ACB tự tin với kế hoạch “chia cổ tức” 30% năm 2019?

Quốc Hải Thứ ba, ngày 09/04/2019 18:30 PM (GMT+7)
Thoát khỏi “cái bóng” của bầu Kiên và lần đầu tiên lợi nhuận đạt mức đỉnh lợi nhuận kể từ khủng hoảng năm 2012, Ngân hàng TMCP Á Châu (HNX: ACB) đã tự tin với kế hoạch kinh doanh “khủng” năm 2019…
Bình luận 0

img

Thoái khỏi "cái bóng" bầu Kiên, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) đang trở lại đường đua (Ảnh: IT)

Theo kế hoạch mà ACB dự kiến sẽ đưa ra xin ý kiến tại Đại hội đồng Cổ đông thường niên 2019 ngày 23.4 tới, nhà băng này có kế hoạch tăng vốn lên trên 16.627 tỷ đồng thông qua việc phát hành thêm cổ phiếu (tối đa 374,1 triệu cổ phiếu) để trả cổ tức với mức 30% (20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt) trong năm nay.

Dự kiến tăng trưởng tín dụng 13%

Theo Báo cáo Tài chính Kiểm toán được công bố, 2018 là năm kinh doanh đầu tiên của ACB kể từ khủng hoảng từ năm 2012, lợi nhuận của nhà băng này đã vượt qua mức đỉnh năm 2011. Cụ thể, đến cuối năm 2018, quy mô tổng tài sản đạt của ACB đạt 329.000 tỷ đồng, tăng thêm 16% so với cuối năm 2017. Quy mô vốn huy động đạt 270.000 tỷ đồng, tăng 12% và hoàn thành 95% kế hoạch. Dư nợ tín dụng đạt 231.000 tỷ đồng, tăng trưởng 16%.

Lợi nhuận trước thuế năm 2018 của ACB sau trích lập dự phòng đạt 6.389 tỷ đồng, trong đó thu nhập lãi tăng 23%. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ được duy trì ở mức 0,73%. Tỷ lệ nợ từ nhóm 2 đến nhóm 5 giảm từ 0,93% về mức 0,89%. Tỷ lệ ROA và ROE đạt lần lượt 1,7% và 27,7%. Tỷ lệ an toàn vốn đạt 12,81%, tỷ lệ dự trữ thanh khoản đạt 22,85%, tỷ lệ tối đa của nguồn vốn ngắn hạn sử dụng để cho vay trung dài hạn là 32,63%.

Như vậy, sau 6 năm kể từ “biến cố” năm 2012, ACB đã trở lại “đường đua” khi lợi nhuận vượt mức ‘đỉnh’ đạt được năm 2011 (4.200 tỷ đồng). Đây cũng là năm ACB tự tin với kế hoạch kinh doanh năm 2019 và tỷ lệ chia cổ tức cao tới 30%.

Cụ thể, ACB sẽ trình lên cổ đông kế hoạch kinh doanh năm nay với tổng tài sản tăng 15%, tín dụng tăng 13% theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước phân bổ ngày 14.3.2019, tiền gửi khách hàng tăng 15%, nợ xấu dưới 2% và lợi nhuận trước thuế khoảng 7.279 tỷ đồng, tương đương tăng trưởng 13%.

Về phân phối lợi nhuận năm 2018, ACB dự kiến chia cổ tức năm 2018 bằng cổ phiếu với tỷ lệ 30%. Kế hoạch cổ tức 2019 cũng ở mức tương ứng là 30%, trong đó 20% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Theo đó, với kế hoạch chia cổ tức năm 2018, ACB dự kiến phát hành thêm tối đa 374,1 triệu cổ phiếu trong năm 2019, vốn điều lệ tối đa dự kiến tăng thêm là 3.741 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ ngân hàng lên 16.627 tỷ đồng sau phát hành. Số cổ phiếu này sẽ được phát hành từ nguồn lợi nhuận giữ lại sau khi phân phối (4.338 tỷ đồng).

img

Kế hoạch kinh doanh năm 2019 của ACB

Ngoài ra, ACB cũng sẽ trình cổ đông phương án bán tối đa hơn 6,2 triệu cổ phiếu quỹ để làm cổ phiếu thưởng, phân phối cho người lạo động ngay trong năm 2019. Theo đó, với mệnh giá 10.000 đồng/CP, giá bán dự kiến sẽ không thấp hơn giá vốn bình quân của cổ phiếu quỹ là 16.072 đồng/CP. Như vậy, tổng giá trị cổ phiếu quỹ bán ra tính theo mệnh giá dự kiến hơn 62,2 tỷ đồng, tổng giá trị giao dịch cổ phiếu tính theo giá bán dự kiến là 100 tỷ đồng (giá giao dịch cổ phiếu ACB thời điểm kết thúc phiên giao dịch ngày 9.4 là 30.800 đồng/CP).

Chính thức thoát khỏi “cái bóng” bầu Kiên

Điểm lại một chút thông tin về “bóng dáng” bầu Kiên tại ACB, còn nhớ, thời điểm cuối tháng 8.2012 (ngày 21.8.2012, Bầu Kiên - nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập ACB - bị bắt). Khi đó, “di sản” mà bầu Kiên để lại cho ACB thời điểm cuối năm 2012 được các cơ quan chức năng xác định là những khoản nợ xấu hàng nghìn tỷ đồng của 6 công ty liên quan với con số lên tới hơn 9.400 tỷ đồng, với tài sản đảm bảo gồm số dư tiền gửi, cổ phiếu, bất động sản và vàng.

Chính các khoản nợ xấu này đã “bào mòn” lợi nhuận của ACB trong vòng 6 năm liên tiếp.

Cụ thể, từ con số 4.200 tỷ đồng lợi nhuận năm 2011, ACB giảm chỉ còn 1.043 tỷ đồng lợi nhuận (năm 2012), rồi xuống 1.035 tỷ đồng (năm 2013), 1.215 tỷ đồng (năm 2014), 1.314 tỷ đồng (năm 2015), và vươn lên 1.667 tỷ đồng (năm 2016).

Bước sang năm 2017, lợi nhuận của ACB được cải thiện khi tăng lên 2.656 tỷ đồng. Đặc biệt, dư nợ của nhóm 6 công ty liên quan đến bầu Kiên giảm chỉ còn 616 tỷ đồng.

Riêng trong Báo cáo Tài chính Kiểm toán năm 2018, ACB không còn thuyết minh về khoản mục "Dư nợ Nhóm sáu công ty" như những năm trước. Thay vào đó, số liệu này chỉ còn ghi nhận ở phần phải thu khác với giá trị chỉ còn 135 tỷ đồng.

Không chỉ giải quyết các khoản nợ liên quan đến bầu Kiên, ACB hiện tại cũng không còn “cái bóng” của bầu Kiên như những năm trước khi vai trò quản trị của bầu Kiên và những người liên quan với ACB cũng không như trước.

Cụ thể, theo công bố tại phiên họp thường niên năm 2018, trong đơn đề cử nhân sự nhiệm kỳ 2018 - 2023, nhóm cổ đông có liên quan đến Bầu Kiên dù sở hữu 10,45% vốn của ngân hàng, tương đương khoảng 117,6 triệu cổ phần, nhưng không còn giữ vị trí nào trong Hội đồng Quản trị, Ban điều hành hay Ban kiểm soát ngân hàng. Một số đại diện được cho là “thay mặt” cho bầu Kiên tại ACB như ông Nguyễn Duy Hưng đã không được phê duyệt vào danh sách bầu thành viên HĐQT ngân hàng nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Riêng bà Đặng Ngọc Lan (vợ Bầu Kiên), từng là người đại diện cho bầu Kiên tại ACB với vị trí Phó ban Kiểm tra Kiểm soát nội bộ và Chủ tịch công đoàn nhưng hiện tại bà Lan cũng không còn đảm nhiệm vị trí nào tại ngân hàng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem