3 trường hợp không được sang tên sổ đỏ đất trồng lúa mới nhất

PV (Tổng hợp) Thứ tư, ngày 23/12/2020 23:01 PM (GMT+7)
Đất trồng lúa là loại đất bị hạn chế chuyển đổi mục đích và có những điều kiện riêng khi sang tên sổ đỏ.
Bình luận 0

Nhà nước có những chính sách riêng để bảo vệ diện tích đất trồng lúa. Đây là loại đất bị hạn chế chuyển đổi mục đích và có những điều kiện riêng khi sang tên sổ đỏ.

Đất trồng lúa là gì?

Đất trồng lúa được định nghĩa tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng đất trồng lúa như sau:

Đất trồng lúa là đất có các điều kiện phù hợp để trồng lúa, bao gồm đất chuyên trồng lúa nước và đất trồng lúa khác.

– Đất chuyên trồng lúa nước là đất trồng được hai vụ lúa nước trở lên trong năm (khoản 2 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP)

– Đất trồng lúa khác bao gồm đất trồng lúa nước còn lại và đất trồng lúa nương (khoản 3 Điều 3 Nghị định 35/2015/NĐ-CP).

3 trường hợp không được sang tên sổ đỏ đất trồng lúa mới nhất - Ảnh 1.

Đất trồng lúa là loại đất bị hạn chế chuyển đổi mục đích và có những điều kiện riêng khi sang tên sổ đỏ.

Trách nhiệm sử dụng đất trồng lúa

- Sử dụng đúng mục đích theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa đã được cơ quan có thẩm quyền xét duyệt.

- Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

- Canh tác đúng kỹ thuật, thực hiện luân canh, tăng vụ để nâng cao hiệu quả sản xuất; cải tạo, làm tăng độ màu mỡ của đất trồng lúa, bảo vệ môi trường sinh thái.

- Người sử dụng đất trồng lúa thực hiện các quyền, nghĩa vụ của mình trong thời hạn sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mục đích sử dụng trên đất trồng lúa phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền

Trường hợp nào không được sang tên sổ đỏ đất trồng lúa?

Căn cứ khoản 1 Điều 188 và Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, khi chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì bên chuyển nhượng (bên bán) phải có đủ điều kiện thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho; bên nhận chuyển nhượng phải thuộc trường hợp được nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Theo đó, sẽ có 03 trường hợp không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa, cụ thể:

Trường hợp 1: Bên chuyển nhượng, tặng cho không đủ điều kiện chuyển nhượng, tặng cho

Theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013, người sử dụng đất được thực hiện quyền chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất khi có các điều kiện sau đây:

- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai.

- Đất không có tranh chấp.

- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án.

- Trong thời hạn sử dụng đất.

Theo đó, nếu bên chuyển nhượng (bên bán), tặng cho mà thiếu một trong những điều kiện trên thì không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất, trong đó bao gồm cả đất trồng lúa.

3 trường hợp không được sang tên sổ đỏ đất trồng lúa mới nhất - Ảnh 3.

Có 03 trường hợp không được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Trường hợp 2: Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa là tổ chức kinh tế

Căn cứ khoản 2 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, tổ chức kinh tế không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng của hộ gia đình, cá nhân, trừ trường hợp được chuyển mục đích sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp 3: Hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Theo khoản 3 Điều 191 Luật Đất đai năm 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa.

Trường hợp nào được sang tên sổ đỏ đất trồng lúa?

Ngoài việc bên chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa có đủ điều kiện theo khoản 1 Điều 188 Luật Đất đai năm 2013 thì hộ gia đình, cá nhân phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Theo điểm d khoản 2 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, xác định cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì căn cứ vào việc cá nhân không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.

Xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp

Theo điểm d khoản 3 Điều 3 Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, xác định hộ gia đình trực tiếp sản xuất nông nghiệp khi đăng ký nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa thì căn cứ vào việc hộ gia đình có ít nhất một thành viên không thuộc đối tượng được hưởng lương thường xuyên; đối tượng đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp xã hội.

Trên đây là những trường hợp không được sang tên sổ đỏ đất trồng lúa. Đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân muốn nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trồng lúa (mua đất trồng lúa) thì phải trực tiếp sản xuất nông nghiệp.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem