8X Ninh Bình làm sống lại làng gốm Bồ Bát cổ xưa, tương truyền làng này có tuổi đời 3.500 năm

Vũ Thượng Thứ năm, ngày 27/07/2023 18:55 PM (GMT+7)
Nghệ nhân Phạm Văn Vang (sinh năm 1981, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) được xem là người đầu tiên làm sống lại nghề gốm Bồ Bát cổ xưa, sau 3.500 năm. Ngoài ra, làng gốm Bồ Bát ở Ninh Bình còn là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng nổi tiếng ngày nay.
Bình luận 0

Lịch sử nghề gốm Bồ Bát

Nghề gốm cổ Bồ Bát cách đây khoảng 3.500 năm bắt nguồn từ làng Bạch Bát-Bồ Xuyên, chấn Thanh Hoa thuộc Ái Châu xưa, nay là làng Bạch Liên (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình).

Clip: Nghệ nhân Phạm Văn Vang chia sẻ về Lịch sử nghề gốm Bồ Bát. Làng cổ Bồ Bát xưa nay thuộc xã Yên Thành (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình)

Nghệ nhân Phạm Văn Vang (xã Yên Thành, huyện Yên Mô) cho biết: "Làng gốm Bồ Bát (thời đó thuộc phủ Trường Yên) trong quá trình khai quật, ghi chép từ các dòng họ…chứng minh nghề gốm Bồ Bát có cách đây khoảng 3.500 năm".

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 2.

Nghệ nhân Phạm Văn Vang (xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đứng cạnh sản phẩm gốm Bồ Bát. Ảnh: Vũ Thượng

"Gốm Bồ Bát phát triển mạnh nhất vào thời vua Đinh Bộ Lĩnh (tức Đinh Tiên Hoàng đế) dẹp loạn 12 sứ quân. Ngay khi lên ngôi, Đinh Tiên Hoàng đã đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt, dời Kinh ấp về động Hoa Lư, bắt đầu dựng đô mới, đắp thành đào hào, xây cung diện,...

Lúc đó, người thợ gốm Bồ Bát được vua Đinh đưa lên làm gạch để xây kinh đô Hoa Lư. Ngoài ra, sản phẩm gốm Bồ Bát còn được vua Đinh Tiên Hoàng đưa đi các nước", nghệ nhân Vang cho biết.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 3.

Những người thợ gốm Bồ Bát tại xã Yên Thành, huyện Yên Mô. Ảnh: Vũ Thượng

Theo nghệ nhân Vang, dấu hiệu nhận biết đồ gốm Bồ Bát thông qua sắc gốm trắng độc đáo, ít loại gốm nào có được. Cùng với tay nghề điêu luyện của những người thợ của làng Bồ Bát, làng gốm nổi tiếng qua nhiều thời kỳ.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 4.

Dấu hiệu nhận biết sản phẩm gốm Bồ Bát thông qua sắc gốm trắng. Ảnh: Vũ Thượng

Qua tìm hiểu, năm 1.010 vua Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long. Lúc này, những nghệ nhân giỏi của làng gốm Bồ Bát đã theo triều đình về Thăng Long, định cư ở vùng ven sông Hồng, nơi có vùng đất sét tốt để sản xuất gốm sứ và tạo nên làng gốm sứ Bát Tràng nổi tiếng ngày nay.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 5.

Làng gốm Bồ Bát còn là “tổ nghề” của làng gốm Bát Tràng nổi tiếng ngày nay. Ảnh: Vũ Thượng

Sau khi những người thợ gốm giỏi về Thăng Long, làng gốm Bồ Bát bấy giờ chỉ còn ít người giữ được nghề. Đến thế kỷ XVII hầu như nghề gốm của làng bị lãng quên theo thời gian, và mai một, thất truyền từ đó.

8X gây dựng lại nghề gốm cổ

Tưởng chừng nghề gốm Bồ Bát bị "thất truyền", nhưng năm 2005, nghệ nhân Phạm Văn Vang (sinh năm 1981, xã Yên Thành, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã tìm hiểu và gây dựng lại nghề gốm cổ.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 6.

Khu vực sản xuất gốm Bồ Bát tại cơ sở nghệ nhân Phạm Văn Vang (xã Yên Thành, huyện Yên Mô). Ảnh: Vũ Thượng

Chia sẻ với Báo điện tử DANVIET.VN, nghệ nhân Phạm Văn Vang nói: "Khi tôi lớn lên thì được nghe kể lại rất nhiều câu chuyện về nghề gốm làng Bạch Bát. Qua đó, tôi tìm thêm tài liệu có liên quan đến làng nghề gốm cổ này để đọc, nghiên cứu…".

"Sau một thời gian tôi nhận thấy bản thân cần phải "hồi sinh" nghề gốm một thời vang danh này. Vì thế, tôi quyết định ra Bát Tràng (Hà Nội) để học nghề với quyết tâm gây dựng lại nghề gốm có từ nhiều đời nay", nghệ nhân Vang thổ lộ.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 7.

Các sản phẩm gốm Bồ Bát được người thợ tạo nên. Ảnh: Vũ Thượng

Cũng theo nghệ nhân 8X, loại đất sét làm ra gốm Bồ Bát được lấy ở các đồi xung quanh khu vực xã Yên Thành (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình), đây cũng là nơi xa xưa cha, ông làng Bồ Bát lấy đất làm gốm cổ.

Với đôi bàn tay khéo léo của người thợ, đất được tạo dáng, vuốt tay, be trạch trên bàn xoay ra các bình hoa, lọ, chén bát đĩa, chuông gió, tranh mỹ nghệ, tượng gốm nghệ thuật…được nhiều người ưa thích.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 8.

Các họa tiết trên các sản phẩm gốm Bồ Bát được nghệ nhân vẽ thủ công. Ảnh: Vũ Thượng

Gốm Bồ Bát hồi sinh bởi chất gốm có màu men trắng, rắn, sản phẩm làm ra được người thợ gốm dành hết tâm huyết khi phải trải qua nhiều công đoạn như chọn, xử lý và pha chế đất, tạo hình, sửa dáng, vẽ, tráng men, nung…

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 9.

Người thợ gốm Bồ Bát luôn dành hết tâm huyết vào sản phẩm của mình. Ảnh: Vũ Thượng

Hiện nay, cơ sở sản xuất gốm ở Bồ Bát của nghệ nhân Phạm Văn Vang có diện tích  6.000 m2, với 20 người thợ làm việc mỗi ngày. Được biết, nghệ nhân Vang trả lương theo tay nghề từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 10.

Cận cảnh sản phẩm gốm Bồ Bát. Ảnh: Vũ Thượng

Các sản phẩm gốm Bồ Bát từ cơ sở nghệ nhân Phạm Văn Vang sản xuất và phát triển đều là các sản phẩm lưu niệm, quà tặng gắn với các hình ảnh du lịch đặc trưng của tỉnh Ninh Bình như: Cố đô Hoa Lư, Danh thắng Tràng An, chùa Bái Đính,…

8X Ninh Bình “hồi sinh” làng gốm Bồ Bát sau 3.500 năm - Ảnh 11.

Gốm Bồ Bát, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia 2015. Ảnh: Vũ Thượng

Được biết, năm 2015 sản phẩm gốm Bồ Bát được Bộ Công thương vinh danh trong Lễ công bố và tôn vinh sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp quốc gia. Năm 2020, sản phẩm gốm Bồ Bát được UBND tỉnh Ninh Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem