Xuất khẩu thủy sản mang về 9,2 tỷ USD, xúc tiến ký 2 Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc

Bình Minh Thứ năm, ngày 21/12/2023 19:35 PM (GMT+7)
Kết thúc năm 2023, ước tính sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, xuất khẩu 9,2 tỷ USD.
Bình luận 0

Ngày 21/12, Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và PTNT) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị.

Báo cáo kết quả năm 2023, ông Nhữ Văn Cẩn, Phó Cục trưởng Cục Thủy sản cho biết, kết thúc năm 2023, ước tính sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, xuất khẩu 9,2 tỷ USD (trong đó xuất khẩu tập trung vào tôm khoảng 3,45 tỷ USD; cá tra khoảng 1,9 tỷ USD; nhuyễn thể khoảng 0,8 tỷ USD; cá ngừ khoảng 0,9 tỷ USD).

So với chỉ tiêu kế hoạch cả năm 2023, tổng sản lượng thủy sản đạt 102,4% (9,05 triệu tấn); trong đó sản lượng khai thác vượt 4,9%, chưa đạt chỉ tiêu đề ra (giảm còn 3,68 triệu tấn); sản lượng nuôi trồng đạt 100,7%. Giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản, kém 0,8 tỷ USD so với kế hoạch đề ra 10 tỷ USD.

Xuất khẩu thủy sản mang về 9,2 tỷ USD, xúc tiến ký 2 Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc- Ảnh 1.

Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 của Cục Thủy sản, ngày 21/12. Ảnh: Bình Minh

Nói về các thị trường xuất khẩu thủy sản năm 2023, ông Lê Bá Anh, Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường cho hay, Mỹ, Hàn Quốc đều đánh giá cao chất lượng an toàn thực phẩm trên thủy sản của Việt Nam.

Cũng theo ông Lê Bá Anh, hiện Việt Nam đang xúc tiến 2 Nghị định thư về thủy sản khai thác đã qua chế biến và thủy sản sống với Trung Quốc. "Phía Trung Quốc đã gửi dự thảo Nghị định thư liên quan đến thủy sản sống, thời gian tới Cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường sẽ phối hợp với Cục Thủy sản và Cục Thú y để nghiên cứu, góp ý vào dự thảo", ông Lê Bá Anh cho biết.

Đối với Nghị định thư về thủy sản khai thác đã qua chế biến, hiện 2 bên đã thống nhất các nội dung và chỉ còn trình để phê chuẩn thông qua.

Xuất khẩu thủy sản mang về 9,2 tỷ USD, xúc tiến ký 2 Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc- Ảnh 2.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị. Ảnh: Bình Minh

Đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả mà ngành thủy sản, Cục Thủy sản đã đạt được trong năm 2023, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến khẳng định chưa khi nào ngành thủy sản lại có hệ thống văn bản đầy đủ, chặt chẽ như hiện nay, bao gồm: Chiến lược, Đề án và Chương trình phát triển thủy sản...

Thứ trưởng Tiến nhấn mạnh, giá trị ngành thủy sản chiếm hơn 28% tổng giá trị toàn ngành nông nghiệp, để không gian ngành thủy sản phát triển xứng tầm, ông đề nghị ngành thủy sản rà soát lại vấn đề con giống và thức ăn. 

"Giống tôm mới quản trị được hơn 50%, cá tra cũng chưa đáp ứng được, vẫn còn rất nhiều giống giả, không rõ nguồn gốc, từ đó dẫn đến năng suất, giá, sức cạnh tranh giảm", ông Tiến nói.

Thứ trưởng yêu cầu Cục Thủy sản bám sát, triển khai quy chế phối hợp giữa Cục Thủy sản và Cục Thú y liên quan đến công tác quản lý giống thủy sản, kiểm dịch động vật thủy sản, quản lý hóa chất, chế phẩm sinh học, vi sinh vật để cải tạo xử lý môi trường.

“Phải kiểm soát chặt chẽ sản xuất an toàn thực phẩm sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh thủy sản; thực hiện truy xuất nguồn gốc và xác nhận cam kết chống khai thác bất hợp pháp, phát triển thủy sản đạt chứng nhận quốc tế”, ông Tiến nhấn mạnh.

Xuất khẩu thủy sản mang về 9,2 tỷ USD, xúc tiến ký 2 Nghị định thư xuất khẩu thủy sản sang Trung Quốc- Ảnh 3.

Theo Cục Thủy sản, kết thúc năm 2023, ước tính sản lượng khai thác thủy sản đạt 3,861 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt hơn 5,408 triệu tấn, xuất khẩu 9,2 tỷ USD.

Bên cạnh đó, nhanh chóng hoàn thiện những văn bản quy phạm pháp luật; triển khai có hiệu quả chiến lược, đề án, chương trình phát triển thủy sản. Bên cạnh đó, hoàn thiện quy hoạch quốc gia về thủy sản để có căn cứ pháp lý và huy động nguồn lực thực hiện. Đồng thời, phải xem xét, đánh giá chiến lược phát triển thủy sản, cơ chế chính sách đã có tác động, tương tác cụ thể như thế nào với chuyển biến của ngành, với thực tế hoạt động tại các địa phương để kịp thời điều chỉnh.

Đối với lĩnh vực hải sản, cần tổ chức lại sản xuất nuôi biển, hướng dẫn cho ngư dân chuyển đổi nghề từ khai thác ven bờ sang nuôi trồng hải sản và rong biển. Phải theo dõi, hướng dẫn, xử lý về chứng nhận, xác nhận thủy sản khai thác và quản lý, kiểm tra tàu cá tại cảng của các địa phương, đảm bảo tuân thủ các quy định về IUU.

"Tăng cường kiểm soát tàu cá rời cảng và về cảng. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý quản lý tàu cá tại các địa phương. Tại các cảng cá, phải giám sát sản lượng thủy sản bốc dỡ, thu nhật ký, báo cáo khai thác và xác nhận nguồn gốc thủy sản. Mục tiêu phải gỡ được “thẻ vàng” trong quý 2 năm 2024”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến chỉ đạo.






Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem