nhấn mạnh.

Hà Nội chính thức kết thúc đợt 3 gồm 45 ngày giãn cách xã hội toàn thành phố theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng về phòng chống dịch Covid-19, bắt đầu từ sáng 6/9, thành phố cũng bắt đầu bước sang một giai đoạn chống dịch mới theo phân vùng. Theo đó, tại vùng đỏ, thành phố sẽ tiếp tục áp dụng theo Chỉ thị 16 và siết chặt hơn một số biện pháp phòng dịch, 2 vùng còn lại sẽ áp dụng theo chỉ thị 15 (15+).

Theo đó, sáng 5/9, Công an Hà Nội có thông báo về quy trình xét duyệt, cấp giấy đi đường, thẻ đi mua hàng thiết yếu tại vùng 1 (vùng đỏ) phục vụ công tác phòng chống dịch COVID-19 từ ngày 6/9. Cụ thể:

Nhóm 1: Cơ quan tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị, ngoại giao, công vụ, bao gồm cán bộ công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị xã hội đóng trên địa bàn thành phố (bao gồm cả cơ quan trực thuộc và tương đương); cơ quan tổ chức, ngoại giao.

Nhóm 2: Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu bao gồm: cán bộ, công chức, viên chức, công nhân viên, người lao động trực tiếp thực hiện các nhiệm vụ trong lĩnh vực dịch vụ công ích thiết yếu sẽ do Phòng cảnh sát giao thông Công an thành phố cấp.

Nhóm 3: Các cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện, tham gia công tác phòng chống dịch.

Nhóm 4: Cơ quan, báo chí truyền thông.

Nhóm 5: Công dân được ra khỏi nhà trong các trường hợp sau:

- Người dân đi mua lương thực, thực phẩm, thuốc men do UBND xã, phường, thị trấn cấp duyệt theo đúng đối tượng quy định.

- Người thực hiện các dịch vụ y tế bắt buộc (cấp cứu, khám chữa bệnh, mua thuốc định kỳ, đi tiêm vắc xin, xét nghiệm COVID-19, chăm sóc người bệnh và người xuất viện về).

- Cá nhân đi sân bay theo vé, cá nhân đi đến các cơ quan ngoại giao theo giấy hẹn của cơ quan ngoại giao, cá nhân đến tòa theo giấy triệu tập của tòa án

Nhóm 6: Các tổ chức, cá nhân và các trường hợp cấp thiết khác phục vụ thực hiện các hoạt động công vụ, công ích thiết yếu bao gồm các cá nhân, người lao động làm việc trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và các trường hợp cấp thiết khác sẽ do công an xã, phường, thị trấn cấp.

Quy trình cấp giấy đi đường

- Đối với nhóm 1, 3, 4 do thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm duyệt, cấp theo đúng đối tượng quy định tại chỉ thị số 16 của Thủ tướng.

- Đối với nhóm 5 chỉ cần có giấy tờ chứng minh kèm theo căn cước công dân hoặc chứng minh thư nhân dân và giấy xét nghiệm âm tính với COVID-19 trong vòng 72 giờ (đối với cá nhân đi sân bay, đến tòa án, cơ quan ngoại giao).

- Đối với nhóm 2:

Bước 1, cử 1 cán bộ đại diện cơ quan, đơn vị, làm việc trực tiếp với cơ quan chủ quản (sở, ngành chức năng) để cung cấp thông tin, danh sách các cá nhân, người lao động, người điều khiển phương tiện mô tô, ô tô (theo biểu mẫu của Công an thành phố) để đề nghị xem xét cấp giấy đi đường có mã nhận diện.

Bước 2, cơ quan chủ quản tổng hợp danh sách các cá nhân, người lao động, người điều khiển ô tô đề nghị cấp giấy đi đường của các cơ quan, tổ chức có nhu cầu kèm theo các biểu mẫu của Công an thành phố.

Bước 3, căn cứ vào danh sách đề nghị của các cơ quan chủ quản, Phòng cảnh sát giao thông duyệt, in và ký, đóng dấu giấy đi đường

Bước 4, đối với giấy đi đường có mã nhận diện của người điều khiển ô tô (không đóng dấu): Phòng cảnh sát giao thông gửi tới các cơ quan chủ quản (qua email). Cơ quan chủ quản chuyển giấy đi đường có mã nhận diện cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân.

Đối với giấy đi đường có mã nhận diện (có ký, đóng dấu) cho các cá nhân và người điều khiển mô tô: Phòng cảnh sát giao thông gửi tới các cơ quan chủ quản để gửi cho các cơ quan, tổ chức doanh nghiệp, đơn vị, cá nhân.

Đối với nhóm 6:

Bước 1, Thủ trưởng các đơn vị cử 1 cán bộ đại diện làm việc với công an xã, phường, thị trấn để cung cấp thông tin cần thiết theo quy định, cung cấp địa chỉ email và thực hiện xác thực email trên hệ thống với UBND và công an xã, phường, thị trấn.

Bước 2, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức lập danh sách cán bộ, công chức, công vụ đề nghị cấp giấy đi đường (theo biểu mẫu) và gửi về UBND các xã, phường, thị trấn qua địa chỉ email đã xác thực trên hệ thống.

Bước 3, UBND xã, phường, thị trấn, duyệt danh sách cấp giấy đi đường và chuyển cho công an xã, phường, thị trấn cấp giấy đi đường có mã nhận diện (ký, đóng dấu).

Bước 4, cấp giấy đi đường: công an xã, phường, thị trấn trực tiếp gửi giấy đi đường có mã nhận diện tới các cơ quan, tổ chức theo địa chỉ đăng ký.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem