5 trường hợp bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp từ 2021

24/08/2020 10:30 GMT+7
Từ năm 2021, doanh nghiệp sẽ bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCN ĐKDN) nếu kê khai hồ sơ giả đăng ký giả mạo, doanh nghiệp ngừng hoạt động 1 năm mà không thông báo, …

Luật Doanh nghiệp 2020 vừa được Quốc hội khóa XIV thông qua và chính thức có hiệu lực ngày 1/1/2021.

Tại Điều 212 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp bị thu hồi GCN ĐKDN trong 5 trường hợp sau đây:

1. Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp là giả mạo.

2. Doanh nghiệp do những người bị cấm thành lập doanh nghiệp theo quy định Luật Doanh nghiệp 2020 thành lập.

3. Doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 1 năm mà không thông báo với Cơ quan ĐKKD và cơ quan thuế.

5 trường hợp bị thu hồi GCN đăng ký doanh nghiệp từ 2021 - Ảnh 1.

4. Doanh nghiệp không gửi báo cáo về việc tuân thủ quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 khi xét thấy cần thiết; đôn đốc việc thực hiện nghĩa vụ báo cáo của doanh nghiệp đến Cơ quan ĐKKD trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản.

5. Trường hợp khác theo quyết định của Tòa án, đề nghị của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của luật.

Ngoài ra, tại Điều 209 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục giải thể khi bị thu hồi GCN ĐKDN như sau:

Cơ quan ĐKKD phải thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp đồng thời với việc ra quyết định thu hồi GCN ĐKDN. Kèm theo thông báo phải đăng tải quyết định thu hồi GCN ĐKDN.

Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi GCN ĐKDN, doanh nghiệp phải triệu tập họp để quyết định giải thể. Nghị quyết, quyết định giải thể và bản sao quyết định thu hồi GCN ĐKDN phải được gửi đến Cơ quan ĐKKD, cơ quan thuế, người lao động trong doanh nghiệp và phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính, chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp.

Đối với trường hợp pháp luật yêu cầu phải đăng báo thì nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp phải được đăng ít nhất trên 1 tờ báo in hoặc báo điện tử trong 3 số liên tiếp.

Trường hợp doanh nghiệp còn nghĩa vụ tài chính chưa thanh toán thì phải đồng thời gửi kèm theo nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp, phương án giải quyết nợ đến các chủ nợ, người có quyền lợi và nghĩa vụ có liên quan. Thông báo phải có tên, địa chỉ của chủ nợ; số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó; cách thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

Việc thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp được thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020.

Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan ĐKKD trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp.

Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày thông báo tình trạng đang làm thủ tục giải thể doanh nghiệp theo quy định mà không nhận được phản đối của bên có liên quan bằng văn bản hoặc trong 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ giải thể, Cơ quan ĐKKD cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Vân Vân
Cùng chuyên mục