76 năm Ngày Quốc khánh: Phát huy sự sáng tạo để vượt qua đại dịch

PVCT Thứ năm, ngày 02/09/2021 10:26 AM (GMT+7)
Trong bối cảnh chúng ta đang phải đối phó với diễn biến rất phức tạp của đại dịch, tinh thần Ngày Quốc khánh 2/9 càng nhấn mạnh thêm giá trị truyền thống, đó là sự đoàn kết, ý chí vượt lên khó khăn, sự sáng tạo, sự tương thân tương ái, chia sẻ để tạo thành sức mạnh của dân tộc vượt qua khó khăn.
Bình luận 0

Từ tinh thần quật khởi

Theo PGS-TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: Tinh thần của Ngày Quốc khánh ngày 2/9 cách đây 76 năm rất cao, có thể nói khí thế ngút trời, toàn dân đoàn kết, ai cũng hết mình vì việc lớn. Tinh thần đó là truyền thống của dân tộc ta đã được hun đúc từ hàng nghìn lịch sử. Mỗi khi Tổ quốc gặp khó khăn, thử thách, tinh thần đó đều được phát huy mạnh mẽ.

76 năm Ngày Quốc khánh: Phát huy sự sáng tạo để vượt qua đại dịch - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm hỏi, động viên các y bác sĩ đang ngày đêm chữa trị cho người bệnh tại Bệnh viện quốc tế Becamex Bình Dương. Ảnh VGP

"Ngày hôm nay, đất nước chúng ta cũng đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19. Đây cũng được xem như kẻ thù vô cùng nguy hiểm, kẻ thù này chúng ta không nhìn thấy, không thể dùng súng đạn để chống lại được. Hậu quả của dịch không chỉ về vấn đề bệnh, tật, sức khỏe, tính mạng của người dân mà nó kéo theo khó khăn về kinh tế-xã hội. Để vượt qua khó khăn, đẩy lùi kẻ thù này thì tinh thần đoàn kết, tinh thần yêu nước, ý chí quật khởi đi lên càng cần được phát huy giống như cách đây 76 năm", PGS –TS Lê Quốc Lý nói.

Tinh thần quật khởi thể để chiến thắng dịch bệnh được thể hiện như thế nào, theo PGS-TS Lê Quốc Lý: Thứ nhất, mọi người dân phải tự giác thực hiện triệt để chủ trương của Đảng, quy định của Chính phủ, của địa phương về chống dịch.

Thứ hai, nhân rộng tinh thần quả cảm của đội ngũ trên tuyến đầu chống dịch, đó là các y, bác sĩ, lực lượng quân đội, công an, đặc biệt là lực lượng tình nguyện chống dịch.

76 năm Ngày Quốc khánh: Phát huy sự sáng tạo để vượt qua đại dịch - Ảnh 2.

PGS-TS Lê Quốc Lý, nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh. Ảnh T.A

Thứ ba, cần khơi dậy mạnh mẽ tinh thần tương thân tương ái của dân tộc mà nó đã truyền cảm hứng trong mỗi con người chúng ta. "Thời gian qua một số cá nhân đã thể hiện rất cao tinh thần này, điển hình như trường hợp anh Vũ Quốc Cường (tức Cường béo ở TP.HCM). Anh đã xả thân đi giúp đồng bào gặp khó khăn trong đại dịch nhưng không may bị Covid-19 và qua đời. Những hành động như trường hợp anh Cường cần phải được đẩy lên thành cao trào trong bối cảnh này", nguyên Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói.

Đến phát huy sáng tạo

Vẫn theo PGS-TS Lê Quốc Lý, trong Cách mạng Tháng Tám, Đảng ta đã thực hiện nhuần nhuyễn tinh thần đoàn kết dân tộc và đảm bảo lợi ích cho người dân. Thời điểm đó chúng ta đã phá kho thóc của Nhật đã cứu đói cho người dân, sau đó hàng loạt các hoạt động tương thân, tương ái vì người nghèo… Còn biểu hiện của ngày hôm nay đó chính là sự quan tâm đến người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thì phải khơi dậy mạnh mẽ sự chung tay, góp sức của các tầng lớp nhân dân.

"Bên cạnh việc chống dịch thì chúng ta vẫn phải làm kinh tế thì mới đảm bảo cho cuộc sống của người dân cũng như công tác chống dịch. Làm thế nào để hợp lý thì người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược và tổng thể để đưa ra giải pháp. Chúng ta cần phát huy tinh thần sáng tạo trong hoàn cảnh khó khăn.

Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, của Chủ tịch nước, của Thủ tướng Chính phủ trong phòng, chống dịch Covid-19 đều chứa đựng và phát huy những giá trị truyền thống quý báu của dân tộc. Trong đó, Thủ tướng nhấn mạnh sự phân cấp, phát huy tinh thần sáng tạo của các địa phương, tổ chức, cá nhân.

Quay lại bài học của Cách mạng Tháng Tám, chúng ta thành công được cũng chính nhờ sự sáng tạo. Sáng tạo từ Trung ương đến địa phương, từ lãnh đạo cấp cao đến lãnh đạo cấp cơ sở đã sáng tạo để hành động trong những hoàn cảnh cụ thể. Ngày nay chúng ta cũng cần phát huy tinh thần sáng tạo của các tổ chức Đảng, của chính quyền, các đoàn thể và của nhân dân để tìm ra cách xử lý hay nhất, hợp lý nhất để chống được dịch, đồng thời phát triển được kinh tế để đảm bảo đời sống của nhân dân một cách tốt nhất", PGS-TS Lê Quốc Lý nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem