30% diện tích cà phê cần tái canh, vốn nghìn tỷ vẫn như "muối bỏ bể"

Trần Khánh Thứ sáu, ngày 09/10/2020 14:38 PM (GMT+7)
Áp lực biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, diện tích cà phê già cỗi, cần tái canh ngày càng lớn, trong khi giá cà phê ở mức thấp trong thời gian dài, khiến nhiều nông dân bắt đầu chán nản với loại cây trồng chủ lực này. Cả người trồng lẫn doanh nghiệp đều mong muốn một chính sách tái canh hiệu quả hơn cho cây cà phê.
Bình luận 0

Khó tiếp cận nguồn lực hỗ trợ

Theo báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 5 năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã thực hiện tái canh khoảng 130.000ha cà phê già cỗi (vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra là 120.000ha). Tỷ lệ cà phê có xác nhận canh tác bền vững đã tăng lên 60% tổng diện tích canh tác. 

Tuy nhiên, khảo sát mới đây của Công ty Nestlé Việt Nam tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, niên vụ 2019-2020, có đến 30% diện tích vườn cà phê già cỗi cần tái canh, thay vì con số 20% như các ngành chức năng dự báo trước đây. Tương ứng, mỗi năm có khoảng 180.000ha cà phê cần tái canh.

Cà phê cần chính sách tái canh   hiệu quả hơn - Ảnh 1.

Nông dân trồng cà phê ở huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng). Ảnh: Văn Long

Bà Tessa Meulensteen cho rằng, cần có các nghiên cứu sâu sắc hơn về tác động của BĐKH đến sản xuất cà phê. Công việc này bao gồm thiết kế, triển khai các cơ chế tài chính để khuyến khích đầu tư; phát triển các giống cà phê có sức chống chịu cao. Đồng thời tăng cường phát triển chính sách môi trường cấp quốc gia.

Công ty Nestlé Việt Nam là một trong những doanh nghiệp đang thực hiện chương trình phát triển cà phê bền vững thông qua việc phân phối cây giống kháng bệnh năng suất cao tới nông dân các tỉnh. 

Ông Binu Jacob - Tổng Giám đốc công ty này nhìn nhận, mục tiêu tái canh cho các diện tích vườn cà phê già cỗi ở Việt Nam hiện nay còn khá xa. Trong khi đó, nguồn lực thì khá hạn chế, số cây giống phân phối đến các vườn cần tái canh những năm qua chỉ như "muối bỏ bể".

Ông Phạm Phú Ngọc - trưởng một nhóm nông dân phát triển cà phê bền vững tại Đăk Lăk chia sẻ, dù rất muốn đẩy nhanh tiến độ tái canh vườn cà phê già cỗi nhưng với điều kiện của nông dân hiện nay, rất khó thực hiện. 

Trước đây, ông Ngọc cũng có nghe đến gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ nông dân tái canh cà phê, tuy nhiên việc tiếp cận không dễ, chủ yếu vẫn là nông dân tự bỏ vốn ra làm. Trong khi giá cà phê liên tục giảm sâu khiến nông dân dù muốn song cũng không có khả năng đầu tư tái canh vườn.

Một cán bộ thực địa thuộc Phòng Dự án cà phê bền vững của Công ty TNHH MTV 2/9 Đăk Lăk cũng trăn trở, việc tái canh cà phê đang gặp rất nhiều vướng mắc như vốn, lao động, lại thêm những thách thức từ biến đổi khí hậu…

Dù đã đủ nhu cầu nguồn nguyên liệu cho chế biến, phục vụ thị trường, diện tích cà phê bền vững liên kết với doanh nghiệp này có phần giảm dần những năm qua. 

"Không có giải pháp tái canh cà phê hiệu quả, nhiều hộ nông dân đang có xu hướng bỏ bê vườn cà phê, chạy theo các cây trồng khác có hiệu quả cao hơn" - vị này bày tỏ.

"Doanh nghiệp - nông dân - nhà khoa học là 3 đỉnh tam giác. Chính phủ ở giữa phải có chính sách bền vững hơn, làm trung tâm kiến tạo, hỗ trợ cho người trồng cà phê vượt qua các vấn nạn rớt giá, BĐKH" - ông Hiệp đề xuất.

Thích ứng biến đổi khí hậu

Theo Hiệp hội Cà phê, Ca cao Việt Nam, Việt Nam nằm trong top 10 nước trên thế giới bị tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Cà phê là một trong những loại cây trồng chịu ảnh hưởng nặng khi mùa vụ không theo chu kỳ cũ. Thời tiết nóng lên làm nhiều vùng không còn phù hợp để trồng cà phê.

Sau kế hoạch tái canh giai đoạn 1 gần 120.000ha, Lâm Đồng là địa phương tiến hành tái canh khá tốt. Nhưng trong quá trình này, nhiều diện tích đã chuyển sang trồng cây khác hoặc xen canh quá mức trên 1ha cho phép, đã ảnh hưởng đến sự phát triển của vườn cà phê và sản lượng về sau.

Do biến đổi thời tiết, số lượng cà phê tái canh chưa vào thời kỳ khai thác năng suất cao. Vườn cà phê già, năng suất thấp vẫn còn nên sản lượng và lượng cà phê nhân xuất khẩu đều giảm.

Theo Tổng cục Hải quan, trong tháng 8, xuất khẩu cà phê đạt 100.000 tấn; giảm 12,2% về lượng và giảm 6,4% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Còn tính cả 8 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê đạt 1,15 triệu tấn; giảm 2,1% về lượng và giảm 2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.

Tháng 8 vừa qua, Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) là đơn vị đầu tiên xuất khẩu cà phê theo Hiệp định EVFTA. Cũng là đơn vị đầu tiên làm cà phê hữu cơ, thế nhưng ông Thái Như Hiệp - Giám đốc Công ty Vĩnh Hiệp đánh giá việc thích ứng BĐKH, phát triển bền vững cà phê không dễ tý nào.

Theo ông Hiệp, cây cà phê đang gặp 2 vấn đề khó khăn nhất là giống và tái canh. Lựa chọn được giống tốt và cách tái canh phù hợp mới duy trì được chất lượng và sản lượng. Trong nước có rất nhiều giống, song không có giống nào đáp ứng được tiêu chuẩn.

Nước tưới cũng là yếu tố quan trọng vì liên quan mật thiết đến bài toán tài chính. Nông dân phải gánh chịu nhiều thứ khiến giá thành sản xuất tăng cao. Cũng chính họ là người đầu tiên không còn đam mê và không ít người đã rời bỏ cây cà phê.

Từ năm 2016, Tổ chức Sáng kiến Thương mại Bền vững (IDH) đã bắt đầu thúc đẩy kết nối giữa khu vực công, tư và các tổ chức dân sự xã hội nhằm hỗ trợ cho việc phát triển các mô hình cà phê bền vững ở khu vực Tây Nguyên. 

Bà Tessa Meulensteen - Giám đốc chương trình cà phê của IDH cho biết, thách thức nghiêm trọng từ BĐKH sẽ làm mất đi những vùng đất phù hợp cho sản xuất cà phê. Việc sản xuất phải dịch chuyển lên những vùng cao hơn, tạo ra áp lực về nguồn nước. Nhiệt độ tăng khiến việc ra hoa kém, sâu bệnh hại bùng phát. Kéo theo đó là khả năng dễ bị tổn thương của hộ sản xuất quy mô nhỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem