ACB của ông Trần Hùng Huy lãi hơn 5.500 tỷ, thu nhập bình quân “khiêm tốn” 12,5 triệu đồng/tháng
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) của ông Trần Hùng Huy vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2019 với con số lợi nhuận sau thuế 9 tháng lên tới 4.448 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đóng góp vào sự tăng trưởng lợi nhuận của ACB là sự tăng trưởng tại nhiều lĩnh vực tín dụng và dịch vụ. Trong đó, mảng kinh doanh cốt lõi của ngân hàng là thu nhập từ hoạt động tín dụng mang về cho ACB 8.782 tỷ, tăng 18% so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 31% đạt 1.410 tỷ.
Ngoài ra, mảng chứng khoán kinh doanh chuyển từ trạng thái âm 47 tỷ của cùng kỳ năm ngoái sang lãi thuần 74 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm nay. Chứng khoán đầu tư cũng mang về cho ACB khoản lãi thuần lên tới 4 tỷ đồng.
Ngược lại, hoạt động kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán kém khả quan hơn, chỉ có lãi lần lượt là 291 tỷ và 77 tỷ, giảm 5,5% và 44,2% so với cùng kỳ.
Ở chiều ngược lại, lãi từ kinh doanh ngoại hối 9 tháng giảm nhẹ xuống còn 291 tỷ đồng. Lãi từ hoạt động khác cũng giảm 22,4% xuống 697 tỷ. Kết quả, tổng thu nhập hoạt động trong kỳ của ACB đạt 11.287 tỷ, tăng 14%.
Mặc dù vậy, do chi phí hoạt động trong kỳ của ACB đạt 5.565 tỷ, tăng nhanh tới 25,6% so với cùng kỳ năm 2018 khiến cho lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của ACB chỉ còn tăng nhẹ 5,3%, đạt 5.723 tỷ.
Đáng chú ý, chi phí dự phòng rủi ro giảm mạnh 75% xuống còn 162 tỷ đồng. Nhờ vậy, lợi nhuận trước thuế của ACB trong 9 tháng vẫn tăng 16,4%, đạt 5.561 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của ACB ở mức 358.175 tỷ đồng, tăng 8,8% so với hồi đầu năm. Dư nợ cho vay đạt 256.052 tỷ đồng, tăng 11%.
Về nguồn vốn, vốn chủ sở hữu của ACB đến hết ngày 30/9/2019 ở mức 25.364 tỷ đồng, tăng 21% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng ở mức 298.007 tỷ đồng, tăng 10%. Ngoài ra, ACB đẩy mạnh huy động thông qua phát hành trái phiếu, danh mục phát hành giấy tờ có giá của ngân hàng cuối tháng 9 đạt 18.536 tỷ đồng, tăng 123,6% so với đầu năm.
Cũng tại cuối quý III/2019, nợ xấu của ACB là 1.704 tỷ đồng, tăng 29 tỷ so với đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) giảm từ 338 tỷ tại thời điểm cuối năm 2018 xuống còn 225 tỷ tại thời điểm 20/9/2019. Ngược lại, nợ nhóm 3 và nhóm 5 (nợ dưới tiêu chuẩn và nợ có khả năng mất vốn) tăng lần lượt là 67% và 2%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay khách hàng giảm từ 0,73% xuống còn 0,67%.
Tổng số nhân viên của ACB tại thời điểm 30/9 là 10.922 người. Trong khi, chi phí lương và phụ cấp 9 tháng của nhà băng này đã chi ra là trên 1.232 tỷ đồng. Như vậy, thu nhập bình quân nhân viên tại ACB vào khoảng 12,5 triệu đồng/người/tháng.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng TMCP Á Châu (mã ACB) do ông Trần Huy Hùng làm chủ tịch mới đây cũng vừa thông báo chốt ngày bán cổ phiếu quỹ. Theo đó, ngân hàng này sẽ thực hiện bán hơn 35,2 triệu cổ phiếu quỹ trong thời gian từ 30/10 – 29/11/2019 theo phương thức khớp lệnh, thoả thuận trên sàn.
Với tổng số cổ phiếu quỹ nắm giữ trước khi thực hiện giao dịch trên 41,42 triệu cổ phiếu, nếu bán thành công trên 35,2 triệu cổ phiếu quỹ đăng ký, số lượng còn lại là 6,22 triệu cổ phiếu quỹ.
Theo ACB, mục đích bán hơn 35,2 cổ phiếu quỹ lần này là để tăng nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh. Giá giao dịch không thấp hơn 23.100 đồng/cổ phiếu. Nguyên tắc xác định giá tối thiểu theo giá thị trường trung bình trong 20 ngày trước ngày giao dịch.
Ước tính với mức giá tối thiểu là 23.100 đồng/cổ phiếu, tổng giá trị mà ACB dự kiến thu về hơn 813 tỷ đồng. Hiện tại, thị giá trên sàn của ACB đang xoay quanh mức 23.500 đồng/cổ phiếu.
Trước đó, ACB của chủ tịch 8x Trần Huy Hùng cũng từng thông báo về việc bán 6,2 triệu cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng, phân phối cho nhân viên. Giá bán là 16.072 đồng/cổ phiếu, tương đương với tổng giá trị giao dịch khoảng 100 tỷ.