2 nữ Giám đốc doanh nghiệp liên quan vụ "nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự có thể bị xử lý sao?

Quang Minh Thứ bảy, ngày 07/05/2022 14:22 PM (GMT+7)
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã bắt giam 2 Giám đốc doanh nghiệp để điều tra về hành vi "đưa hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao. Ở góc độ pháp lý, những người vi phạm có thể bị xử lý sao?
Bình luận 0

Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự nhận được sự quan tâm của người dân

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, các bị cáo bị xử lý về hành vi đưa nhận hối lộ ngày càng nhiều, cá biệt có những vụ đối tượng nhận hối lộ là lãnh đạo cấp cao.

Điều này cho thấy việc xử lý tội phạm tham nhũng ở Việt Nam, đặc biệt là tội phạm "đưa – nhận hối lộ" ngày càng quyết liệt, ngày càng không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã và đang trở thành một xu thế tất yếu để làm trong sạch bộ máy Nhà nước, giữ uy tín của Đảng trước nhân dân.

Những diến biến mới về vụ án nhận hối lộ xảy ra tại cục Lãnh sự, Bộ ngoại giao cho thấy đây là một vụ án có quy mô lớn, nhận được sự quan tâm của dư luận, xã hội.

2 nữ Giám đốc doanh nghiệp liên quan vụ "nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự có thể bị xử lý sao? - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Thị Tường Vi (trái) và Nguyễn Thị Dung Hạnh. Ảnh Bộ Công an

Đặc biệt, một trong những nguyên nhân vụ án khiến dư luận phẫn nộ và lên án bởi hành vi lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước ta dành cho công dân để chuộc lợi của các đối tượng. Đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải điều tra, làm rõ trách nhiệm, xử lý mạnh tay.

Ngoài ra, việc cơ quan chức năng bắt, khởi tố 2 nữ giám đốc doanh nghiệp thực hiện hành vi hối lộ cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc triệt phá đường dây nhận hối lộ, buộc các đối tượng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. 

"Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với 4 bị can, trong đó có Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về tội "nhận hối lộ".

Bởi vậy, việc cơ quan chức năng mở rộng điều tra, khởi tố thêm các đối tượng vi phạm cũng không quá bất ngờ đối với nhiều người", luật sư Tùng nói.

Các đối tượng bị bắt có thể phải nhận án phạt tù

Theo luật sư Tùng, Bộ luật hình sự đã cấm việc đưa hối lộ đối với các chủ thể có chức vụ, quyền hạn của các tổ chức, doanh nghiệp ngoài Nhà nước. Đối với tội đưa hối lộ đòi hỏi phải có hành vi đưa lợi ích một cách bất chính cho người có chức vụ, quyền hạn.

Lỗi của hành vi đưa hối lộ được xác định là hành vi mang lỗi trực tiếp. Kết quả điều tra về hành vi hối lộ, hình thức hối lộ, giá trị hối lộ là một trong những yếu tố quyết định khung hình phạt mà 2 bị can  vừa bị bắt có thể bị truy tố về tội đưa hối lộ theo Điều 364 Bộ luật hình sự 2015. Với tội danh đưa hối lộ, mức phạt tù thấp nhất là 6 tháng, cao nhất là 20 năm tù.

2 nữ Giám đốc doanh nghiệp liên quan vụ "nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự có thể bị xử lý sao? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP.Hà Nội).

Nêu quan điểm về việc bắt 2 nữ Giám đốc doanh nghiệp liên quan vụ "nhận hối lộ" xảy ra tại Cục Lãnh sự, bạn đọc Ngọc Quang (ở Hà Nội) cho hay, trước đó, đã có rất nhiều các vụ án khác, cơ quan chức năng đã chứng minh và xử lý được nhiều đối tượng về hành vi này, điển hình như trong vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ "nhôm").

Điều đó cho thấy chính sách và pháp luật về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cũng đã có những thay đổi thể hiện quyết tâm, mục tiêu của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

"Trong vụ việc nêu trên, việc các đối tượng lợi dụng chính sách nhân đạo của Nhà nước ta dành cho công dân để chuộc lợi là hành vi không thể chấp nhận được, cần phải lên án và xử lý nghiêm người vi phạm để tạo sức răn đe", anh Ngọc Quang chia sẻ.

Trước đó, ngày 27/1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với 4 bị can, trong đó có Cục trưởng và Phó cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao về tội "nhận hối lộ", quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự.

Cụ thể, Cơ quan An ninh điều tra khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với 4 bị can về tội "nhận hối lộ" trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.

Tiếp tục mở rộng điều tra vụ án "Đưa hối lộ, nhận hối lộ, xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Hà Nội và các tỉnh, thành phố, ngày 6/5 Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam, Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc về tội "Đưa hối lộ", quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự, đối với Nguyễn Thị Tường Vi (SN 1980, Giám đốc Cty TNHH tư vấn và đầu tư ATA Việt Nam; Nguyễn Thị Dung Hạnh (SN 1972, Giám đốc Cty TNHH G Việt Nam 19).

Sau khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao phê chuẩn, các Quyết định và Lệnh nêu trên đã được Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an thi hành.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem