Số phận những chiếc xe sang bị niêm phong tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long sẽ ra sao?

Quang Trung Chủ nhật, ngày 15/05/2022 11:47 AM (GMT+7)
Công an tỉnh Quảng Ninh ngoài khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Phạm Hồng Hà, cựu Chủ tịch UBND TP Hạ Long (Quảng Ninh), còn tạm giữ 4 xe sang. Những chiếc xe này sẽ được xử lý thế nào?
Bình luận 0

Cựu Chủ tịch TP Hạ Long Phạm Hồng Hà bị bắt

Chiều 14/5, hàng chục cảnh sát và kiểm sát viên tới nhà ông Phạm Hồng Hà, 62 tuổi, cựu Chủ tịch TP Hạ Long, để thực thi lệnh bắt.

Đến 17h30, sau khoảng 2 tiếng khám xét nhà riêng của ông Hà ở đường bao biển Trần Quốc Nghiễn, TP Hạ Long, lực lượng chức năng niêm phong 4 ô tô đưa về cơ quan điều tra. 30 phút sau, ông Hà được đưa đi bằng xe biển xanh.

4 ôtô hạng sang tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long bị niêm phong, xử lý ra sao? - Ảnh 1.

Lực lượng chức năng có mặt tại nhà ông Phạm Hồng Hà để tiến hành khám xét và bắt giữ. Ảnh: TN

Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, ông Hà bị bắt do liên quan vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Công ty cổ phần Quản lý đường sông số 3 và Ban Quản lý vịnh Hạ Long.

Trao đổi với PV Dân Việt, Tiến sĩ luật Đặng Văn Cường cho biết, ông Phạm Hồng Hà - nguyên Trưởng Ban Quản lý Vịnh Hạ Long bị bắt về tội "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", quy định tại khoản 2, Điều 356 Bộ luật hình sự.

Cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của ông Hà được thực hiện như thế nào, ông Hà có vai trò gì trong vụ án này và hậu quả gây ra những thiệt hại như thế nào đối với xã hội.

Với tội danh theo thông tin ban đầu mà công an công bố, ông Hà có thể đối mặt với mức hình phạt cao nhất tới 10 năm tù.

Theo ông Cường, cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ hành vi của các bị can, vai trò của các bị can và xác định hậu quả mà các bị can đã gây ra đối với xã hội để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật.

Trong quá trình điều tra vụ án hình sự, cơ quan điều tra cũng sẽ làm rõ các tài sản do phạm tội mà có, những vật chứng của vụ án để tiến hành niêm phong, kê biên để xử lý theo quy định của pháp luật.

Xử lý thế nào với 4 xe ô tô hạng sang tại nhà ông Phạm Hồng Hà?

Trong quá trình đọc lệnh bắt giữ và khám xét tại nhà riêng của ông Phạm Hồng Hà, cơ quan điều tra đã thu giữ nhiều tài liệu đồ vật, trong đó có bốn chiếc xe ô tô đắt tiền.

Vị chuyên gia cho rằng, có thể cơ quan điều tra xác định những chiếc xe này là vật chứng của vụ án, có liên quan đến tội phạm nên tạm thời thu giữ để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.

Nguyên tắc xử lý vật chứng vụ án hình sự được quy định của bộ luật tố tụng hình sự.

4 ôtô hạng sang tại nhà cựu Chủ tịch TP Hạ Long bị niêm phong, xử lý ra sao? - Ảnh 3.

Một trong 4 chiếc xe tại nhà ông Phạm Hồng Hà bị niêm phong và mang đi. Ảnh: TN

Cụ thể, Điều 89 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 quy định, vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.

Việc thu thập vật chứng phải đảm bảo được quy định tại Điều 105 Bộ luật tố tụng hình sự: Vật chứng phải được thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.

Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án. Vật chứng phải được niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.

Vật chứng thu thập được phải được cơ quan tố tụng bảo quản theo quy định tại Điều 90 Bộ luật tố tụng hình sự 2015, cụ thể như sau: Bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng.

Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định trường hợp người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án, tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, tạm giữ tài liệu đồ vật phải có liên quan đến vụ án, theo trình tự thủ tục luật định. Cũng có thể tài sản có liên quan đến các hành vi vi phạm pháp luật khác mà cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ.

Nếu quá trình điều tra mà có căn cứ xác định tài sản không liên quan đến tội phạm sẽ trả lại cho chủ sở hữu trừ trường hợp tài sản đó là của người phạm tội, cần phải tạm giữ để đảm bảo thi hành án đối với trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Ngoài ra các tội danh về kinh tế và chức vụ còn có hình phạt bổ sung là tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Bởi vậy, cơ quan điều tra cũng có thể tạm giữ tài sản để áp dụng hình phạt bổ sung là tịch thu tài sản khi tòa án giải quyết.

Từ phân tích trên, ông Cường cho biết, đối với những chiếc xe sang thu giữ tại nhà cựu Chủ tịch thành phố Hạ Long, cơ quan điều tra sẽ tiến hành bảo quản, quản lý theo quy định của pháp luật và xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng những chiếc xe này như thế nào, có liên quan đến tội phạm hay không để xử lý.

Trường hợp những chiếc xe này không có liên quan đến tội phạm, không phải nguồn gốc do phạm tội mà có cũng không sử dụng để thực hiện hành vi phạm tội và không phải tài sản thuộc sở hữu của bị can mà là tài sản của người khác, sẽ trả lại cho chủ sở hữu tài sản theo quy định của bộ luật tố tụng hình sự hiện hành.

Còn trường hợp liên quan đến phạm tội mà có sẽ bị tịch thu, bán đấu giá để thu hồi tài sản và sung công quỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem