2 giám đốc doanh nghiệp ở Hà Tĩnh "nói chuyện" với nhau bằng 6 phát súng có thể bị xử lý thế nào?

Bình Nguyên Chủ nhật, ngày 11/09/2022 16:39 PM (GMT+7)
Mâu thuẫn trong chuyện nợ nần tiền bạc, 2 giám đốc doanh nghiệp tại huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) đã "nói chuyện" với nhau bằng 6 phát súng. Với hành vi này, các đối tượng có thể bị xử lý thế nào?
Bình luận 0

2 giám đốc doanh nghiệp "nói chuyện" với nhau bằng 6 phát súng

Công an Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án "Đe dọa giết người" và "Tàng trữ sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"; khởi tố bị can và ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với Lê Xuân Giáp (SN 1984) về tội "Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng"; Trần Phát Đạt (SN 1964) và Hồ Hồng Quảng (SN 1985), cùng ngụ tại thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê, về tội "Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng".

2 giám đốc doanh nghiệp ở Hà Tĩnh "nói chuyện" với nhau bằng 6 phát súng có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 1.

Cơ quan công an phát hiện, thu giữ nhiều viên đạn tại nhà Lê Xuân Giáp. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Theo cáo buộc, vào tối 19/8, Giáp, Đạt, Quảng và một số người khác ăn nhậu tại quán "Huân Nhung" (khối 7, thị trấn Hương Khê). Trong lúc nhậu, giữa Giáp và Đạt xảy ra mâu thuẫn liên quan đến nợ nần tiền bạc, nhưng được mọi người can ngăn nên cả 2 sau đó ra về.

Tuy nhiên, đến khoảng 21 giờ 40 phút, sau khi về tới nhà, Đạt liền lấy 1 khẩu súng ngắn CZ75 cùng nhiều viên đạn rồi đi tới nhà Giáp (ở tổ dân phố 2, thị trấn Hương Khê) gọi Giáp ra "nói chuyện" phải trái.

Thấy vậy, Giáp cũng lấy 1 khẩu súng AK trong nhà rồi đi ra gặp Đạt, sau đó chĩa súng lên trời và bắn liên thanh 6 phát "thị uy". Sau màn nổ súng "lấy số", cả 2 tiếp tục vào nói chuyện nợ nần rồi giải tán.

Sự việc nhanh chóng được người dân trình báo cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, các đối tượng đã thống nhất không khai báo, bưng bít thông tin; khẩu súng của Giáp được Quảng mang đi tẩu tán.

Giáp và Đạt là giám đốc những doanh nghiệp lớn trên địa bàn huyện Hương Khê. Ngoài ra, Đạt còn là Chủ tịch hội doanh nghiệp của huyện này.

"Nói chuyện" với nhau bằng súng có thể bị xử lý thế nào?

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, với lời khai ban đầu của các đối tượng và hai khẩu súng thu được cùng, việc khởi tố các đối tượng kể trên về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng là có căn cứ.

Tội phạm xâm này phạm vào trật tự, an toàn xã hội qua việc xâm phạm vào các quy định độc quyền của nhà nước về chế tạo, quản lý vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự, đe dọa đến an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Theo ông Cường, trong vụ việc trên, cơ quan điều tra sẽ tiến hành trưng cầu giám định đối với hai khẩu súng thu giữ được để xác định đây có phải là súng quân dụng hay không.

2 giám đốc doanh nghiệp ở Hà Tĩnh "nói chuyện" với nhau bằng 6 phát súng có thể bị xử lý thế nào? - Ảnh 3.

Lê Xuân Giáp tại Cơ quan Công an. Ảnh: Công an Hà Tĩnh.

Trường hợp kết quả điều tra cho thấy, hai khẩu súng mà các đối tượng sử dụng là vũ khí quân dụng, các đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội Tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng theo quy định tại điều 304 Bộ luật hình sự 2015.

Với hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, các đối tượng sẽ phải đối mặt với hình phạt tù từ 1 đến 7 năm.

Ngoài ra, sẽ làm rõ hành vi nổ súng nhằm mục đích gì, hậu quả của hành vi nổ súng ra sao để xác định hành vi này có thỏa mãn dấu hiệu của tội Đe dọa giết người hay chưa.

Vị Tiến sĩ cho rằng, nếu hai đối tượng sử dụng súng bắn về phía nhau nhưng không trúng, vẫn có thể xử lý về tội Giết người theo Điều 123 Bộ luật hình sự 2015.

Còn trường hợp nổ súng nhưng không chĩa vào người nhau mà bắn lên trời, đây là hành vi gây rối trật tự công cộng, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng và có thể là hành vi đe dọa giết người.

Bởi hành vi này cũng có thể khiến những người xung quanh lo sợ rằng, đối tượng có thể bắn vào người mình, tính mạng của mình có thể bị tước đoạt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem