3 sứ thần Đại Việt và chuyện giải "câu đố chết người" từ triều đình phương Bắc

Thanh Điệp Thứ ba, ngày 20/10/2020 20:32 PM (GMT+7)
Với trí tuệ thông minh, khả năng ứng biến nhanh nhẹn, nhiều sứ thần của nước ta từng khiến triều đình phương Bắc phải nể phục.
Bình luận 0

Lịch sử bang giao giữa dân tộc ta và phương Bắc chính thức được xác lập kể từ thời vua Lê Đại Hành. Trong gần 1.000 năm sau đó, rất nhiều sứ thần tài năng đã làm vẻ vang đất nước khi đi sứ.

Nguyễn Duy Thì khiến vua Minh khâm phục

Nguyễn Duy Thì tên thật là Nguyễn Duy Thời, người huyện Mê Linh (Hà Nội ngày nay).

Năm 1606, ông được cử đi sứ nhà Minh. Vốn là người thông minh, học rộng, nhanh trí, ông đã chứng minh được trí tuệ của nước Nam, khiến nhà Minh khâm phục.

Theo sách Kể chuyện sứ thần Việt Nam, vua Minh muốn làm cho ông bẽ mặt nên đã ra câu đố: “Đi cùng vua, thầy học và cha trên một chuyến đò, chẳng may bị bão đánh chìm thì cứu ai trước”?

Đây là câu hỏi rất hóc búa, vì theo đạo lý, trong mối quan hệ “quân - thần, sư - đồ, phụ - tử”, cứu ai trước cũng sẽ phạm vào tội bất nghĩa, bất trung, bất hiếu.

Nguyễn Duy Thì trả lời khôn ngoan rằng: “Gặp người nào trước thì cứu người đó trước và sẽ cứu cả ba người”.

Thấy câu đố không thể làm khó sứ giả nước Nam, hoàng đế nhà Minh tiếp tục hỏi: “Thức ăn gì ngon nhất, vật gì quý nhất trên đời”?

Không cần suy nghĩ, Nguyễn Duy Thì đáp ngay: “Thức ăn ngon nhất là muối vì thiếu muối mọi thứ sẽ rất nhạt nhẽo. Vật quý nhất là sĩ phu (trí thức) giúp đất nước thanh bình, ổn định”.

Trước hai câu trả lời nhanh nhẹn và rất thông minh của Nguyễn Duy Thì, vua Minh hết sức khâm phục, không còn hạch sách ông nữa.

Ông tổ nghề thêu thoát chết nhờ tài trí

Lê Công Hành (1606-1661) là trạng nguyên nhà Hậu Lê. Năm 1646, ông được cử đi sứ sang Trung Quốc.

Để thử tài của sứ thần nước Việt, vua Minh cho dựng lầu cao chót vót rồi mời ông lên chơi. Khi khách đã lên lầu, họ lập tức rút cầu thang, không còn đường xuống nữa.

3 sứ thần Đại Việt và chuyện giải "câu đố chết người" từ triều đình phương Bắc - Ảnh 1.

Ông tổ nghề thêu Lê Công Hành. Ảnh: Thư viện Lịch sử.

Ở một mình trên cao, ông đưa mắt nhìn quanh chỉ thấy hai pho tượng sơn son thiếp vàng, một chum nước cùng hai cái lọng cắm trước bàn thờ. Ngoài cửa treo một bức nghi môn thêu nổi ba chữ “phật tại tâm”.

Hai ngày sau, ông vẫn bị giam trên lầu vắng, bụng đói cồn cào, cơm không có ăn. Trong khoảnh khắc đối diện với cái chết, ông nghĩ “có chum nước để uống tất phải có cái ăn”.

Ông quay ra ngắm bức nghi môn và lẩm bẩm “phật tại tâm nghĩa là phật ở trong lòng”. Gật đầu mỉm cười, ông liền bẻ cánh tay bức tượng ăn thử. Quả đúng như ông suy đoán, đó là bức tượng được làm bằng bột chè lam.

Không còn lo chết đói trên chòi cao, ông dành thời gian quan sát và học cách làm lọng. Cuối cùng, ông cũng nắm được bí quyết. Học xong cách làm lọng, ông tiếp tục tháo bức nghi môn xuống, quan sát từng đường chỉ thêu, đường viền để học cách thêu.

Sau đó, ông lấy cây lọng làm dù, nhảy từ chòi cao xuống đất an toàn. Trước những hành động thông minh của sứ thần Đại Việt, triều đình nhà Minh tổ chức chiêu đãi long trọng.

Sau chuyến đi sứ trở về, ông đã truyền lại nghề thêu và làm lọng cho nhân dân quê mình. Từ đây, nghề làm lọng phát triển sang các làng khác. Về sau, Lê Công Hành được suy tôn là ông tổ nghề thêu.

Viết tên 100 danh thần Trung Quốc bằng hai câu thơ

Nguyễn Quốc Trinh (1625-1674) người huyện Thanh Trì (Hà Nội ngày nay). Ông đỗ trạng nguyên năm 1659, thời vua Lê Thần Tông. Trong chuyến đi sứ năm 1667, ông được vua Thanh gọi vào điện thử tài. Tại đây, ông gặp cả sứ thần Cao Ly.

Vua Thanh đưa ra hai cái thẻ tre rồi bảo hai sứ thần viết tên 100 danh thần của Trung Quốc, ai viết xong trước sẽ được phong làm “lưỡng quốc danh thần”, còn không sẽ bị cho là kẻ ngu dốt.

Trước đề bài của vua Thanh, sứ thần Cao Ly cặm cụi viết liên tục. Nguyễn Quốc Trinh vẫn “bình chân như vại”, không viết chữ nào. Mọi người rất ngạc nhiên.

Trước những ánh mắt băn khoăn, lời thúc giục, Nguyễn Quốc Trinh tươi cười và trả lời: “Có gì đâu, tôi viết loáng cái là xong ngay”. Đám quan lại cười khẩy cho rằng sứ thần nước Nam bí nên mới nói cứng vậy thôi.

Khi gần đến giờ nộp thẻ, sứ thần Cao Ly chuẩn bị viết xong, Nguyễn Quốc Trinh mới cần bút viết đúng 2 dòng lên thẻ tre rồi buông bút mỉm cười.

Thẻ tre có dòng chữ: Khổng Môn thất thập nhị hiền / Vân Đài nhị thập bát tướng. Nghĩa là “Cửa Khổng có bảy mươi hai hiền nhân / Vân Đài ghi hai mươi tám tướng giỏi”.

Ý hai câu thơ trên đều dẫn theo tích của Trung Quốc. Vào thời Xuân Thu, Khổng Tử có 72 học trò nổi tiếng giỏi. Còn Vân Đài là đài cao được xây vào thời vua Hán Vũ Đế, trên đó có khắc ghi 28 danh tướng dũng lược của triều Hán. Như vậy, qua hai câu thơ là đủ 100 người tài giỏi của Trung Quốc.

Trước tài năng của Nguyễn Quốc Trinh, vua Thanh không tiếc lời khen ngợi và phong ông làm “lưỡng quốc danh thần”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem