10 năm nỗ lực cải cách thể chế, doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ lớn mạnh không ngừng

Khánh Nguyên Chủ nhật, ngày 27/12/2020 10:51 AM (GMT+7)
Thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011-2020 của Chính phủ, kế hoạch của Bộ NNPTNT, Tổng cục Lâm nghiệp đã nỗ lực phấn đấu, triển khai hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ cải cách hành chính, trong đó có cải cách thể chế, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Bình luận 0

Có thể thấy, trong 10 năm trở lại đây,  ngành chế biến và xuất khẩu gỗ có sự phát triển vượt bậc cả về lượng và chất, trở thành một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực. 

Nếu như năm 2011, năm đầu tiên thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính giai đoạn 2011 - 2020 của Chính phủ, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm từ gỗ mới đạt xấp xỉ 4 tỷ USD thì sau 10 năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ đã đạt 12,5 tỷ USD vào năm 2020, gấp đôi so với mục tiêu đề ra ở thời điểm năm 2011.

Đây là con số cho thấy tinh thần vượt khó ngoạn mục của các doanh nghiệp ngành gỗ trong năm 2020. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 nhưng ngành gỗ Việt Nam vẫn tăng trưởng trên 12%.

Theo ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, việc cơ quan quản lý và Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam phối hợp xây dựng kênh kết nối thông tin nhằm cập nhật thường xuyên thông tin, kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh, nguyện vọng của các doanh nghiệp đã góp phần giúp cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng lớn mạnh.

10 năm nỗ lực cải cách thể chế, doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ lớn mạnh không ngừng - Ảnh 1.

Cộng đồng doanh nghiệp ngành gỗ ngày càng lớn mạnh nhờ các thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng hơn. Trong ảnh: Chế biến gỗ tại Nhà máy Chế biến gỗ Tân Bình, huyện Đầm Hà, Quảng Ninh. Ảnh: I.T

Thực tế, Tổng cục Lâm nghiệp luôn là một trong những đơn vị được đánh giá có nhiều nỗ lực trong việc cải cách các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp.

Theo báo cáo của Vụ Pháp chế, Thanh tra (Tổng cục Lâm nghiệp), từ năm 2011 đến 2020, Tổng cục Lâm nghiệp được giao chủ trì soạn thảo, trình các cơ quan thẩm quyền ban hành 73 văn bản quy phạm pháp luật, gồm: 01 luật; 12 Nghị định của Chính phủ; 9 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 43 Thông tư của Bộ trưởng; 8 Thông tư liên tịch.

Tham mưu cho Bộ NNPTNT trình ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp; Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Trên cơ sở Kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ giao hằng năm, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng. 

Quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đúng thẩm quyền, hình thức, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến về đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản quy phạm pháp luật.

Theo đánh giá, hệ thống các văn bản pháp luật về lâm nghiệp đã và đang từng bước được hoàn thiện; đến nay Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật được ban hành, tạo khung pháp lý cơ bản đầy đủ trong lâm nghiệp điều chỉnh từ quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng rừng đến chế biến và thương mại lâm sản.

Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lâm nghiệp; về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước CITES; về quản lý rừng bền vững; chính sách phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ và phát triển rừng.

Như: chính sách giao, cho thuê, khoán rừng và đất lâm nghiệp; đầu tư bảo vệ và phát triển rừng; khai thác lâm sản; quyền hưởng lợi của hộ gia đình, cá nhân được giao, thuê, nhận khoán rừng và đất lâm nghiệp; chi trả dịch vụ môi trường rừng; tín dụng phục vụ nông nghiệp và phát triển nông thôn.

10 năm nỗ lực cải cách thể chế, doanh nghiệp ngành chế biến, xuất khẩu gỗ lớn mạnh không ngừng - Ảnh 2.

Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền cho các chủ rừng về Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Ảnh: K.Lực.

Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ giảm nghèo, quản lý rừng cộng đồng, chia sẻ lợi ích trong quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững rừng đặc dụng; về phát triển bền vững rừng ven biển ứng phó với biển đổi khí hậu;...

Hằng năm, Tổng cục xây dựng kế hoạch và tổ chức rà soát, hệ thống văn bản pháp luật về lâm nghiệp, đề xuất bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới để phù hợp với thực tiễn.

Kết quả rà soát từ năm 2015 – 2020 đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ sau rà soát là 116 văn bản quy phạm pháp luật.

 Theo kết quả hệ thống hóa năm 2015  đến tháng 5/2020, số lượng văn bản quy phạm pháp luật có liên quan về lâm nghiệp từ 134 văn bản năm 2015 còn 54 văn bản tính đến ngày 31/5/2020.

 Hợp nhất 03 Nghị định của Chính phủ; 02 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; 01 Thông tư liên tịch; 19 Thông tư, quyết định của Bộ trưởng.

Cũng theo Vụ Pháp chế, Thanh tra, công tác kiểm tra, xử lý văn bản được Tổng cục Lâm nghiệp triển khai thường xuyên, thông qua nhiều hình thức: tự kiểm tra các văn bản thuộc phạm vi tham mưu, quản lý Nhà nước của đơn vị; thông qua các cuộc thanh kiểm tra, hội nghị, hội thảo để tổng hợp các kiến nghị của đơn vị, địa phương về các quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, không phù hợp với thực tiễn.

Trong những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật đã được xác định là một trong những nhiệm vụ quan trọng. 

Đặc biệt trong năm 2018, 2019, Tổng cục Lâm nghiệp tập trung phổ biến, quán triệt giới thiệu những điểm mới và nội dung cơ bản của Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật cho cơ quan quản lý nhà nước các cấp, chủ rừng và các đối tượng chịu tác động khác.

Chỉ tính riêng Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, Tổng cục Lâm nghiệp đã tổ chức trên 40 cuộc, với trên 3.200 lượt người tham gia; tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về lâm nghiệp cho tất cả đối tượng tham gia trên cả nước; phát hành trên 10.000 cuốn tài liệu về Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy phạm pháp luật về lâm nghiệp.

Theo đánh giá, công tác cải cách thể chế về lâm nghiệp trong giai đoạn 2011-2020 đã  được Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức thực hiện và đạt được kết quả cao, Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết được ban hành đã thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, điều chỉnh những bất cập của thực tiễn, ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp nói riêng và hệ thống pháp luật của quốc gia nói chung.

Trong giai đoạn tới, Tổng cục tiếp tục tổ chức xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật về lâm nghiệp, ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Lâm nghiệp, cụ thể là Nghị định của Chính phủ về Hệ thống đảm bảo gỗ Việt Nam; Nghị định Chính phủ về chính sách bảo vệ và phát triển rừng, chế biến và thương mại lâm sản; ...

Thường xuyên tổ chức rà soát văn bản pháp luật về lâm nghiệp; tổ chức theo dõi thi hành pháp luật;... để  kịp thời phát hiện, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách trong lâm nghiệp nhằm phù hợp với thực tiễn và quy định của pháp luật liên quan;

Chủ động tổ chức các hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật Lâm nghiệp và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật đến các đối tượng liên quan nhằm đưa pháp luật về lâm nghiệp vào cuộc sống. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem