1,6 triệu/CP, cổ phiếu Công ty cũ Cao Toàn Mỹ có thị giá cao nhất VN
Thị giá cao nhất Việt Nam
Trong những ngày đầu năm Canh Tý 2020, nhà đầu tư chứng khoán còn đang bận du xuân, chúc tụng người thân, bạn bè. Thế nhưng, vẫn có những nhà đầu tư sớm quay trở lại với công việc. Trên sanotc.com, sàn giao dịch cổ phiếu OTC lớn nhất, chỉ có 2 người đặt lệnh giao dịch. Một trong số đó gây ấn tượng khi chào bán cổ phiếu có thị giá cao vượt trội trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Cụ thể, một nhà đầu tư rao bán: "Chính chủ cần bán cổ phần tập đoàn VNG. Năm ngoái Temasek mua giá 1,86 triệu đồng/CP. Nay cần tiền bán giá 1,6 triệu. Có thể bán lô lẻ 1000 – 2000 – 5000 cổ phiếu".
Khối lượng cổ phiếu được rao bán là 100.000 đơn vị. Điều đáng nói, mệnh giá cổ phiếu VNG chỉ là 10.000 đồng/CP nhưng thị giá lại lên tới 1,6 triệu đồng, cao gấp 160 lần mệnh giá.
VNG là cổ phiếu của Công ty cổ phần VNG, thường được biết đến với tên gọi VNgame. Công ty này gắn với tên tuổi Cao Toàn Mỹ, người gây sóng gió một thời trong vụ án tình tiền với Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga.
Thông tin nhà đầu tư kể trên đưa ra là chính xác. Vào cuối tháng 3/2019, VNG đã bán ra thành công 355.820 cổ phiếu quỹ với giá 1.861.800 đồng/cổ phiếu cho Seletar Investments - đơn vị trực thuộc Tập đoàn đầu tư Temasek của chính phủ Singapore. Số tiền thu được từ đợt chào bán này đạt khoảng 662 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nếu xét về thị giá, có vẻ Temasek đã bị "hớ" vì kể từ tháng 3/2019 đến nay, giá VNG có xu hướng sụt giảm trên OTC. Các lệnh chào bán và chào mua VNG khá khiêm tốn, với mức giá dao động chủ yếu từ… 220.000 đồng/CP tới gần 300.000 đồng/CP, thấp hơn rất nhiều so với con số 1,86 triệu đồng/CP mà Temasek phải trả.
Nếu xét theo giá mà Temasek giao dịch, VNG đã trở thành cổ phiếu có thị giá cao nhất Việt Nam. Hiện tại, trên hai Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP.HCM, SAB của Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) đang là quán quân với mức 232.500 đồng/CP.
Lợi nhuận siêu khủng
Không khó để tìm ra nguyên nhân cổ phiếu VNG có thị giá cao ngất ngưởng như vậy. Đó là do mảng game mang lại lợi nhuận quá khủng, khủng tới mức vốn chủ sở hữu đã cao vượt trội so với vốn góp của cổ đông.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính bán niên năm 2019 của VNG, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm của VNG lên tới 315 tỷ đồng, tăng 74 tỷ đồng, tương ứng 30,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói, vốn góp cổ phần của cổ đông chỉ là 345 tỷ đồng. Điều đó có nghĩa chỉ trong nửa năm, 1 đồng vốn của công ty thu về gần 1 đồng lợi nhuận. Đây là điều rất ít công ty làm được.
VNG là công ty công nghệ Việt Nam, thành lập năm 2004 với 4 mảng sản phẩm chính: Trò chơi trực tuyến, Nền tảng kết nối, Thanh toán điện tử và Dịch vụ đám mây. Sau 15 năm hoạt động, VNG là doanh nghiệp start-up kỳ lân duy nhất tại Việt Nam khi được định giá trên 1 tỷ USD, con số chính xác mà Temasek đưa ra là 2,2 tỷ USD.
Sau 16 năm hoạt động, vốn chủ sở hữu của VNG đã lên đến 4.811 tỷ đồng, cao gấp gần 14 lần vốn góp của cổ đông. Vì lãi lớn nên công ty sở hữu khối tiền mặt khổng lồ. Tại thời điểm 30/6/2019, tiền và các khoản tương đương tiền của VNG lên đến 737 tỷ đồng, cao gấp 2,1 lần vốn góp của chủ sở hữu.
Lương lãnh đạo giảm sốc
Mặc dù lợi nhuận vẫn tăng trưởng tốt trong 6 tháng đầu năm 2019 nhưng VNG bất ngờ mạnh tay cắt giảm thù lao cho dàn lãnh đạo chủ chốt. Tổng thù lao giảm từ 6,14 tỷ đồng xuống chỉ còn 5,08 tỷ đồng.
Cụ thể, thù lao cho thành viên Ban Tổng giám đốc giảm từ 4,45 tỷ đồng xuống còn 3,39 tỷ đồng. Thù lao dành cho thành viên Hội đồng quản trị giảm từ 1,69 tỷ đồng xuống 1,69 tỷ đồng.
Như vậy, bình quân, mỗi thành viên Ban Tổng giám đốc được nhận 678 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 113 triệu đồng/người/tháng; mỗi thành viên Hội đồng quản trị nhận 338 triệu đồng/người/6 tháng, tương đương 56,3 triệu đồng/người/tháng.
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc VNG, ông Lê Hồng Minh chắc chắn nhận được thù lao lớn hơn những con số bình quân kể trên rất nhiều.