21 công trình lưới điện được đưa vào vận hành, có giải quyết nguy cơ thiếu điện?
Hiện tại, các đơn vị thuộc EVN đã vận hành 21 công trình lưới điện từ 110 kV đến 500 kV với tổng chiều dài đường dây trên 750 km và các trạm biến áp tổng dung lượng 5.025 MVA. Qua đó, thực hiện mục tiêu phục vụ giải tỏa các nguồn điện năng lượng tái tạo.
Ngoải ra, các trạm Vĩnh Tân, Di Linh đã được nâng công suất 500 kV và 220 kV đối với các trạm Tháp Chàm, Hàm Tân. Một số trạm 220 kV mới như Ninh Phước, Phan Rí cũng đã hoàn thành và đưa vào vận hành. Đầu tư mới và cải tạo nâng cấp các tuyến đường dây 110kV trong khu vực...
Theo đại diện EVN cho hay, đến nay, hạ tầng lưới điện truyền tải đã cơ bản đáp ứng giải tỏa hết công suất của 113 dự án điện mặt trời, điện gió đã đưa vào vận hành với tổng công suất trên 5.700 MW. Trong đó, bao gồm cả các dự án vận hành trước 30/6/2019 và các dự án mới được đưa vào vận hành trong năm 2020.
Về lưới điện, lũy kế 8 tháng đã khởi công được 93 công trình và hoàn thành đóng điện 84 công trình lưới điện 110 - 500kV gồm 9 công trình 500kV, 10 công trình 220kV, 65 công trình 110kV...
Về cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, ngày 21/8/2020, Tổng Công ty Điện lực miền Trung đã hoàn thành và đóng điện kỹ thuật dự án cấp điện bằng cáp ngầm xuyên biển 22 kV cho đảo Nhơn Châu, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Dự án cấp điện cho 520 hộ dân, cán bộ, chiến sĩ trên đảo Nhơn Châu, vượt tiến độ dự kiến.
Mới đây, đại diện Bộ Công Thương cho biết, tình trạng các dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch sẽ làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc đảm bảo cung ứng điện thời gian tới. Cụ thể, tổng công suất nguồn điện truyền thống có thể đưa vào vận hành giai đoạn 2016 – 2020 chỉ đạt gần 60%.
Thời gian qua, nguồn điện từ năng lượng tái tạo phát triển nhanh nhưng hệ thống truyền tải điện để giải tỏa công suất phát triển chưa đồng bộ. Do đó, một số dự án điện (chủ yếu điện mặt trời) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, với tổng công suất khoảng 690 MW đã phải hạn chế một phần công suất phát.
Trước thực trạng trên, giới chuyên môn nhận định, đến cuối năm 2020, khi các công trình lưới điện truyền tải đang thi công tại khu vực này được đưa vào vận hành thì tình trạng này mới được giải quyết.
Đánh giá về tình trạng các dự án điện chậm tiến độ, đại diện Bộ Công Thương cho hay, điều này dẫn đến việc mất cân đối nguồn cung điện giữa các vùng miền. Ở miền Bắc và miền Trung xảy ra tình trạng thừa cung, trong khi đó, ở miền Nam nguồn cung chỉ đáp ứng được khoảng 80% nhu cầu.
"Việc đảm bảo nhiên liệu cho phát điện ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu. Việt Nam đã phải nhập khẩu than và tới đây sẽ phải nhập khẩu LNG cho sản xuất điện. Ước tính cần nhập khoảng 60 triệu tấn than và 12 triệu tấn LNG vào năm 2030. Việc nhập khẩu năng lượng sơ cấp với khối lượng lớn nếu không có chiến lược phù hợp có thể tiềm ẩn rủi ro cho an ninh năng lượng.
Ngoài ra, hoạt động huy động vốn cho các dự án điện gặp nhiều khó khăn. Trung bình mỗi năm nhu cầu vốn đầu tư cho nguồn và lưới điện khoảng 8-10 tỷ USD. Các tập đoàn nhà nước đều gặp khó khăn về tài chính nên việc huy động vốn cho các dự án của họ cũng gặp khó khăn. Các dự án nguồn điện do tư nhân và nhà đầu tư nước ngoài cũng gặp khó khăn do yêu cầu cao từ các bên cho vay (bảo lãnh Chính phủ, chuyển đổi ngoại tệ …)", đại diện Bộ Công Thương cho hay.