6 vấn đề Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đặt hàng TP.HCM

Thiên Tường Thứ ba, ngày 26/04/2022 09:33 AM (GMT+7)
TPHCM cần quan tâm và có những quyết sách, nguồn lực đặc biệt dành cho giáo dục thành phố để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 là một trong sáu vấn đề mà Bộ trưởng đặt hàng với TP.HCM.
Bình luận 0

TP.HCM sẵn sàng tiên phong thí điểm giáo dục

Trong buổi làm việc với Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT chiều 25/4, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, tới thời điểm hiện tại, TP.HCM đã đi được gần 1/3 chặng đường mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI giao dù phải bỏ ra hơn nửa thời gian để tập trung chống dịch Covid-19.

Trước mắt, TP.HCM sẽ thực hiện bốn nhiệm vụ quan trọng: Đầu tiên là rà soát hệ thống trường lớp, rà soát điều chỉnh quy hoạch hệ thống trường lớp gắn với hạ tầng giao thông, đô thị phát triển để phù hợp với tình hình. Bên cạnh đó, cần ban hành cơ chế chính sách phù hợp để thu hút nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa trong thẩm quyền của TP.

6 vấn đề Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn “đặt hàng” TP.HCM - Ảnh 1.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: H.N

Tại buổi làm việc, ông Nên cũng đề nghị Bộ GD-ĐT đưa ra chính sách phù hợp giải quyết khó khăn trong phạm vi thẩm quyền của Bộ. Việc cải cách phải thuận tiện nhất cho học sinh. Đối với những vấn đề thuộc trách nhiệm TP.HCM, TP sẽ quyết tâm thực hiện.

Ông Nên cho biết, với vị trí là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội lớn của cả nước có quy mô dân số hơn 10 triệu dân và có những đặc thù riêng của một đô thị lớn, TP.HCM sẵn sàng là đơn vị thí điểm các cơ chế, mô hình mới phù hợp xu thế phát triển của thế giới cũng như nhận nhiệm vụ triển khai các chủ trương lớn trong giáo dục và đào tạo.

Đơn đặt hàng của Bộ trưởng với TP.HCM

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn nhận định, TP.HCM là một trong những địa phương chịu nhiều tác động của dịch Covid-19. Đến nay, dù dịch bệnh cơ bản được kiểm soát nhưng những ảnh hưởng của nó vẫn còn.

Trong đó, ngành giáo dục và đào tạo là lĩnh vực chịu nhiều tác động tiêu cực cần được quan tâm, bù đắp, khắc phục để hạn chế thấp nhất tác động của dịch bệnh.

6 vấn đề Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn “đặt hàng” TP.HCM - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đặt ra 6 vấn đề yêu cầu TP.HCM thực hiện. Ảnh: H.N

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn đưa ra 6 vấn đề yêu cầu TP.HCM thực hiện trong thời gian tới. Việc đầu tiên là yêu cầu lãnh đạo TP.HCM quan tâm một cách đặc biệt cũng như có những quyết sách, nguồn lực đặc biệt dành cho giáo dục thành phố trong thời điểm này để thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Thứ hai, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM đẩy mạnh xã hội hóa, huy động các nguồn lực trong giáo dục và thực hiện bình đẳng trong hệ thống công và tư để hệ thống tư đóng góp vai trò hơn nữa trong hệ thống giáo dục. 

Về vấn đề này, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD-ĐT nghiên cứu triển khai thí điểm việc chọn một số trường công chất lượng tốt chuyển sang làm đề án thu học phí cao và lấy mức học phí này để chi trả, giảm nguồn viên chức hưởng lương. Theo Bộ trưởng, đây là một việc mà TP.HCM có thể thí điểm cùng với Bộ.

6 vấn đề Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn “đặt hàng” TP.HCM - Ảnh 4.

Toàn cảnh buổi làm việc của Thành ủy TP.HCM với Ban cán sự Đảng Bộ GD-ĐT. Ảnh: H.N

Điều thứ 3, 4 mà Bộ trưởng đề nghị là TP.HCM phải đặt việc quy hoạch hệ thống cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố với một sự quan tâm thích đáng, đặt mục tiêu giảm sĩ số lớp học như một mục tiêu đột phá cho giáo dục TP.HCM. 

Tiếp đó, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM quan tâm thêm đến các đơn vị đại học của TP và các bộ, ngành khác đặt trên địa bàn TP cũng như lưu tâm hơn đến công tác Đảng trong các cơ sở giáo dục đại học. 

Vấn đề cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị TP.HCM nhấn mạnh, việc đào tạo bồi dưỡng nhân tài của TP phải đặt yêu cầu lớn hơn các tỉnh thành khác. TP.HCM cần bồi dưỡng nhân lực từ bậc phổ thông đến nhân lực mang tính chiến lược, trong đó, có thể tính đến mô hình trường năng khiếu, trường đặc biệt. Ngoài ra, TP cần phải quan tâm giáo dục đại trà song song với giáo dục mũi nhọn, chuẩn bị nhu cầu nhân lực…

Phát biểu tại buổi làm việc, Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ khó khăn trong thực hiện Nghị quyết 19/2017 với yêu cầu đến năm 2021 cắt giảm 10% đầu mối đơn vị sự nghiệp trên địa bàn, 10% tương ứng biên chế hành chính sự nghiệp, đến năm 2025 tiếp tục giảm 10%.

Ông Hiếu cho biết, TP.HCM đã có chương trình thực hiện vấn đề này nhưng với áp lực gia tăng dân số những năm gần đây khiến việc này rất khó thực hiện. Tính trung bình, mỗi năm TP tăng bình quân 40.000 học sinh (trừ 2021, sĩ số có giảm cục bộ ở tiểu học do tình hình dịch bệnh, học sinh chuyển về địa phương). Trong khi đó, hiện nay quy định khung học phí cho các trường công lập tự chủ còn thấp cũng khó khăn trong thực hiện các hoạt động.

Giám đốc Sở GDĐT kiến nghị, Chương trình GDPT 2018 sẽ áp dụng với lớp 10 trong năm học 2022-2023, chính vì vậy, Bộ GD-ĐT cần sớm có định hướng đầu ra, quy định nội dung và hình thức tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để các trường THPT chủ động xây dựng tổ hợp môn phù hợp với năng lực tổ chức của mình cũng như định hướng các em chọn môn học phù hợp, hướng đến kỳ thi, ổn định tâm lí học sinh…

Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM Lê Hồng Sơn đề xuất Bộ điều chỉnh những chính sách phù hợp với sự phát triển của giáo dục mầm non, nhất là trường tư, nhóm lớp sau đại dịch Covid-19.

Đây là những đơn vị bị thiếu nhân sự, không đủ vốn để đầu tư, quy hoạch nhưng gặp vướng mắc trong quá trình thực hiện. Điều này sẽ gây phát sinh nhóm nhà trẻ không phép, đặc biệt là nhà trẻ thuộc các khu vực công nhân, người lao động khó khăn, ảnh hưởng công tác dạy và học của trẻ.

Ông Sơn cũng đề nghị Bộ GD-ĐT thông tin rõ ràng để dư luận hiểu về vấn đề Lịch sử là môn lựa chọn, tránh hiện tượng một số cá nhân lợi dụng để xuyên tạc. Ngoài ra, ông Sơn cũng mong Bộ GD-ĐT quan tâm vấn đề một số trường đại học của TP.HCM chưa có hội đồng trường, chưa có hiệu trưởng chính thức ảnh hưởng tới hoạt động và quá trình phát triển của nhà trường, sinh viên.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem