Achraf Hakimi: Tại sao không chọn khoác áo Tây Ban Nha, mà lại là Maroc?

Chủ nhật, ngày 11/12/2022 16:10 PM (GMT+7)
ĐT Maroc đang viết nên câu chuyện cổ tích ở hành trình World Cup 2022. Trong câu chuyện ấy, Achraf Hakimi xứng đáng có một góc nhỏ cho riêng mình.
Bình luận 0

Con trai người nhập cư bất hợp pháp 

Chiều thứ 7 (10/12), hàng triệu người Maroc đã tạm nghỉ công việc thường ngày để ngồi trước màn hình tivi theo dõi khoảnh khắc lịch sử của bóng đá nước nhà. Trước ứng viên hàng đầu cho chức vô địch, Maroc đã thi đấu kiên cường và giành thắng lợi với tỷ số 1-0, qua đó đoạt vé vào bán kết World Cup 2022. Họ chính là đại diện châu Phi đầu tiên góp mặt ở vòng 4 đội mạnh nhất ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh. Giống như 4 trận trước đó, Achraf Hakimi tiếp tục là một trong những nhân tố chơi nổi bật nhất, là điểm tựa giúp các đồng đội tự tin chơi bóng trước đối thủ.

Trong số 36 triệu người Maroc ăn mừng như ngày giành độc lập, đồng thời trải qua một đêm không ngủ, một người đàn ông trung niên mái tóc điểm bạc với nụ cười mãn nguyện, hiền từ không ngớt khoe về chiến tích của con trai ông. Người đàn ông 54 tuổi nói rằng mình là Hassan Hakimi, cha của Achraf Hakimi - người hùng của “Sư tử Atlas”.

Hakimi - Từ giấc mơ thoát nghèo đến ngôi sao World Cup - Ảnh 1.

Hakimi bên cha mẹ, những người Morocco nhập cư vào Tây Ban Nha.

Nhấp một ngụm trà bạc hà, trong niềm hân hoan chiến thắng, ông Hassan kể lại về cuộc đời mình, về hành trình nhà Hakimi từ những kẻ nhập cư bất hợp pháp, hôm nay đã có một cuộc sống sung túc ở xứ sở đấu bò. Cuộc sống hạnh phúc hôm nay là niềm may mắn, là câu chuyện cổ tích mà ông Hassan trong cơn mộng mị cũng chẳng dám mơ về. 

Ông Hassan Hakimi và vợ - bà Saida đến từ vùng Atlas, một dãy núi khổng lồ ngăn cách sa mạc Sahara với Địa Trung Hải và Đại Tây Dương. Năm 1988, khi cả hai chỉ mới 20 tuổi, cuộc sống khó khăn nơi quê nhà buộc họ phải bỏ xứ ra đi. Băng qua những chuyến phà chật như nêm cối, những chuyến xe đò của dân nhập cư bất hợp pháp mà họ chỉ dám chạy vào ban đêm, ông Hassan và bà Saida đến được Getafe - đô thị thuộc cộng đồng Madrid.

Thời gian đầu ở Tây Ban Nha thật chật vật với cả hai. Rồi vài năm sau, ba anh em Achraf, Nabil và Widad lần lượt chào đời. Cuộc sống của những người nhập cư bất hợp pháp vốn đã khó khăn, nay lại càng trở nên thống khổ. 

Để nuôi nấng gia đình ngày càng đông miệng ăn, ông Hassan nai lưng ra làm đủ mọi công việc, từ bán quần áo, bán trái cây trên những gánh hàng rong ở các quảng trường, những khu chợ đông đúc tại Madrid. Ngày ngày, ông băng qua quãng đường hơn 2 chục cây số để vào khu trung tâm, rồi từ đó đổ đi muôn nẻo đường trên những hành trình bất định hàng trăm km. Bà Saida phụ giúp chồng bằng công việc của người dọn dẹp nhà cửa, nay làm nhà này mai đến nhà khác, mà cũng lắm lúc chơi dài vì không có việc.

Bóng đá, con đường thoát nghèo

Trong một lần bộc bạch trước thềm VCK World Cup 2022, Achraf Hakimi nói về cuộc đời mình, về gia đình và những thứ thuộc về anh. Achraf chưa bao giờ cảm thấy xấu hổ về gốc gác của mình, và không bao giờ nghĩ rằng công việc mà cha mẹ mình đang làm là thấp hèn. 

Achraf Hakimi của hôm nay đã trở thành siêu sao trị giá 70 triệu euro của PSG, hưởng mức lương mà mọi cầu thủ đều phải mơ ước. Và hãy xem cách anh nói về gốc gác của mình: “Mẹ tôi dọn dẹp nhà cửa thuê. Cha tôi bán hàng rong. 

Thật may mắn trong đời, tôi có người cha người mẹ yêu thương và nỗ lực vì tương lai của con cái. Việc tôi có thể chơi bóng là nỗ lực và sự hy sinh của gia đình. Anh em tôi cũng dành cho tôi nhiều điều tốt đẹp nhất mà họ có. Gia đình tôi nghèo, nghèo lắm, vì chúng tôi chỉ là dân nhập cư. Và họ chính là động lực để tôi chiến đấu trong từng buổi tập, trong mỗi lần được bước ra sân”.

Mỗi ngày, trên chiếc Renault 21 đời... 1986 cổ hơn cả chữ cổ, đến nỗi tấm kính cửa bay mất phải chắn tạm bằng tấm bìa carton, ông Hassan chở Achraf đến khu tập luyện Valdebebas của Real Madrid. Đều đặn như thế suốt từ năm cậu bé Achraf 9 tuổi, đến mãi những năm về sau. Chỉ đến khi kinh tế gia đình bớt khó khăn, ông Hassan mới dám nâng đời xe.

Những nỗ lực của cả gia đình đã được đền đáp xứng đáng. Achraf Hakimi của hôm nay đã trở thành biểu tượng của thế giới Arab, là niềm tự hào của bóng đá châu Phi. Có thể không ghi nhiều dấu ấn nhưng Hakimi thuộc thành phần vô địch Champions League 2017/18 cùng gã khổng lồ Real Madrid, giành nhiều danh hiệu lớn khác. 

Hakimi - Từ giấc mơ thoát nghèo đến ngôi sao World Cup - Ảnh 2.

Vượt qua xuất phát điểm khó khăn, Achraf Hakimi đã vươn đến thành công.

Tròn 10 năm ăn tập ở lò Real Madrid, 3 mùa giải chơi cho đội một của đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha, Achraf thực sự đã giúp gia đình nhà Hakimi không chỉ thoát nghèo mà còn bước sang một trang mới. Ông Hassan - người đàn ông bán hàng rong năm xưa và bà Saida - người phụ nữ tần tảo dọn nhà thuê trong hàng thập kỷ, giờ đây sống trong căn biệt thự khang trang ở Getafe. Họ không còn là những người nhập cư bất hợp pháp nữa, mà thậm chí còn có 2 quốc tịch Tây Ban Nha và Maroc.

Nhờ vào tài năng của Achraf, cuộc sống gia đình Hakimi thay đổi toàn diện. Vợ anh - Hiba Abouk là một nữ diễn viên nổi tiếng gốc Tunisia. Anh trai Nabil Hakimi đang chơi cho Getafe, còn cậu em út Widad theo học đại học. Dĩ nhiên, sẽ chẳng có một cuộc sống sung túc nhung lụa như thế, nếu Hakimi không tìm thấy mình trong bóng đá. 

Và còn nữa, sự nổi tiếng của họ còn vượt qua cả lãnh địa bóng đá. Anh hiện diện trên Tạp chí Vogue phiên bản Arab, trở thành hình mẫu cho những đứa trẻ ở châu Phi. Khi cần tìm một tấm gương, một điểm tựa cho nỗ lực thoát nghèo của những cậu bé chân trần chơi bóng ở lục địa đen, Achraf Hakimi sẽ luôn là biểu tượng.

Về phần mình, Achraf Hakimi đã có cơ hội khoác áo ĐT Tây Ban Nha, và lẽ ra đội bóng xứ sở đấu bò không phải ôm hận ở vòng knock-out vừa qua. Bởi lẽ, gia đình họ đã định cư ở nơi này từ suốt năm 1988, cả ba anh em nhà Hakimi đều sinh ra ở nơi này. Dù vậy, Achraf thổ lộ rằng anh không thấy mình thuộc về nơi này, và tổ quốc Maroc luôn vẫy gọi anh. 

Achraf Hakimi hồi tưởng: “Tôi đã tập trung cùng đội ở Las Rozas một vài ngày nhưng không cảm thấy thoải mái. Tôi không được tự nhiên chơi bóng như bình thường. Có lẽ nguyên nhân là do sự bất đồng về văn hóa. Tôi là người Ả-rập, là người Maroc. Vì thế, tôi đã quyết định chọn cống hiến cho quê hương Maroc”.

Hoành Bồ (Theo Bóng đá Plus)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem