7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao

25/04/2020 10:15 GMT+7
Dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu, khiến hơn 2,7 triệu người tại hơn 200 quốc gia và vùng lãnh thổ nhiễm virus đã buộc các nhà chức trách trên thế giới tiến hành hàng loạt biện pháp phong tỏa, cách ly kiểm dịch.

Các biện pháp đóng cửa biên giới, trường học, doanh nghiệp, khóa chặt các tỉnh thành và hạn chế tụ tập đông người ở những mức độ khác nhau đã để lại những hậu quả lớn cho nền kinh tế toàn cầu. Tại Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã có 26 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp chỉ trong 5 tuần. Trung Quốc cũng chứng kiến GDP giảm 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, mức giảm lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ. Tình hình không lạc quan hơn tại các quốc gia Châu Âu, nơi cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19.

Gita Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF nhận định dịch Covid-19 đưa thế giới vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng vì gần như không có quốc gia nào nằm ngoài tác động của nó.

Dưới đây là 7 biểu đồ cho thấy cuộc khủng hoảng đại dịch đã tấn công nền kinh tế toàn cầu như thế nào.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng đáng báo động

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 1.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt tại một số quốc gia Trung Quốc, Australia, Đức, Mỹ, Hàn Quốc (từ trên xuống dưới) do đại dịch Covid-19

Nhiều nhà kinh tế cảnh báo rằng làn sóng thất nghiệp quy mô lớn tại nhiều nước trên thế giới là hậu quả trực tiếp từ các biện pháp hạn chế kiểm dịch nghiêm ngặt của các chính phủ.

Tại Mỹ, các nhà phân tích dự báo kịch bản bi đát tỷ lệ thất nghiệp hơn 20% do dịch Covid-19 sau khi Bộ Lao động báo cáo 26 triệu đơn xin trợ cấp thất nghiệp trong 5 tuần. Tính đến tháng 3, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ là 4,4%, mức cao nhất kể từ tháng 8/2017 đến nay. Australia và Hàn Quốc cũng báo cáo tình trạng thất nghiệp tăng mạnh do các lệnh hạn chế kiểm dịch. 

Cú sốc trong ngành dịch vụ

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 2.

Doanh số bán lẻ tại Trung Quốc (đường màu vàng) và Mỹ (đường màu xanh) lao dốc chưa từng có trong tháng 2/2020

Ngành công nghiệp dịch vụ là động lực tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm chủ yếu trong nhiều nền kinh tế bao gồm Mỹ và Trung Quốc - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nhưng cả Mỹ và Trung Quốc hiện đều báo cáo doanh số bán lẻ giảm mạnh do các biện pháp hạn chế kiểm dịch buộc các doanh nghiệp, cửa hàng đóng cửa và người dân phải cách ly tại nhà. 

Dù doanh số bán hàng trực tuyến của các trang web thương mại điện tử như Amazon (Mỹ) hay Alibaba, JD.com (Trung Quốc) đã cứu vãn phần nào mức suy giảm kỷ lục, nó vẫn không đủ bù đắp cho mức giảm đáng kể doanh số bán hàng thời trang, nội thất và nhiều lĩnh vực khác. 

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 3.

Chỉ số PMI lĩnh vực dịch vụ tại các nền kinh tế Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu đều đang nằm trong lãnh thổ tiêu cực (dưới mức trung lập 50)

Các nhà kinh tế thậm chí cảnh báo đại dịch Covid-19 có thể sẽ thay đổi hoàn toàn thói quen người tiêu dùng, trong khi nỗi sợ dịch bệnh sẽ khiến người tiêu dùng hạn chế chi tiêu ngay cả khi các chính phủ dỡ bỏ lệnh hạn chế kiểm dịch. Bằng chứng là tại Trung Quốc, dù chính phủ cho phép các nhà hàng, quán cà phê, trung tâm thương mại mở cửa trở lại nhưng tình trạng vắng khách vẫn khiến người kinh doanh lao đao.

IHS Markit thì nhấn mạnh tác động rộng lớn của dịch bệnh đến ngành dịch vụ trên toàn cầu, khi các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải, bất động sản và du lịch trải qua sự sụt giảm hoạt động lớn nhất từ trước đến nay.

Hoạt động sản xuất đình trệ

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 4.

PMI sản xuất của Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc đều nằm trong lãnh thổ tiêu cực còn PMI sản xuất của Trung Quốc chỉ mới phục hồi về mức mở rộng trong tháng 3

Các nhà sản xuất vốn đã chịu áp lực nặng nề từ thương chiến Mỹ - Trung, nay lại một lần nữa chịu tổn thất lớn khi dịch Covid-19 lan rộng ra toàn cầu. 

Đại dịch đầu tiên tấn công các nhà sản xuất phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, khi các nhà máy Trung Quốc phải đóng cửa nhiều tuần liền vì lệnh phong tỏa của chính phủ gây nên cú sốc cung trong chuỗi cung ứng. Trung Quốc sau đó mở cửa lại các nhà máy, nhưng dịch bệnh lúc này đã lây lan ra toàn cầu. Lúc này, mối lo ngại của các nhà sản xuất là việc giảm cầu tại các thị trường lớn nhất thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Châu Âu… Chịu sức ép từ cả hai phía cung và cầu, các nhà máy từ Bắc Mỹ đến Châu Á đã báo cáo sự sụt giảm sản lượng mạnh mẽ trong tháng qua. 

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 5.

Sản xuất công nghiệp tại Mỹ và Trung Quốc đều chứng kiến mức tăng trưởng giảm so với cùng kỳ năm ngoái

Kim ngạch thương mại lao dốc

Năm 2020 từng được dự đoán là năm thương mại khởi sắc khi Mỹ và Trung Quốc ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, tạm chấm dứt xung đột thương mại kéo dài hơn 1 năm giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Nhưng sự bùng phát dịch Covid-19 đã đặt dấu chấm hết cho viễn cảnh tương sáng. 

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 6.

Dự báo của WTO về kim ngạch xuất nhập khẩu của Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á năm 2020, trong đó cột màu xanh nhạt là kịch bản tích cực, còn cột xanh đậm là kịch bản bi đát nhất

Tổ chức Thương mại Thế giới WTO trong báo cáo mới nhất dự kiến kim ngạch thương mại toàn cầu giảm mạnh từ 12,9% đến 31,9% trong năm nay, tùy vào mức độ trầm trọng và thời gian kéo dài dịch bệnh.

Kinh tế toàn cầu lao đao

7 biểu đồ cho thấy đại dịch Covid-19 đã tấn công nền kinh tế toàn cầu ra sao - Ảnh 7.

Dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu của IMF với các nền kinh tế lớn trên toàn cầu, trong đó cột màu xanh nhạt là dự báo trước đại dịch và cột xanh đậm là dự báo điều chỉnh sau khi đại dịch bùng phát

Đại dịch Covid-19 tấn công nền kinh tế đã khiến nhiều nhà phân tích, tổ chức nghiên cứu cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2020.

Quỹ tiền tệ IMF dự kiến kinh tế toàn cầu suy giảm 3% trong năm nay. Chỉ một số ít các nền kinh tế như Trung Quốc, Ấn Độ được IMF dự báo tăng trưởng, nhưng mức tăng trưởng rất yếu.

Gopinath, nhà kinh tế trưởng của IMF dự báo GDP toàn cầu có thể mất hơn 9 nghìn tỷ USD trong năm 2020-2021 do cuộc khủng hoảng đại dịch, tức mức thiệt hại lớn hơn cả quy mô nền kinh tế Nhật Bản và Đức cộng lại.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục