10 năm Hà Nội gỡ "nút thắt" ga ngầm C9 tại Hồ Gươm

Bình Nguyên Chủ nhật, ngày 27/03/2022 07:42 AM (GMT+7)
Vị trí đặt ga ngầm C9 được cho là một trong những "nút thắt" khiến dự án đường sắt Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo không thể triển khai suốt 10 năm qua.
Bình luận 0

 Nhùng nhằng vị trí đặt ga 

Cuối tháng 3/2022, trải qua hàng chục cuộc họp, văn bản lấy ý kiến các bộ, ngành kể từ năm 2012,UBND TP Hà Nội vừa thông báo về phương án xây dựng ga ngầm C9 dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo.

10 năm, Hà Nội gỡ "nút thắt" tuyến đường sắt chạy qua Hồ Gươm  - Ảnh 1.

Vị trí đặt ga ngầm C9 theo phương án 1. Ảnh: MRB

Thành phố thống nhất lựa chọn phương án 1, xây dựng ga ngầm 4 tầng, không nằm trong vùng bảo vệ II di tích đặc biệt Hồ Gươm và đền Ngọc Sơn, cách xa Tháp Bút.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, phương án này đã được nghiên cứu điều chỉnh đảm bảo về kỹ thuật, đảm bảo tính khả thi về kỹ thuật công nghệ, tuân thủ pháp luật về di sản văn hóa, giải quyết được các kiến nghị của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc Hội và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Mặt bằng ga ngầm C9 là hạng mục cuối cùng chưa được phê duyệt quy hoạch của tuyến đường sắt dài 11,5km.

Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo do Liên danh tư vấn TEDIS -Viện quy hoạch xây dựng Hà Nội lập báo cáo, UBND TP phê duyệt nghiên cứu khả thi từ năm 2008; làm cơ sở để Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản ký hiệp định vay vốn cho dự án này.

Gần 3 năm sau, tháng 3/2011, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) ký kết với Tư vấn chung (Liên danh OCJV) hợp đồng tư vấn thực hiện dự án.Với đoạn đi ngầm qua Hồ Gươm, dự án vấp phải nhiều ý kiến trái chiều của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cùng các chuyên gia cho rằng sẽ ảnh hưởng đến khu di tích, chưa phù hợp với Luật Di sản văn hóa. Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề nghị MRB lấy ý kiến của Bộ ngành, chuyên gia.

Năm 2013, các chuyên gia, có ý kiến trái chiều khi Hà Nội chấp thuận đề xuất của Sở Quy hoạch kiến trúc về việc đặt nhà ga C9 trước Tổng công ty điện lực Hà Nội trên phố Đinh Tiên Hoàng.

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đãnhiều lần có văn bản đề nghị Hà Nội nghiên cứu thêm vị trí đặt các lối lên xuống nhà ga. Bộ cho rằng vị trí các lối lên xuống trong bản quy hoạch hiện tại thuộc phạm vi khoanh vùng bảo vệ di tích quốc gia đặc biệt (Hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn) vốn là khu vực trọng yếu, gắn với truyền thuyết, lịch sử và văn hiến của Thủ đô.

Năm 2016, UBND TP Hà Nội thông báo kết luận của tập thể lãnh đạocơ bản thống nhất về vị trí, phương án tổng mặt bằng, giải pháp không bố trí mái che tại khu vực lối lên xuống số 3, 4 (phía sau đền Bà Kiệu và khu vực nhà vệ sinh bờ hồ Hoàn Kiếm).

Năm 2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục yêu cầu Hà Nội nghiên cứu xê dịch hướng tuyến tàu điện bên dưới lòng đường Đinh Tiên Hoàng, để hạn chế ảnh hưởng đến Tháp Bút và cảnh quan Hồ Gươm. Sau khi đưa ra các phương án, thành phố nhận thấy, việc di dời khó khả thi do chạm móng cọc nhiều nhà cao tầng, nếu dịch xa Tháp Bút thì tuyến hầm lấn sâu vào Nhà hát múa rối Thăng Long và đền Bà Kiệu, gây khó khăn thi công hầm. Thành phố kiến nghị giữ nguyên phương án tuyến và vị trí ga C9 như ban đầu.

Tháng 3/2018, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội tổ chức lấy ý kiến người dân về quy hoạch tổng mặt bằng ga C9, lấy các chuyên gia để hoàn thiện quy hoạch nhà ga này. Đến tháng 8, Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho rằng việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 đã vi phạm hành lang bảo vệ di tích đặc biệt hồ Hoàn Kiếm.

Theo Ủy ban, ga ngầm C9 được đặt gần đền Ngọc Sơn, đền Bà Kiệu "không chỉ vi phạm Luật di sản văn hóa mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô".

Tháng 9/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tiếp tục yêu cầu Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp, TP Hà Nội sớm nghiên cứu hoàn thiện hồ sơ phương án thiết kế, thi công ga ngầm C9, đảm bảo đúng quy định về di sản văn hóa.

Tháng 3/2021, sau nhiều năm bảo vệ phương án trên, Hà Nội giao MRB chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quannghiên cứu ga ngầm C9, bổ sung theo 3 phương án.

Tháng 3/2022, Hà Nội tiếp tục đưa ra 3 phương án này để lấy ý kiến bộ ngành. Ngày 23/3, UBND TP Hà Nội thông báo thống nhất lựa chọn phương án 1.

Dự án đường sắt chậm tiến độ, đội vốn hơn 16.000 tỷ

Năm 2011, Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) ký kết với Tư vấn chung (Liên danh OCJV) hợp đồng tư vấn thực hiện dự án; thiết kế cơ sở và tổng mức đầu tư của dự án được tăng từ 19.555 tỷ đồng lên 51.750 tỷ đồng so với dự kiến ban đầu.

10 năm, Hà Nội gỡ "nút thắt" tuyến đường sắt chạy qua Hồ Gươm  - Ảnh 3.

Phối cảnh lối lên xuống ga ngầm C9 ở gần Hồ Gươm. Ảnh: MRB

Việc tăng mức tổng đầu tư, được MRB lý giải do thay đổi về quy mô đầu tư, như ga ngầm được điều chỉnh từ 2 tầng lên 3 tầng, thay đổi chính sách quản lý chi phí đầu tư như dự phòng phí. Thêm vào đó, tỷ giá quy đổi đồng yên tăng 70% so với thời điểm năm 2008, sự biến động về giá đối với nhiên liệu, vật tư, thiết bị, nhân công.

Cuối năm 2012, UBND thành phố Hà Nội đã có báo cáo Thủ tướng xem xét, chấp thuận chủ trương cho điều chỉnh quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư của dự án.

Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức đấu thầu lựa chọn Tư vấn quốc tế độc lập để thẩm tra dự án điều chỉnh. Đến tháng 5/2016, Tư vấn này hoàn thành báo cáo thẩm tra về dự án.

Trên cơ sở báo cáo thẩm tra, Thủ tướng đã cho phép Hà Nội tiếp tục thực hiện dự án và yêu cầu hoàn thiện báo cáo Nghiên cứu khả thi trên cơ sở làm rõ ý kiến phân tích của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cùng với đó, Hà Nội phải thống nhất với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan trước khi phê duyệt.

Tháng 3/2018, Hà Nội đã trình Thủ tướng xem xét về chủ trương điều chỉnh dự án.

Thời điểm này, tổng mức đầu tư của dự án được điều chỉnh từ 19.555 tỷ đồng lên 35.678 tỷ đồng, tăng thêm hơn 16.000 tỷ(82% so với ban đầu). Nguyên nhân chính là tỷ giá quy đổi đồng yên thời điểm này lại thấp hơn mấy năm trước đó.

Tháng 11/2019, báo cáo gửi Quốc hội của Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự án này tiếp tục xin lùi thời điểm hoàn thiện đến năm 2027, tức là chậm 12 năm so với dự kiến ban đầu (2015).

Ngày 26/3, trả lời PV Dân Việt, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB) cho hay, việc thay đổi vị trí ga ngầm C9 xây dựng theo phương án 1 nằm trên đường cong và xếp chồng với 4 tầng đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật thi công đặc biệt, xử lý nền đất phức tạp phát sinh chi phí xây dựng, khó khăn và rủi ro khi thi công, "dự kiến chi phí dự án sẽ tăng thêm 500 tỷ đồng".

Dự án đường sắt đô thị số 2 (Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo), điểm đầu tuyến tại khu đô thị Nam Thăng Long (Ciputra), theo đường Nguyễn Văn Huyên kéo dài - Hoàng Quốc Việt - Hoàng Hoa Thám - Thụy Khuê - Phan Đình Phùng - Hàng Giấy - Hàng Đường - Hàng Ngang - Hàng Đào - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Bài và kết thúc trên phố Huế (ngã tư giao với đường Nguyễn Du).

Ba phương án đặt ga ngầm được Hà Nội đưa ra là Phương án 1: kéo ga ra ngoài vùng bảo vệ II của di tích Hồ Gươm, nằm dưới đường Đinh Tiên Hoàng, trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội và HĐND-UBND TP Hà Nội. Phương án 2 (phương án ban đầu) là đặt trước trụ sở Tổng công ty Điện lực Hà Nội, dưới vườn hoa bờ Hồ Gươm. Phương án 3 là bỏ ga ngầm C9 hoặc lùi thời điểm xây dựng sau khi tuyến số 2 vận hành.

Theo phương án đã được phê duyệt, tuyến đường sắt dài 11,5 km, trong đó đoạn trên cao 2,6 km, đoạn ngầm gần 9 km. Tổng đầu tư của dự án sau điều chỉnh hơn 34.670 tỷ đồng, sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng từ ngân sách nhà nước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem