Y, bác sĩ hy sinh trong tâm dịch Covid-19: Lỡ hẹn ngày trở về…

Bạch Dương Thứ sáu, ngày 19/11/2021 10:30 AM (GMT+7)
Tối nay, lễ tưởng niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ hy sinh, tử vong do Covid-19 sẽ diễn ra trang trọng tại TP.HCM và đầu cầu Hà Nội. Trong số hơn 17.000 người tử vong ở TP.HCM, đã có những y, bác sĩ lỡ hẹn ngày về với gia đình khi xung phong lên đường chống dịch.
Bình luận 0
Y bác sĩ hy sinh trong tâm dịch Covid-19: Lỡ hẹn ngày trở về… - Ảnh 1.

BS Nhẫn (giữa) đi xuồng tham gia truy vết, xét nghiệm giữa dịch Covid-19. Ảnh: Gia đình cung cấp

Cứu người đến phút cuối cùng

Bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn nguyên là Trạm trưởng Trạm Y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè. Ngày 4/8, ông qua đời trong quá trình tham gia chống dịch Covid-19.

Sau khi tốt nghiệp y sĩ năm 1982, ông Nhẫn tình nguyện đến Cần Giờ để chăm sóc sức khỏe cho Lực lượng Thanh niên xung phong và những người học tập cải tạo tại đây. Năm 1984, ông nhận nhiệm vụ Trưởng Trạm y tế xã Phước Lộc, huyện Nhà Bè rồi gắn bó tại đây trong suốt 37 năm, từ chối mọi lời mời đến làm việc tại các bệnh viện lớn.

Thời ông mới về xã đảo Phước Lộc, ở đây nổi tiếng với "3 không" (không điện, không đường, không nước sạch), người dân còn túng thiếu với cơm ăn áo mặc, nghĩ đến việc được chăm sóc y tế như một điều xa xỉ. Không ít người bệnh đã mất giữa mênh mông sóng nước trên đường đến trạm y tế. Thời ấy, cả xã chỉ có một nữ hộ sinh. ông Nhẫn vừa khám bệnh vừa trở thành nam hộ sinh bất đắc dĩ của cả vùng.

Nhiều người dân ở đây ví bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn như ngọn lửa tinh thần, bởi từ ngày ông cắm chốt tại xã đảo thì người dân yên tâm hơn, vui hơn, khỏe hơn. Ông đem y tế đến từng nhà dân. Những người già neo đơn, tật nguyền, bà mẹ Việt Nam anh hùng được ông xem như người thân, năng lui tới săn sóc thường xuyên. Gặp người bệnh nghèo khó, ông bỏ tiền túi mua thuốc, động viên họ vượt lên nghịch cảnh. Ông giúp những đứa trẻ khỏe mạnh chào đời.

Từ tháng 4/2021, Covid-19 bùng phát trở lại ở TP HCM, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn cùng các nhân viên y tế tại Trạm Y tế xã Phước Lộc lao vào chống dịch. Cuối tháng 5, huyện Nhà Bè bắt đầu xuất hiện những ca bệnh trong cộng đồng. 

Bác sĩ Nhẫn thuộc Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 của xã Phước Lộc, ngày đêm cùng đội ngũ tuyến đầu thực hiện công tác tuyên truyền các biện pháp chống dịch, lấy mẫu, truy vết ca bệnh trong cộng đồng.

Thời điểm đó, chỉ còn 4 tháng nữa là bác sĩ Nhẫn nghỉ hưu. Tuổi cao và nhiều năm mang căn bệnh cao huyết áp khiến sức khỏe ông giảm sút. Nhiều lần vợ ông khuyên ông nghỉ ngơi, để lớp trẻ chống dịch nhưng ông đều gạt đi, nói tình hình phức tạp nên phải ráng cùng anh em đưa bình yên trở lại cho người dân. Đợt cao điểm, ông ở luôn tại trạm y tế để ngày đêm chống dịch.

Y bác sĩ hy sinh trong tâm dịch Covid-19: Lỡ hẹn ngày trở về… - Ảnh 3.

Bác sĩ Nhẫn khám sức khỏe cho học sinh. Ảnh: Gia đình cung cấp

Điều không may xảy ra, bác sĩ Nhẫn nhiễm virus, ông được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 6. Các y, bác sĩ bệnh viện kể lại, khi vào viện, dù được yêu cầu nghỉ ngơi để tập trung điều trị vì ho nhiều, mệt nhưng khi tỉnh táo, ông lại đòi cầm điện thoại để xem có tin nhắn hay cuộc gọi nào của người bệnh từ xã Phước Lộc không. Hễ có là ông lại xin phép đồng nghiệp được hồi âm. Ông kìm nén từng cơn ho, hướng dẫn kỹ càng từng loại thuốc, liều lượng cho bà con. Ông nói chỉ có thế thì ông mới an tâm để điều trị...

Ngày 4/8, bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn qua đời tại Bệnh viện Hồi sức Covid-19 (TP Thủ Đức). Ông được Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định truy tặng Huân chương Lao động hạng ba cho "Nhân viên y tế có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống dịch Covid-19 tại TP.HCM".

Lỡ hẹn ngày trở về

Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Nhân dân Gia Định) là một trong những người đã hy sinh trong quá trình chống dịch Covid-19. Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh, Khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Nhân dân Gia Định được chuyển đổi công năng thành nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19.

Y bác sĩ hy sinh trong tâm dịch Covid-19: Lỡ hẹn ngày trở về… - Ảnh 4.

Điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng (hàng đầu, thứ 3 từ phải sang) cùng đồng nghiệp trước khi dịch bùng phát. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Nhìn những bệnh nhân mắc Covid-19 nặng cận kề "cửa tử" đang cần được điều trị, chăm sóc, chị quyết tâm không để mình đứng ngoài cuộc. Tạm gác lại những riêng tư của gia đình nhỏ, chị Hằng tình nguyện nhận nhiệm vụ chăm sóc cho các ca F0, đồng hành với đồng nghiệp ở bệnh viện và ngành y tế cả nước chống dịch.

Ngày chị xách vali vào bệnh viện chống dịch, chị nắm tay mẹ chồng: "Má ơi, cho con gửi 2 đứa nhỏ. Con đi chống dịch. Hết dịch con về".

Dịch Covid-19 ngày càng khốc liệt. Khu phố chỗ gia đình chị Hằng sống trở thành "vùng đỏ", ba mẹ chồng chị cũng bị mắc Covid-19 phải đi cách ly điều trị nhưng ai cũng giấu để chị Hằng yên tâm chống dịch tuyến đầu. Nhưng không ngờ trong quá trình vợ chồng bà đang cách ly điều trị thì con dâu cũng mắc Covid-19 khi chăm sóc bệnh nhân.

Sở Y tế TP.HCM đã có công văn gửi Bộ Y tế và UBND TP.HCM đề nghị xét công nhận liệt sĩ đối với nhân viên y tế tử vong do thực hiện nhiệm vụ được giao trong công tác phòng chống dịch Covid-19.

Sau khi phát hiện bị nhiễm bệnh, ngày 1/8, chị Trần Thị Phương Hằng được điều trị và khỏe lại với kết quả xét nghiệm đủ điều kiện xuất viện. Ngày 13/8, xe cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân Gia Định đưa chị về quê mẹ ở huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai để cách ly theo nguyện vọng của chị. Tuy nhiên, tại đây chị đột ngột khó thở, được đưa đến cơ sở y tế của địa phương nhưng đã không qua khỏi.

Hơn 18 năm trong nghề, chị hết lòng vì bệnh nhân, là chỗ dựa cho nhiều người bệnh được khỏe mạnh trở về với cuộc sống. Ghi nhận những cống hiến thầm lặng mà cao cả của điều dưỡng Trần Thị Phương Hằng, mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã truy tặng Huân chương Lao động hạng ba.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem