Điểm mặt dự án, công trình miền núi Quảng Ngãi: Mô hình cây trồng, chế biến tiêu tan tiền tỷ (Bài 4)

13/02/2025 09:09 GMT +7
Dự tính lợi ích kinh tế mang lại đẹp như “tranh vẽ” thế nhưng chỉ 1 thời gian ngắn triển khai, nhiều dự án cây trồng, chế biến nông sản nhiều huyện miền núi Quảng Ngãi, với tổng đầu tư nhiều tỷ đồng đã tiêu tan, tàn lụi theo khói mây.

Nói đến mô hình, dự án cây trồng trị giá tiền tỷ đã triển khai thực hiện ở miền núi Quảng Ngãi bị “yểu mệnh”, thì dự án trồng cây Sachi (Sacha Inchi) - nữ hoàng quả khô ở huyện Ba Tơ, là 1 điển hình.

Nói đến mô hình, dự án cây trồng trị giá tiền tỷ đã triển khai thực hiện ở miền núi Quảng Ngãi bị “yểu mệnh”, thì dự án trồng cây Sachi (Sacha Inchi) - nữ hoàng quả khô ở huyện Ba Tơ, là 1 điển hình.Ảnh: NĐ (chụp năm 2021)

Vào đầu năm 2021, dư luận ở Quảng Ngãi “dậy sóng” trước thông tin về dự án cây trồng, được ví nữ hoàng quả khô là Sachi (Sacha Inchi), chỉ sau 1 thời gian ngắn triển khai, với tổng vốn đầu tư nhiều tỷ đồng lâm vào cảnh “hấp hối”.

Tại thời điểm trên, theo thông tin PV Dân Việt thu thập và được cung cấp từ chính quyền sở tại, dự án trồng Sachi (Sacha Inchi) đã triển khai từ năm 2019, tại các xã Ba Tô, Ba Tiêu, Ba Động, trên tổng diện tích hơn 11,6ha, với 14 hộ và 1 tổ chức tham gia.

Có diện tích trồng nhiều nhất là xã Ba Tiêu 5,75ha/6 hộ; xã Ba Tô 2,975ha/7 hộ và xã Ba Động 2,9ha/1 hộ và 1 tổ chức, tổng kinh phí đầu tư đã thực hiện trên 2,3 tỷ đồng, gồm ngân sách Nhà nước hỗ trợ 1,63 tỷ đồng, còn lại là người dân tham gia dự án đóng góp.

Trái ngược với giá trị kinh tế mang lại từ cây Sachi đẹp như "tranh vẽ", sau 2 năm triển khai (đến thời điểm trên), số diện tích Sachi đã trồng tại 3 xã ở huyện Ba Tơ rơi vào cảnh khô héo, tàn lụi và chết gần như toàn bộ.Ảnh: NĐ (chụp năm 2021)

Theo tính toán trong năm đầu thu hoạch, 1ha cây Sachi cho thu hoạch 1.000kg. Có giá bán thấp nhất 50.000 đồng/1kg, sẽ mang lại cho người trồng cây này số tiền 50 triệu đồng. Những năm tiếp theo, mức thu sẽ tăng cao hơn với lợi nhuận thu về khoảng 147 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên trái với giá trị kinh tế mang lại từ cây Sachi đẹp như "tranh vẽ", sau 2 năm triển khai (đến thời điểm trên), số diện tích Sachi đã trồng tại 3 xã ở huyện Ba Tơ rơi vào cảnh khô héo, tàn lụi và chết gần như toàn bộ.

Nói về nguyên nhân mô hình Sachi “chết không kịp ngáp” chỉ sau 1 thời gian triển khai, đại diện UBND huyện Ba Tơ giải thích, cây Sachi được đánh giá là loại cây dễ trồng, có nhiều khả năng thích ứng với điều kiện khí hậu địa phương..

Tuy nhiên trong quá trình trồng và chăm sóc cho thấy, cây Sachi rất mẫn cảm với sâu bệnh gây hại, đặc biệt một số loại nấm, dẫn đến không chỉ làm chết cây con, mà cả cây trưởng thành đã ra hoa và cho quả.

Thời hoàng kim của cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến, bảo quản sản phẩm tại thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà.Ảnh: Tới Phan.

Bên cạnh đó điều kiện thời tiết khắc nghiệt, nắng hạn, lượng mưa ít dẫn đến nguồn nước tới không đảm bảo, gây ảnh hưởng đến tỷ lệ sống cây sachi và hiệu quả cây trồng của dự án, không đạt với mục tiêu ban đầu đề ra (?).

Tuy chưa đến mức như mô hình Sachi ở Ba Tơ, nhưng vào năm 2020, dư luận ở huyện Trà Bồng cũng từng nổi sóng, khi sau nhiều năm tốn công sức xây dựng, đề án đầu tư vùng trồng chuyên canh cây quế tập trung (diện tích trên 500ha, vốn đầu tư 54 tỷ đồng) mới hoàn thành, trình phê duyệt. chính quyền huyện Trà Bồng bất ngờ xin dừng, gây ngỡ ngàng cho người dân nơi đây.

Video: Hiện trạng của cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến, bảo quản sản phẩm tại thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà.

Còn tại huyện Sơn Hà, để rộng đường đưa nông sản của địa phương ra thị trường, từ nguồn ngân sách và huy động của người dân, tổ chức đã đầu tư hơn 500 triệu đồng, xây dựng hoàn thành và đưa cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến, bảo quản sản phẩm tại thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng vào hoạt động.

Theo đó cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến, bảo quản sản phẩm tại thôn Nước Tăm được lắp đặt thiết bị máy vặt lông, máy hút chân không, máy sục ô zôn... theo quy trình kỹ thuật khép kín.

Tuy nhiên cũng sau 1 thời gian hoạt động và nhận được “mưa lời khen” đến nay, cơ sở chế biến này cũng đã "cởi mây để về với giàng”.

Hình ảnh hiện nay của cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến, bảo quản sản phẩm tại thôn Nước Tăm, xã Sơn Thượng, huyện Sơn Hà.Ảnh: Tới Phan.

Mới đây (ngày 7/2/2025), qua quan sát của PV Dân Việt, cơ sở giết mổ gia cầm, chế biến, bảo quản sản phẩm thôn Nước Tăm từng là niềm tự hào, hãnh diện của huyện Sơn Hà; đông vui tấp nập, đèn thắp sáng trưng hôm nào, giờ trở thành hoang phế.

Những thiết bị và máy móc bị vứt chỏng chơ trong góc xó, bờ tường của cơ sở chế biến, mặc cho nhện giăng bụi phủ.

 

Tới Phan