Cuộc đua ngân hàng số 1 Việt Nam, BIDV giảm "phong độ" cộng với Agribank chưa bằng Vietcombank
Tính tới thời điểm hiện tại, đã có hơn 23 ngân hàng lớn nhỏ công bố báo cáo tài chính quý III/2019. Thống kê tại 23 ngân hàng này cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế đạt xấp xỉ 73.200 tỷ đồng. Trừ Vietinbank chưa công bố kết quả kinh doanh, lợi nhuận của 3 ngân hàng quốc doanh (Vietcombank, Agribank và BIDV), lợi nhuận chiếm tới gần 47% trong tổng số lợi nhuận này.
Lợi nhuận của Agribank và BIDV cộng lại không bằng Vietcombank
Từ những năm 2017 trở về trước, vị trí "dẫn đầu" về lợi nhuận trong hệ thống ngân hàng luôn được 3 "ông lớn" là BIDV, VietinBank, Vietcombank thay phiên nhau nắm giữ và khó phân thắng bại.
Tuy nhiên, kể từ năm 2018, vị trí số 1 đã trở nên rõ ràng và chắc chắn hơn khi Vietcombank bứt tốc quá nhanh. Trong khi đó, các vị trí khác cũng liên tục thay đổi với sự tăng trưởng mạnh của Agribank, trong khi đó Vietinbank và BIDV có phần giảm sút "phong độ".
Cụ thể, báo cáo tài chính quý III/2019 của Vietcombank cho thấy, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng này đạt gần 17.613 tỷ đồng, tăng trưởng tới trên 50,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Ba nguyên nhân khiến Vietcombank có được mức lợi nhuận kỷ lục 9 tháng đầu năm là tổng thu nhập lãi thuần tăng gần 27% song chi phí hoạt động chỉ tăng nhẹ 6% và trích lập dự phòng 9 tháng giảm so với cùng kỳ.
Trước đó, trong một cuộc trao đổi với báo chí, ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, ngân hàng tự tin với mục tiêu năm nay là lợi nhuận cán 20 nghìn tỷ đồng, thậm chí có thể đạt mốc tỷ USD (khoảng 23 nghìn tỷ đồng). Trên thực tế, nếu tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khoảng 40% trong mấy năm trở lại đây, mục tiêu lợi nhuận tỷ đô của Vietcombank hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Xếp sau Vietcombank và cũng đứng thứ 2 trong bảng xếp hạng lợi nhuận ngành tính tới thời điểm hiện tại là Agribank với 9.700 tỷ đồng. Con số lợi nhuận này của Agribank cao hơn cả mức 9.625 tỷ đồng cả năm 2018 của BIDV và 6.700 tỷ lợi nhuận trước thuế của Vietinbank trong năm 2018.
Trong số 24 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, BIDV hiện đứng vị trí số 5 với 7.028 tỷ đồng, thấp hơn so với VPBank, MB. Trươc đó, tại thời điểm cuối năm 2018, BIDV đứng thứ 3 lợi nhuận ngành với 9.625 tỷ đồng.
Sở dĩ BIDV "hụt hơi" trong 9 tháng đầu năm 2019 do nhà băng này vẫn tăng mạnh trích lập dự phòng rủi ro.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của ngân hàng chỉ tăng 3,1% đạt 26.398 tỷ đồng. Trong khi đó, lãi từ hoạt động dịch vụ, kinh doanh ngoại hối lần lượt đạt 3.019 tỷ đồng và 1.077 tỷ, tăng 19% và 35% so với cùng kỳ. Lãi từ hoạt động khác tăng 25% đạt 3.592 tỷ đồng, thu nhập góp vốn mua cổ phần đạt 177 tỷ, tăng 24%.
Ngược lại, hoạt động mua bán chứng khoán kém khả quan, mua bán chứng khoán kinh doanh có lãi 262 tỷ, giảm 61,5%; mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 266 tỷ.
Tuy nhiên, chi phí dự phòng của BIDV 9 tháng đầu năm vẫn tăng mạnh 15% lên 16.502 tỷ đồng, trong khi tổng thu nhập hoạt động chỉ tăng "khiêm tốn" hơn 4%.
Như vậy, dù Agribank gần chạm mốc vạn tỷ song cộng với lợi nhuận của BIDV mới chỉ đạt 16.728 tỷ đồng, thấp hơn con số lợi nhuận 9 tháng của Vietcombank.
Còn nếu xét về giá trị tương đối, lợi nhuận của Vietcombank đã tăng trưởng tới 50,6% so với cùng kỳ thì BIDV lại là 1 trong 2 nhà băng tăng trưởng âm về lợi nhuận tính tới hiện tại. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của BIDV giảm hơn 3% so với cùng kỳ. Một ngân hàng khác cũng sụt giảm về lợi nhuận trong 9 tháng là ngân hàng Bản Việt với mức sụt giảm lên tới 40%.
Nếu so với mục tiêu lợi nhuận, Vietcombank đã hoàn thành 85,8% kế hoạch năm 2019. Hay như Agribank lên kế hoạch lãi 11.000 tỷ nhưng nhờ quá trình xử lý nợ xấu diễn ra tốt hơn đã giúp nhà băng này hoàn thành 88% kế hoạch năm 2019.
Với BIDV, ngân hàng này đã thực hiện giảm mục tiêu lợi nhuận 2019 về còn 10.300 tỷ đồng hồi tháng 4 vừa qua. Đến nay, BIDV đã thực hiện được trên 68% kế hoạch lợi nhuận năm sau điều chính.
BIDV vẫn dẫn đầu ngành về tài sản
Tại thời điểm 30/9/2019, dù sụt giảm về lợi nhuận song BIDV vẫn là nhà băng có tổng tài sản lớn nhất hệ thống với trên 1,4 triệu tỷ đồng, tăng 8,6% so với đầu năm. Trong đó, dư nợ cho vay khách hàng tăng 8,6% đạt 1,07 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi của khách hàng tăng 9,6% đạt hơn 1,08 triệu tỷ đồng.
Trong khi đó, tổng tài sản của 2 ông lớn là Vietcombank và Agribank lần lượt đạt 1,15 triệu tỷ và 1,39 triệu tỷ đồng. Huy động tiền gửi của Vietcombank xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng và Agribank đạt 1,28 triệu tỷ đồng.
Như vậy, Vietcombank dù là ngân hàng dẫn đầu về con số lợi nhuận song dư nợ tiền gửi khách hàng và quy mô tổng tài sản của ngân hàng này lại thấp nhất so với BIDV và Agribank.