Xuất khẩu con chip giảm 30% trong tháng 8, Hàn Quốc lao đao vì thương chiến

23/08/2019 16:49 GMT+7
Những con số thể hiện sự suy yếu của kinh tế Hàn Quốc được đưa ra ngay sau khi Seoul tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản hôm 22.8.

Xuất khẩu của Hàn Quốc tháng 8 giảm mạnh, dẫn đầu bởi lĩnh vực xuất khẩu con chip

Dữ liệu kinh tế Hàn Quốc vừa được công bố hôm 23.8 cho thấy xuất khẩu của nước này trong 20 ngày đầu của tháng 8 đã giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái, báo hiệu tháng thứ 9 liên tiếp kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh. Dẫn đầu sự suy yếu của giá trị xuất khẩu là ngành công nghiệp chíp (giảm 30%). Giá trị xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc - đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc - cũng giảm 20%.

Những con số thể hiện sự suy yếu của kinh tế Hàn Quốc được đưa ra ngay sau khi Seoul tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận chia sẻ tin tình báo với Nhật Bản hôm 22.8. 

Việc Hàn Quốc đặt dấu chấm kết cho Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin quân sự (GSOMIA) không chỉ phản ánh tranh chấp thương mại và chính trị giữa hai quốc gia láng giềng mà còn cho thấy sự suy yếu hợp tác an ninh trong vấn đề Triều Tiên. Phía Hàn Quốc sau đó đưa ra lý do cho việc đình chỉ thỏa thuận GSOMIA là “không phù hợp với lợi ích quốc gia” khi duy trì thỏa thuận trao đổi thông tin tình báo nhạy cảm. Đáp lại động thái này, Nhật Bản hôm 23.8 đã lên tiếng kịch liệt phản đối và cho rằng Hàn Quốc đã đánh giá sai lầm tình hình an ninh hiện nay. Chính quyền ông Shinzo Abe cũng triệu tập đại sứ Hàn Quốc tại Nhật Bản để thể hiện sự phản đối quyết định của Seoul.

Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc qua các tháng trong năm

Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu con chip của Hàn Quốc qua các tháng trong năm

Chỉ chưa đầy một tuần trước, dữ liệu từ Infobigs công bố hôm 18.8 cũng cho thấy lợi nhuận hoạt động của 10 tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc trong quý II năm nay chỉ đạt 8,11 nghìn tỷ won, giảm tới 63% so với con số 21,9 nghìn tỷ won cùng kỳ năm trước. Nặng nề nhất, nhà sản xuất chip lớn nhất Hàn Quốc Samsung mất 61,13% lợi nhuận chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm còn SK Hynik bị cuốn trôi 83,93% lợi nhuận trong quý II.

Hàn Quốc đã bị cuốn vào cuộc xung đột thương mại với quốc gia láng giềng Nhật Bản liên quan đến những mâu thuẫn kéo dài nhiều thập kỷ, kể từ sau thế chiến II. Tokyo được cho là không hài lòng sau khi tòa án Seoul phán quyết hai công ty Nhật phải bồi thường khoản tiền lớn cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động hồi thế chiến. Ở phía đối lập, Nhật Bản cho rằng đã vấn đề này đã được giải quyết xong xuôi từ năm 1969 khi hai nước bình thường hóa quan hệ song phương.

Mâu thuẫn nóng lên khi Tokyo quyết định cấm xuất khẩu 3 hóa chất quan trọng dùng trong ngành công nghiệp sản xuất chip và màn hình cảm ứng sang Hàn Quốc, bao gồm fluorinated polyamides, chất phản quang và hydro florua. Mới đây, Nhật Bản thậm chí đã loại bỏ Hàn Quốc khỏi danh sách trắng các đối tác thương mại tin cậy, qua đó siết chặt kiểm soát xuất khẩu với nước này. Việc chấm dứt GSOMIA rất có thể là một động thái đáp trả của Seoul sau tất cả những hành động của Tokyo.

Chỉ tính trong năm 2018, tăng trưởng doanh số ngành sản xuất chíp đóng góp tới 92% trong tổng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc, theo nghiên cứu của nhà kinh tế Rory Green thuộc TS Lombard. Nhưng giờ đây, với tác động mạnh mẽ từ thương chiến Mỹ Trung cùng hành động hạn chế xuất khẩu của Nhật Bản, xuất khẩu chip tháng 8 của Hàn Quốc đã giảm mạnh 30%. Chính quyền Tổng thống Moon Jae-in rõ ràng có lý do để trả đũa.

Với việc rời khỏi Thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo mới đây, Hàn Quốc dường như đang dấn sâu hơn vào một xung đột sâu sắc với Nhật Bản, điều có thể kéo nền kinh tế nước này vào viễn cảnh suy yếu trong tương lai gần.

Thùy Dung
Tags:
Cùng chuyên mục