Phó Thủ tướng: Sẽ có nhà giá rẻ cho người dân khi có Quỹ nhà ở quốc gia
Ý kiến của Phó Thủ tướng đưa ra tại phiên thảo luận ở tổ chiều nay 21/5 về dự thảo Nghị quyết cơ chế đặc thù phát triển nhà ở xã hội. Theo Phó Thủ tướng, tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất lập Quỹ nhà ở quốc gia. Đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách.
Lãnh đạo Chính phủ cho biết, Quỹ nhà ở quốc gia được lập, hoạt động phi lợi nhuận với nguồn lực chủ yếu từ ngân sách để hỗ trợ xây nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người có nhu cầu.

Nguồn vốn của quỹ này từ ngân sách và một số nguồn khác như đóng góp tự nguyện của nhà đầu tư; thu từ quỹ đất 20% xây nhà xã hội trong các dự án nhà thương mại...
"Quỹ sẽ thực hiện nhiệm vụ kiến tạo nhà xã hội, giá rẻ cho người trẻ chưa có nhà. Tức là, nhà ở xã hội là một phần đầu tư của quỹ. Quỹ hoạt động trên nguyên tắc bảo tồn, phi lợi nhuận, bởi còn nhiệm vụ đầu tư.
Phó Thủ tướng cho rằng với cơ chế hoạt động như vậy “Có thể phát triển nhà giá rẻ cho người dân".
Theo dự thảo Nghị quyết mà Chính phủ xây dựng, Quỹ nhà ở quốc gia được lập tại Trung ương và địa phương. Ở cấp trung ương, Quỹ sẽ do Bộ Xây dựng quản lý, để xây dựng một số dự án, điều hòa cho những địa phương không cân đối được ngân sách. Ở địa phương, Chủ tịch tỉnh có quyền thành lập quỹ, rồi giao Sở Xây dựng quản lý.
"Chúng tôi kỳ vọng quỹ này sẽ hỗ trợ một phần cho thúc đẩy nhà ở xã hội, nhà giá rẻ cho người thu nhập thấp, người trẻ", Phó Thủ tướng nói.
Về Quỹ nhà ở Quốc gia, tại thảo luận chiều nay, các đại biểu đều đặt câu hỏi về cơ cấu vốn, cơ chế đầu tư phi lợi nhuận, bảo vệ tài sản vốn và cơ hội tiếp cận vốn cho doanh nghiệp…. Đại biểu ông Dương Khắc Mai, Đoàn Đăk Nông cho rằng "có an cư mới lạc nghiệp, nếu chính sách có rồi, không có tiền triển khai, thủ tục kéo dài năm này qua năm khác, sẽ không hiệu quả",
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Đoàn ĐBQH TPP.HCM cho rằng, hiện một số địa phương vẫn đang duy trì hoạt động của Quỹ phát triển nhà ở tỉnh, thành phố (cụ thể như Quỹ Phát triển nhà ở TPHCM), trong đó cũng có việc thực hiện chức năng đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhưng do nguồn vốn còn hạn chế nên trong thời gian qua không có đủ nguồn lực để thực hiện đầu tư phát triển các dự án nhà ở xã hội.
Nếu Quỹ nhà ở quốc gia được thành lập tại địa phương, và vẫn tồn tại Quỹ Phát triển nhà ở tỉnh, thành phố thì cần xem xét, đánh giá để tránh sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ hoạt động của các loại Quỹ, cần quy định rõ việc tiếp tục duy trì hoặc điều chỉnh cho phù hợp, đồng thời cần tính toán để đảm bảo nguồn lực hoạt động của các loại Quỹ trong thực tế.
Góp ý vào dự thảo Nghị quyết, Đại biểu Nguyễn Như So (Đoàn Bắc Ninh) cho rằng, Nghị quyết đặt ra một số quy định, cơ chế vệ người mua nhà ở xã hội, song về mặt tài chính có tiềm ẩn rủi ro lớn cho chủ đầu tư, vì họ phải xác định giá bán từ trước khi hoàn tất công trình, trong khi các yếu tố đầu vào như giá vật liệu, nhân công, lãi vay… thường xuyên biến động.

Việc “ấn định cứng” trách nhiệm hoàn trả phần chênh lệch mà không cho phép điều chỉnh trong biên độ hợp lý là một rào cản lớn, khiến doanh nghiệp khó tiên lượng lợi nhuận, không dám đầu tư hoặc phải tính biên phòng rủi ro cao, dẫn tới tăng giá khởi điểm.
Trong khi đó, theo Luật Giá hiện hành và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở, giá bán nhà ở xã hội được xác định theo phương pháp chi phí, có tính đến lợi nhuận định mức tối đa 10%.
Vì vậy, việc quản lý giá có thể được thực hiện thông qua khung giá trần và biên độ điều chỉnh, thay vì ràng buộc chủ đầu tư phải hoàn trả toàn bộ chênh lệch dù phát sinh do yếu tố khách quan.
“Thực tiễn triển khai cho thấy, nhiều chủ đầu tư sau khi bị truy thu phần chênh lệch đã bị lỗ nặng, trong khi các khoản chi hợp lệ nhưng không được công nhận do chậm quyết toán, không được tính vào giá bán, gây tranh chấp kéo dài và mất niềm tin vào chính sách”, đại biểu So nói.
Từ đó, ông đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng: Cho phép chủ đầu tư xác định giá bán tạm thời (giá tạm tính) theo hồ sơ dự toán đã được thẩm định, ký hợp đồng với người mua trên cơ sở giá này kèm theo điều khoản điều chỉnh sau kiểm toán nếu có chênh lệch vượt ngưỡng 5%.
Đồng thời, chỉ yêu cầu hoàn trả phần chênh lệch trong giới hạn vượt biên độ cho phép, còn trong phạm vi biên độ ±5% thì không truy thu để giảm thiểu rủi ro hành chính.
“Cách làm này vừa bảo vệ người mua, vừa tạo ra sự minh bạch và công bằng về mặt tài chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư vào nhà ở xã hội”, ông So nêu ý kiến.