Xung đột Nga - Ukraine gây áp lực tăng giá hàng Việt
Căng thẳng Nga và Ukraine càng kéo dài, các lệnh áp đặt trừng phạt của phương Tây và Mỹ càng mạnh thì doanh nghiệp (DN) Việt dễ đối diện với chi phí hàng hóa tăng cao. Chi phí tăng cao sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến tiến trình hồi phục của các DN nói riêng và nền kinh tế nói chung.
Nhiều ngành bị ảnh hưởng
Hôm qua (2/3), giá dầu thô Brent đã tăng lên mức kỷ lục mới: 112,73 USD/thùng. Giới chuyên gia kinh tế dự báo giá dầu sẽ tiếp tục tăng cao khi nguồn cung vẫn hạn hẹp và các lệnh trừng phạt giáng đòn mạnh vào nguồn năng lượng của Nga.
Ông Trần Thanh Hải, chuyên gia kinh tế, nhận định giá xăng dầu tiếp tục leo thang là biểu hiện rõ nhất cho tác động từ căng thẳng địa chính trị Nga và Ukraine. Giá xăng dầu tăng sẽ làm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, vì trong rổ hàng hóa Việt Nam (VN) đều có thành phần chi phí xăng dầu, từ đó tạo áp lực lạm phát.
Các ngành vận tải hàng hóa, đường hàng không… sẽ chịu tác động lớn nhất từ đợt tăng giá này. Tiếp đến tạo áp lực lên chi tiêu cho các hộ gia đình do đối diện với việc hàng hóa tiêu dùng tăng theo giá xăng. “Với việc gánh thêm giá cho các hàng hóa thiết yếu, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tiết kiệm chi tiêu, thắt chặt hầu bao. Điều này sẽ khiến các giải pháp kích cầu tiêu dùng của Chính phủ nhằm kích thích tăng trưởng giảm tác dụng” - ông Hải phân tích.
Không chỉ xăng dầu mà nhiều nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất cũng bị tác động mạnh. Các chuyên gia của Quỹ đầu tư Dragon Capital phân tích: Nga và Ukraine là những nhà cung cấp lớn trên thế giới về niken, neon, krypton, nhôm và palladium. Đây là những nguyên liệu quan trọng để sản xuất chip bán dẫn. Do đó, bất kỳ gián đoạn nào trong nguồn cung cấp hàng hóa của Nga có thể gây ra tắc nghẽn trong sản lượng lĩnh vực điện thoại, điện tử.
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cho rằng một khi giá nguyên vật liệu tăng lên, chuỗi cung ứng bị gián đoạn sẽ ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu. Chẳng hạn, Ukraine là nhà cung cấp lớn của nhiều loại khí quan trọng với hoạt động sản xuất bán dẫn như neon, argon, krypton và xenon. Nước này hiện chiếm gần 70% sản lượng khí neon toàn cầu.
Do vậy, nếu nguồn cung các nguyên liệu này bị đứt gãy, ngành công nghiệp bán dẫn sẽ bị ảnh hưởng, giá nguyên vật liệu sản xuất con chip sẽ tăng mạnh. Từ đó dẫn đến tăng chi phí sản xuất điện thoại di động và điện tử tại VN.
“Nông dân VN cũng sẽ đối diện với việc mua phân bón giá cao khiến chi phí sản xuất nông sản gia tăng, tác động trực tiếp lên cầu tiêu dùng nội địa, dẫn đến khó kiềm chế lạm phát. Chưa kể nguyên vật liệu tăng cũng ảnh hưởng đến việc triển khai và tiến độ giải ngân các gói phục hồi kinh tế của VN” - TS Hiếu cảnh báo.
Giá xăng dầu liên tục tăng cao gây áp lực lớn lên cả doanh nghiệp và người dân. Ảnh: TÚ UYÊN
Giám sát để phát hiện diễn biến bất thường
Bộ Công Thương vừa đưa ra nhận định dịch COVID-19 phức tạp và xung đột vũ trang tại Ukraine khiến giá hàng hóa trong nước tăng cao, ảnh hưởng tới đời sống người dân. Vì vậy bộ yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo toàn lực lượng tăng cường công tác giám sát, quản lý theo địa bàn, phối hợp kiểm tra các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng thị trường để thu lời bất chính.
Bộ Công Thương cũng đề nghị Cục Quản lý thị trường tại các địa phương, lãnh đạo giám sát để phát hiện diễn biến bất thường hàng hóa lưu thông, nhất là các mặt hàng xăng dầu, thiết bị, vật tư y tế.
Trong nguy có cơ
Theo các chuyên gia của Công ty Chứng khoán VN Direct, các lệnh trừng phạt, bao gồm cả việc chặn kết nối SWIFT của hệ thống tài chính Nga sẽ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư của Nga tại VN, phần lớn là các dự án điện và dầu khí. Tuy nhiên, căng thẳng địa chính trị Nga và Ukraine cũng mang lại một số cơ hội cho một số ngành hàng của VN.
Cụ thể, ngay sau khi xung đột có dấu hiệu leo thang từ ngày
24-2, một số nhà sản xuất thép hàng đầu tại Ukraine đã có kế hoạch cắt giảm sản lượng sản xuất xuống mức tối thiểu do hoạt động vận chuyển đường sắt và cảng bị đình trệ. Trong khi các mặt hàng xuất khẩu của Nga đứng trước nguy cơ bị nhiều quốc gia cấm vận.
“Chúng tôi cho rằng các nhà xuất khẩu thép hàng đầu của VN có cơ hội gia tăng sản lượng trong thời gian tới. EU là thị trường xuất khẩu thép lớn thứ ba của VN trong năm 2021, chủ yếu là mặt hàng tôn mạ” - các chuyên gia của VN Direct nhận định.
Ngoài ra, nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cùng chung nhận định rằng căng thẳng địa chính trị tại Nga giúp thúc đẩy dòng vốn đầu tư nước ngoài vào VN, do nhiều nhà đầu tư sẽ đẩy nhanh hơn quá trình chuyển dịch, tìm đến nơi an toàn và VN đang được đánh giá là điểm đến tốt. Tuy nhiên, điều quan trọng là VN phải triển khai ngay nhiều giải pháp để giảm thiểu tác động xấu cũng như tận dụng được cơ hội phát triển.
Ví dụ, VN cần duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô và các chính sách hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, duy trì mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý. Đồng thời phải chủ động để có thể đón nhận hiệu quả hơn khả năng hấp thụ vốn từ nhà đầu tư nước ngoài. Trong đó, quan trọng nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đầu tư đồng bộ cơ sở hạ tầng, thu hút các tập đoàn công nghệ cao đầu tư vào VN.
Đặc biệt, Chính phủ cần xem xét cắt giảm thuế, phí, nhất là với xăng dầu và cắt giảm những khoản chi tiêu không thực sự cần thiết.
Linh hoạt điều chỉnh chính sách
Quỹ đầu tư Dragon Capital đánh giá: Tác động dễ thấy nhất với nền kinh tế VN là áp lực lạm phát do giá dầu tăng. Đến nay, giá dầu Brent đã tăng hơn 27%. Trong rổ hàng hóa tính lạm phát của VN, nhiên liệu hiện chiếm tỉ trọng 3,6%, nhóm giao thông chiếm 9,7%. Giá xăng dầu tăng cao sẽ khiến giá thịt heo, gạo, gia cầm… tăng theo.
Để kiểm soát lạm phát, Chính phủ có thể thực hiện một số điều chỉnh chính sách. Hiện nay, Chính phủ đã tài trợ cho một công ty lọc dầu để giải quyết những khó khăn tài chính tạm thời và nâng sản lượng lên mức bình thường. Bộ Tài chính cũng chuẩn bị đấu giá 100 triệu lít xăng từ nguồn dự trữ quốc gia trong tháng này để tăng nguồn cung.
Bên cạnh đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính xem xét giảm thuế môi trường đối với xăng dầu. Hiện tại, thuế môi trường chiếm 15% giá dầu nội địa; tổng thuế và phí chiếm 42% giá dầu. Ngoài ra, có những lĩnh vực khác trong rổ giá tiêu dùng như điện và nước (3,9%), y tế (5,4%), giáo dục (5,5%)… mà Chính phủ có thể linh hoạt điều chỉnh.