Agribank hoạt động ra sao dưới thời ông Trịnh Ngọc Khánh?

02/11/2019 07:05 GMT+7
Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), vừa chính thức nghỉ hưu theo chế độ kể từ ngày 1/11. Lợi nhuận và nợ xấu là những điểm sáng trong hơn 5 năm ngồi "ghế nóng" tại nhà băng này của ông Khánh. Trong khi, cổ phần hóa và câu chuyện tăng vốn vẫn còn "ngổn ngang".

Ngày 31/10/2019, tại trụ sở chính Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giao nhiệm vụ điều hành hoạt động HĐTV Agribank đối với ông Phạm Hoàng Đức, Thành viên HĐTV từ ngày 01/11/2019.

Theo đó, ông Phạm Hoàng Đức, thành viên HĐTV được NHNN giao nhiệm vụ điều hành HĐTV Agribank kể từ ngày 01/11/2019, thời điểm ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV bắt đầu nghỉ hưu theo chế độ.

Được biết, ông Trịnh Ngọc Khánh bắt đầu làm việc tại Agribank từ năm 1993, giữ chức Tổng giám đốc từ tháng 4/2013 đến tháng 6/2014. Từ tháng 6/2014 ông Khánh giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng Thành viên Agribank cho đến hết ngày 30/10/2019.

Ông Trịnh Ngọc Khánh ngồi "ghế nóng" vào thời điểm Agribank bước vào giai đoạn ráo riết tái cơ cấu vì bộc lộ nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh và hàng loạt cựu lãnh đạo của ngân hàng này bị bắt. Tuy vậy, Agribank dưới sự điều hành của ông Khánh trong 5 năm qua đã có những chuyển biến rõ rệt, điều dễ nhận thấy nhất đó là nợ xấu và lợi nhuận. 

Những điểm nhấn tích cực

BIẾN ĐỘNG QUY MÔ TÀI SẢN VÀ VỐN ĐIỀU LỆ CỦA AGRIBANK

Trong giai đoạn hơn 5 năm ông Trịnh Ngọc Khánh giữ Chủ tịch Hội đồng Thành viên, tổng tài sản của Agribank đã có sự thay đổi đáng kể từ mức 873 nghìn tỷ (năm 2015) đến nay tổng tài sản của Agribank đã đứng thứ 2 hệ thống với trên 1,3 triệu tỷ đồng, chỉ sau "ông lớn" BIDV. 

Tuy nhiên, vốn điều lệ của nhà băng này chỉ tăng nhanh trong giai đoạn 2015 - 2017 và sau đó có phần chững lại. Tính đến 30/9, vốn điều lệ của Agribank gần 30,5 nghìn tỷ đồng. Đây cũng là mức vốn điều lệ thấp nhất trong 4 ngân hàng thương mại Nhà nước bao gồm  Vietcombank, Vietinbank, BIDV và Agribank. 

Vốn điều lệ thấp dẫn đến tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu tiệm cận mức tối thiểu theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Do vậy, nếu không được cấp vốn bổ sung, Agribank chỉ có thể tăng trưởng tín dụng đến hết quý I năm 2020 mặc dù có nhu cầu đầu tư cho nền kinh tế và khả năng nguồn của Agribank hoàn toàn có thể đáp ứng.

Agribank dưới thời ông Khánh - Ảnh 3.

Quy mô tài sản tăng tới trên 50% trong hơn 5 năm vừa qua, còn nếu so với đầu năm 2014, quy mô tài sản của Agribank đã tăng gấp đôi.

Cùng với đó, dự nợ cho vay của Agribank dưới thời cựu Chủ tịch Trịnh Ngọc Khánh cũng tăng trưởng lên tới 1,05 triệu tỷ đồng (theo báo cáo tài chính riêng lẻ của Agribank quý II/2019). Trong đó có tới 70% dành cho "tam nông". 

Agribank dưới thời ông Khánh - Ảnh 3.

Hoạt động kinh doanh của Agribank

Huy động vốn của Agribank tăng nhanh kể từ năm 2015 cho tới năm 2017 và có phần chững lại trong năm 2018 với mức tăng trưởng 9,7%. Tính đến tháng 6/2019, huy động vốn của ngân hàng này tăng 6,4% so với đầu năm, đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng - thuộc Top cao nhất hệ thống ngân hàng.

Agribank dưới thời ông Khánh - Ảnh 4.

Hoạt động kinh doanh của Agribank (tổng hợp BCTC)

 Về chỉ tiêu lợi nhuận, tính đến tháng 9/2019 lơi nhuận trước thuế của Agribank chính thức "vượt mặt" nhiều ngân hàng và trở thành á quân lợi nhuận 9 tháng đầu năm 2019 với 9.700 tỷ đồng. Kết quả này cũng gấp 2,6 lần so với kết quả đạt được trong năm 2015. Bình quân, mỗi năm lợi nhuận trước thuế của Agribank tăng trưởng trên 32% trong vòng 5 năm qua. Lợi nhuận sau thuế cũng đạt mức tăng trên 2 lần tính đến cuối tháng 6/2019.


Được mệnh danh là "quán quân" nợ xấu vào năm 2015 bởi nếu tính cả nợ xấu đã bán cho VAMC thì tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này nằm ở mức 10,7%. Thế nhưng đến tháng 9/2019, tỷ lệ nợ xấu cả nội và ngoại bảng của Agribank đã về dưới 2% - sớm hơn lộ trình đề ra là hơn 01 năm. Đáng chú ý, trong vòng 5 năm ngân hàng này cũng đã "sạch" nợ tại VAMC trước thời hạn.

"Ngổn ngang" trước hạn chót cổ phần hóa

Hiện nay Agribank vẫn còn 2 mục tiêu quan trọng chưa hiện thực hóa bao gồm tăng vốn và cổ phần hóa. 

Theo chia sẻ của lãnh đạo Agribank, nếu không có sự hỗ trợ tích cực của các bộ ngành và Chính phủ thì chắc chắn Agribank sẽ khó có thể thực hiện. 

Đặc biệt với câu chuyện cổ phần hóa của Agribank, ngày 15/8/2019 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020. 

Theo đó, Agribank phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp vào năm 2020. Tuy nhiên, do sự khác biệt về quy mô tài sản, mạng lưới, con người cũng như thực tế về việc phê duyệt Phương án sắp xếp, xử lý cơ sở nhà, đất của Agribank hiện nay thì việc thực hiện đúng tiến độ cổ phần hóa là hết sức khó khăn. 

(Infographic) Dấu ấn của ông Trịnh Ngọc Khánh thời đương nhiệm tại Agribank - Ảnh 6.

Agribank còn "ngổn ngang" trước hạn chót cổ phần hóa

Trước đó vào cuối tháng 8/2018, ông Trịnh Ngọc Khánh từng chia sẻ, Agribank đã chuẩn bị cho quá trình cổ phần hoá và chỉ đợi phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện. Dự kiến, phương án cổ phần hóa của Agribank được phê duyệt vào ngày 1/10 và đến cuối năm 2018 sẽ xác định xong giá trị doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank đã phải thừa nhận, ngân hàng gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện. Theo đó, phương án chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng sớm nhất phải đến năm 2020 mới có thể làm. Trong các khó khăn đó, thì xác định giá trị đất khi cổ phần hoá là một trong những công việc phức tạp và mất nhiều thời gian nhất.

Ông Trịnh Ngọc Khánh cho biết Agribank hiện có 294 cơ sở nhà đất, với tổng diện tích 2,6 triệu m2, nguồn gốc đa dạng, hồ sơ pháp lý chưa đầy đủ. Mặc dù ngân hàng đã rốt ráo phối hợp với Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước các địa phương xử lý từ 2 năm nay nhưng hiện tại vẫn "ngổn ngang". Đây cũng là phần việc "dang dở" ông Trịnh Ngọc Khánh để lại cho người kế nhiệm ông kể từ ngày 1/11.

Nhà băng này cũng đã không ít lần kiến nghị lên Ngân hàng Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ để hoàn thiện, phê duyệt phương án sắp sếp lại, xử lý nhà đất. Ban hành quyết định cổ phần hóa đồng thời với việc tiếp tục phê duyệt phương án sử dụng đất đối với một số cơ sở nhà, đất cho phép tạm giữ, chưa được phê duyệt.

Đồng thời, phê duyệt phương án xử lý tài chính đặc thù đối với Agribank khi xác định giá trị doanh nghiệp và xây dựng phương án cổ phần hóa. 

Lê Thúy
Cùng chuyên mục