27 Tết xét xử vụ Công ty Dana-Ý kiện UBND TP. Đà Nẵng

18/01/2020 15:46 GMT+7
Ngày 18/1, TAND TP Đà Nẵng cho biết đã có thông báo mở lại phiên tòa vào ngày 21/1 (tức ngày 27 tháng chạp Âm lịch), để xét xử vụ án hành chính giữa Công ty CP thép Dana - Ý khởi kiện UBND TP Đà Nẵng, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng.

Sáng 18/1, đại diện Công ty CP thép Dana - Ý cho biết giữa 2 bên đã trải qua nhiều cuộc đối thoại với nhau nhưng không thể tìm được tiếng nói chung nên phải khởi kiện ra tòa.

Công ty này kiện UBND TP Đà Nẵng, chủ tịch UBND TP Đà Nẵng. Người đại diện theo ủy quyền của UBND TP Đà Nẵng và chủ tịch UBND TP Đà Nẵng là ông Hồ Kỳ Minh - phó chủ tịch UBND TP.

Trước đó, ngày 27/12/2019, TAND TP Đà Nẵng đã hoãn phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hành chính nói trên do phía bị đơn xin hoãn.

 - Ảnh 2.

Giải pháp đối với hai nhà máy thép Dana-Ý và Dana-Úc hiện vẫn còn nan giải - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG


Công ty CP thép Dana - Ý khởi kiện các quyết định hành chính, hành vi hành chính gồm: Công văn 1446 ngày 2/3/2018 của chủ tịch UBND TP; Thông báo số 30 ngày 23-3-2018 của UBND TP; Hành vi không giải quyết việc người dân bao vây nhà máy thép từ ngày 26-9-2018; Quyết định xử phạt vi phạm hành chính số 5585.

Dana - Ý cho rằng các quyết định hành chính, hành vi hành chính trên là vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp.

Cụ thể, công văn 1446 buộc công ty ngừng ngay lập tức toàn bộ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường là không có căn cứ, trái pháp luật vì tại thời điểm ban hành công văn, UBND TP không tiến hành quan trắc thông số môi trường. Không căn cứ vào quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường nhưng nói nhà máy gây ô nhiễm môi trường là không có cơ sở. 

UBND TP không có cơ sở xác định nhà máy Dana - Ý thuộc trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đến mức bị buộc phải ngừng ngay toàn bộ hoạt động. Quy định cũng không có hình thức, mức xử phạt hoặc biện pháp khắc phục hậu quả là ngừng toàn bộ hoạt động không xác định thời hạn…

Thông báo số 30 đã xâm phạm quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, tạo thông tin nhầm lẫn trong xã hội, gây thiệt hại nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh…Việc ngừng hoạt động đột ngột nhà máy từ ngày 2 đến 25/3/2018 đã gây ra nhiều thiệt hại.

Các quyết định, hành vi hành chính này gây thiệt hại cho doanh nghiệp nên Dana - Ý yêu cầu hủy và bồi thường thiệt hại gần 400 tỉ đồng.

 - Ảnh 3.

Việc quy hoạch 2 nhà máy thép sát với khu dân cư khiến mâu thuẫn nảy sinh giữa doanh nghiệp và người dân -Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Chính quyền nói gì khi bị kiện?

Vào giữa năm 2019, Đoàn đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng đã có buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng. Tại đây, nhiều cử tri đã đề cập đến việc vừa qua Công ty CP Thép Dana – Ý khởi kiện, đòi thành phố bồi thường khoản tiền gần 400 tỷ đồng vì những thiệt hại do các quyết định, hành vi hành chính của UBND TP. Đà Nẵng và Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.

Nói về vấn đề này, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, giữa chính quyền TP. Đà Nẵng và Công ty CP Thép Dana – Ý đã có nhiều buổi hòa giải, trao đổi với nhau nhưng vẫn chưa đi đến thống nhất và chưa có tiếng nói chung. Ông Thơ cho rằng, việc đưa nhau ra tòa khi 2 bên không thống nhất thì đó cũng là thể hiện sự văn minh.

Theo ông Thơ, cái sai trong câu chuyện nhà máy thép này bắt đầu từ việc quy hoạch không đảm bảo cách ly an toàn trong khu dân cư. Tiếp đó, tình trạng xây dựng trái phép để đón đầu giải tỏa ở khu vực này tăng lên trong khi hoạt động của nhà máy thép thì gây tiếng ồn, ô nhiễm.

"Cách đây nhiều năm, UBND TP. Đà Nẵng đã có phương án giải toả, đền bù tái định cư cho các hộ dân. Nhưng Thường vụ Thành uỷ sau này yêu cầu dừng hoạt động nhà máy thép. Trong khi nhà máy thép lại trình ra thủ tục cấp phép hoạt động trước nay thực hiện đầy đủ, dừng hoạt động nhà máy thép thì phải bồi thường", ông Thơ nói.

Trước đó, tại buổi họp báo tổng kết quý II về tình hình hoat động kinh tế xã hội của TP. Đà Nẵng, khi nói về quan điểm của thành phố về vụ hai nhà máy thép Dana-Ý, Dana-Úc, ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN&MT TP. Đà Nẵng cho hay, sau khi ban hành các quyết định thì thành phố rất chủ động giao cho các sở, ngành đã xây dựng những kịch bản ứng phó với tất cả những tình huống có thể xảy ra.

"Và ngay cả tình huống nhà đầu tư khởi kiện thì hiện nay thành phố cũng đã tính toán tất cả các nội dung liên quan. Tuy nhiên, hiện nay giữa hai nhà máy với cơ quan quản lý nhà nước đang trao đổi để tìm ra giải pháp nào đó để khắc phục", ông Hùng nói.

A.Vũ (t/h)
Cùng chuyên mục