Ý tưởng chống hạn táo bạo ở Tây Nguyên, xây hồ chứa nước ngọt trên cao, dân tình sẽ tha hồ tưới?

Công Nam Chủ nhật, ngày 05/05/2024 05:44 AM (GMT+7)
Trước đây các hồ thủy lợi ở Tây Nguyên chỉ tưới được cho vùng thấp hơn mặt hồ, nhưng với mô hình chống hạn mới, nó chỉ đóng vai trò cung cấp nguồn nước để bơm lên những hồ chứa được xây mới trên cao. Các hồ chứa trên cao sẽ đưa nước đi khắp vùng tưới một cách dễ dàng.
Bình luận 0

Ý tưởng chống hạn táo bạo

Đứng trên đỉnh cao nhất trong dãy núi Ea Pô (thuộc xã Ea Pô, huyện Cư Jút, Đắk Nông), một bên là hồ thủy điện Sêrêpôk 3 mênh mông nước, một bên là cảnh cây trồng khô cháy, ông Hồ Sơn - Trưởng Phòng NNPTNT huyện Cư Jút không khỏi tiếc nuối: "Giá như nước của sông Sêrêpôk có thể bơm lên tưới cho cây trồng".

Ý tưởng chống hạn táo bạo ở Tây Nguyên, xây hồ chứa nước ngọt trên cao, dân tình sẽ tha hồ tưới?- Ảnh 1.

Hồ thủy điện Sê rê pôk 3, nơi huyện Cư Jut (Đắk Nông) đề xuất ý tưởng bơm nước lên núi.

Rồi ông Sơn nói về sáng kiến bơm nước lên núi của huyện Cư Jút. Một hoặc một vài trạm bơm sẽ được xây dựng để bơm nước từ sông Sêrêpôk lên trên núi cao. 

Chỉ cần làm các hồ trung chuyển quy mô nhỏ chừng vài héc ta trên núi, sau đó làm hệ thống ống dẫn nước xuống núi, tỏa đi quanh vùng, tưới cho cây trồng. 

Phương án cấp nước cho sản xuất này tương tự như cách thức cấp nước cho sinh hoạt đang triển khai ở các đô thị, khu vực đông dân cư.

Theo ông Hồ Sơn, việc xây dựng trạm bơm là cấp thiết vì ở khu vực phía Tây của huyện bao gồm các xã Nam Dong, Ea Pô và Đăk Wil, Đăk Đrông hầu hết không có hồ chứa. 

Nguồn nước mặt, nước ngầm phục vụ sinh hoạt và sản xuất mùa khô rất khó khăn, thiếu nước mỗi năm một trầm trọng.

Về tính khả thi, ông Hồ Sơn cho biết, khu vực đề xuất đặt trạm bơm không quá cao, độ cao của núi chỉ hơn 300m. Độ chênh cao với bề mặt sông Sêrêpôk chỉ khoảng 100m. 

Việc lắp đặt và vận hành trạm bơm có thể thực hiện được. Vấn đề ở đây là nguồn vốn để làm hệ thống ống dẫn nước cho khoảng 5.000ha cây trồng trong vùng, chủ yếu là cây cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu… và cây ăn quả như sầu riêng.

Ý tưởng chống hạn táo bạo ở Tây Nguyên, xây hồ chứa nước ngọt trên cao, dân tình sẽ tha hồ tưới?- Ảnh 3.

Các hồ thủy lợi chỉ tưới được khu vực thấp hơn mặt hồ nhưng với mô hình chống hạn mới, nó sẽ đóng vai trò cấp nước để bơm lên các hồ chứa được xây mới trên cao.

"Có thể tính đến phương án xã hội hóa một phần để triển khai trạm bơm. Nhà nước cho doanh nghiệp đầu tư và sẽ thu hồi vốn bằng cách thu phí nước tưới của người sử dụng. Mức thu phí trên mỗi mét khối nước sẽ được tính toán cho hợp lý.

Huyện cũng sẽ vận động người dân áp dụng các công nghệ tưới tiết kiệm nước. Nhà nước cũng đã có những chính sách cụ thể để hỗ trợ người dân đầu tư áp dụng công nghệ mới. Việc triển khai trạm bơm sẽ có hiệu quả đối với một vùng sản xuất rộng lớn mà thiếu nước như Cư Jút"- ông Hồ Sơn khẳng định.

Cũng dựa vào nguyên lý áp lực nước trên cao, tại tỉnh Đắk Lắk, để ứng phó với khô hạn, tỉnh đã đưa ra sáng kiến xây dựng hệ thống tưới động lực (bơm nước từ thấp lên cao) kết hợp với áp lực (xả nước tự chảy từ trên cao xuống). 

Theo sáng kiến này, Đắk Lắk sẽ xây dựng các trạm bơm, bơm nước từ các hồ chứa, hồ thủy lợi lên các bể trung chuyển đặt ở các vị trí cao nhất trong khu tưới. 

Nước từ bể sẽ thông qua hệ thống đường ống về khu tưới, dọc theo tuyến ống có bố trí các hố van để người dân lấy nước tưới. Lưu lượng của mỗi hố van là 5lít/s và một vòi như thế có thể tưới cho 5ha cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu.

Trước đây, các hồ thủy lợi ở Tây Nguyên chủ yếu chỉ tưới được cho vùng thấp hơn mặt hồ. Nhưng nay, mô hình này sẽ khắc phục được hạn chế này, những vùng trên cao vẫn có nước tưới và tận dụng ngay những hồ thủy lợi sẵn có. 

Sáng kiến làm bể trên cao, tưới động lực đã được tỉnh Đắk Lắk trình bày trong đề xuất thực hiện Dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán" do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ.

Sáng kiến này đã phê duyệt, triển khai thành một tiểu dự án trong tổng số 8 tiểu dự án được ADB tài trợ. 

Với nguồn vốn 545 tỷ đồng, dự án dự kiến sẽ được thực hiện tại các huyện là Krông Pắk, Ea H'leo, Cư M'gar, Ea Kar. Qua đó, đảm bảo cung cấp nước tưới cho hàng nghìn ha cây trồng, chủ yếu là cà phê, hồ tiêu.

Cũng trong khuôn khổ Dự án "Nâng cao hiệu quả sử dụng nước cho các tỉnh chịu ảnh hưởng bởi hạn hán" do Ngân hàng Châu Á (ADB) tài trợ, tỉnh Đắk Nông đang xây dựng dự án hơn 200 tỷ đồng với ý tưởng đắp 10 đập liên hoàn trên suối Ea Diêr, huyện Cư Jút.

Khi các đập hoàn thành, 3.000 héc ta cây trồng sẽ chủ động nguồn nước tưới. Ông Lê Trung Kiên, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đắk Nông cho biết, việc đắp đập liên hoàn sẽ phù hợp với địa bàn có diện tích manh mún, canh tác nhỏ lẻ, trong khi địa hình chia cắt.

Chống hạn từ nông hộ

Ý tưởng bơm nước lên núi cao gần giống với cách làm của nhiều nông dân trong vài năm gần đây nhưng ở quy mô nhỏ hơn, đó là đào hồ giữa các vườn cây rồi lót bạt chống thấm (nông dân thường gọi là hồ cạn). 

Ý tưởng chống hạn táo bạo ở Tây Nguyên, xây hồ chứa nước ngọt trên cao, dân tình sẽ tha hồ tưới?- Ảnh 6.

Nhiều nông dân chủ động đào hồ cạn, lót bạt chống thấm để tích trữ nước.

Ngay từ mùa mưa, nông dân đã bơm nước từ suối hoặc giếng lên để tích trữ trong hồ cạn. Những tháng đầu mùa khô họ vẫn tưới suối hoặc giếng, đến giữa hoặc cuối mùa khô khi nước suối, nước giếng cạn kiệt thì bà con sử dụng nguồn nước tích trữ này để tưới cho cây trồng.

Trong khi những vườn cà phê xung quanh đang héo rũ thì 2ha cà phê của gia đình ông Nguyễn Ngọc Bích (làng Kép, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) vẫn xanh tươi. 

Ông Bích cho biết, từ hơn 3 năm trước gia đình ông đã đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm và làm 2 hồ cạn với dung tích khoảng 3.000m3 để tích trữ nước ngay trong vườn. 

Thời điểm này, khi tất cả các nguồn nước mặt, nước ngầm xa gần đều đã cạn kiệt thì nguồn nước tích được trong hồ cạn quý như vàng.

Ý tưởng chống hạn táo bạo ở Tây Nguyên, xây hồ chứa nước ngọt trên cao, dân tình sẽ tha hồ tưới?- Ảnh 8.

Hồ cạn trữ nước giúp nhiều nông dân ở Tây Nguyên an tâm sản xuất mùa khô hạn.

Một lợi ích khác của hồ cạn là 'tích tiểu thành đại". Thông thường 3 – 5 hộ gia đình sẽ chung nhau một cái hồ tưới, được đào nơi trũng thấp hoặc gần suối (phải chung nhau vì nhiều hộ có rẫy trên cao, không có đất gần suối để đào hồ riêng). 

Khi tất cả cùng tưới hoặc tưới luân phiên thì hồ này sẽ hết nước, phải đợi 3 – 5 ngày để nguồn nước ngầm rỉ ra nên mất rất nhiều ngày để tưới xong. 

Nếu có hồ cạn lót bạt chống thấm ở trong vườn, nông dân sẽ tranh thủ thời điểm không có ai tưới, bơm nước lên tích trữ dần. Thậm chí nếu nguồn nước quá ít, mỗi lần chỉ bơm được được khoảng 1 – 2h thì vẫn có thể bơm nhiều lần để chứa đầy vào hồ cạn.

Anh Vy Văn Tiến, người chuyên thi công ao, hồ lót bạt chống thấm ở các tỉnh Tây Nguyên không thể nhớ hết số ao, hồ anh đã làm trong mấy năm qua. 

"Hồ chứa 1.000m3 nước dùng được cho 1ha cây trồng, chi phí đầu tư khoảng 30-35 triệu đồng, có ưu điểm là chứa nhiều nước mà không bị thấm, độ bền lên đến hàng chục năm. Tính ra chi phí khá rẻ mà hiệu quả cao" – anh Tiến cho biết.

Ý tưởng chống hạn táo bạo ở Tây Nguyên, xây hồ chứa nước ngọt trên cao, dân tình sẽ tha hồ tưới?- Ảnh 10.

Cùng với việc áp dụng các mô hình hồ cạn trữ nước, nông dân Tây Nguyên còn áp dụng tưới nhỏ giọt kết hợp làm màng phủ nylon giữ ẩm đất, chống hạn cho vườn cà phê.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem