Xuất khẩu đồ gỗ sang Mỹ tăng gần 35% trong 4 tháng đầu năm
Ảnh minh họa.
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ 4 tháng đầu năm 2019 đạt gần 3,12 tỷ USD, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó, chủ yếu là sản phẩm gỗ chiếm 71,2%, đạt gần 2,2 tỷ USD, tăng 19,6%.
Mỹ vẫn là thị trường chủ đạo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam, chiếm 45,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước, đạt 1,42 tỷ USD, tăng 34,6% so với 4 tháng đầu năm 2018.
Đứng sau thị trường Mỹ là một số thị trường cũng đạt kim ngạch cao trên 100 triệu USD gồm có: Nhật Bản đạt 414,15 triệu USD, chiếm 13,3%, tăng 18,1%; Trung Quốc 364,8 triệu USD, chiếm 11,7%, giảm 0,7%; EU chiếm 10%, đạt 313,46 triệu USD, tăng 10,4%; Hàn Quốc đạt 268,81 triệu USD, chiếm 8,6%, giảm 6,9%; Anh đạt 108,03 triệu USD, chiếm 3,5%, tăng 9,5%.
Xét về mức tăng trưởng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong 4 tháng đầu năm nay so với 4 tháng đầu năm 2018, thì thấy đa số các thị trường tăng kim ngạch; trong đó, tăng mạnh ở một số thị trường như: Áo tăng 181,6%, đạt 0,71 triệu USD; Bồ Đào Nha tăng 56,3%, đạt 1,84 triệu USD; Mexico tăng 53,4%, đạt 4,9 triệu USD; Saudi Arabia tăng 43%, đạt 12,42 triệu USD.
Ngược lại, xuất khẩu giảm mạnh ở một số thị trường như:Thổ Nhĩ Kỳ giảm 81,5%, đạt 1,1 triệu USD; Campuchia giảm 49,6%, đạt 1,92 triệu USD; Hồng Kông giảm 45,9%, đạt 1,32 triệu USD và Phần Lan giảm 41%, đạt 0,48 triệu USD.
Để đảm bảo xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ hợp pháp, mới đây tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU) đã công bố kết thúc quá trình phê chuẩn và phê duyệt Hiệp định Đối tác tự nguyện về Thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT)
Hiệp định sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 1/6/2019 trong bối cảnh quan hệ song phương Việt Nam và EU ngày càng phát triển tốt đẹp, đặc biệt khi hai bên đang chuẩn bị kí chính thức Hiệp định thương mại tự do (EVFTA).
Hiệp định VPA/FLEGT được thực thi là dấu mốc khởi đầu việc Việt Nam và EU cùng cam kết hợp tác để giải quyết tình trạng khai thác và thương mại gỗ bất hợp pháp. Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam sẽ xây dựng và vận hành Hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam (VNTLAS) nhằm đảm bảo gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam có nguồn gốc hợp pháp, gồm việc xác minh một cách hệ thống để đảm bảo các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu gỗ được khai thác và mua bán hợp pháp phù hợp với pháp luật của quốc gia khai thác.
Điều này có nghĩa là gỗ khai thác bất hợp pháp và các doanh nghiệp mua bán gỗ khai thác bất hợp pháp sẽ không được tham gia chuỗi cung ứng theo quy định của Hệ thống VNTLAS.
Các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT phối hợp với quy định tại Luật Lâm nghiệp năm 2017, theo đó nghiêm cấm việc nhập khẩu, xuất khẩu, khai thác, chế biến và thương mại gỗ bất hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam và quốc tế.
Để thực hiện Hiệp định, Việt Nam tiếp tục hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật hài hòa hóa các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT, gồm việc xây dựng Nghị định quy định Hệ thống VNTLAS. Theo kế hoạch, Nghị định này sẽ được trình Chính phủ ban hành vào cuối năm 2019.
Các bên nhất trí thành lập một Ủy ban thực thi chung Việt Nam – EU (JIC) để giám sát và đánh giá việc thực thi đầy đủ các cam kết của Hiệp định, một quá trình có thể sẽ kéo dài trong vài năm. JIC cũng sẽ đảm bảo cơ chế đối thoại, chia sẻ và công bố thông tin giữa hai bên, đồng thời củng cố hoạt động của Nhóm nòng cốt đa bên về FLEGT của Việt Nam, một diễn đàn để giám sát độc lập và truyên truyền về việc thực thi Hiệp định.
Một đánh giá chung sẽ được thực hiện trước khi cơ chế cấp phép FLEGT của Hệ thống VNTLAS chính thức hoạt động để xác định các cam kết của Hiệp định VPA/FLEGT sẵn sàng vận hành theo quy định của Hiệp định.
EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU. Hiệp định được triển khai đầy đủ khi cơ chế cấp phép FLEGT bắt đầu hoạt động. Khi đó, mỗi lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam xuất khẩu sang EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT. Cơ chế cấp phép FLEGT sẽ đảm bảo việc đáp ứng các yêu cầu của Quy chế gỗ của EU, một quy chế được xây dựng nhằm ngăn chặn việc nhập khẩu gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU.
Theo đó, gỗ và sản phẩm gỗ được nhập khẩu từ Việt Nam sẽ tiếp tục phải thực hiện trách nhiệm giải trình về truy xuất nguồn gốc theo quy định của Quy chế gỗ của EU nhằm đảm bảo loại trừ rủi ro nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ bất hợp pháp vào thị trường EU. Mặt khác, EU sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho gỗ và sản phẩm gỗ có giấy phép FLEGT tại thị trường EU.
Bên cạnh những lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường từ việc quản lý rừng tốt hơn tại Việt Nam, cơ chế cấp phép FLEGT sẽ góp phần tăng uy tín ngành chế biến gỗ Việt Nam không chỉ tại thị trường EU mà còn tại các thị trường xuất khẩu khác, các thị trường đang ngày càng có nhu cầu cao về gỗ hợp pháp.