Ai là kẻ giật dây nhóm tuyển thủ U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 2005?

Đông Hưng (tổng hợp) Chủ nhật, ngày 31/05/2020 11:10 AM (GMT+7)
Theo Cơ quan CSĐT - Bộ Công an cho biết, Trương Tấn Hải - cựu tuyển thủ quốc gia, cựu tiền đạo Cảng Sài Gòn - chính là người đã tổ chức và liên quan trực tiếp đến vụ tiêu cực của các tuyển thủ U23 Việt Nam ở SEA Games 23 (2005).
Bình luận 0

Từ chiến dịch dùng tiền mua Cúp Vô địch của SLNA

Trương Tấn Hải đã bị cơ quan điều tra tống đạt quyết định khởi tố bị can về tội “Tổ chức đánh bạc”, phạm vào Điều 249, Bộ luật Hình sự ngay tại... trại tạm giam vì hành vi câu kết với Lê Quốc Vượng để bán rẻ danh dự quốc gia tại SEA Games 23.

Ai là kẻ giật dây nhóm tuyển thủ U23 Việt Nam bán độ tại SEA Games 2005? - Ảnh 1.

Nhóm cầu thủ bán độ tại SEA Games 2005 trước vành móng ngựa.

Theo kết quả điều tra của Bộ Công an, khi còn khoác áo đội Cảng Sài Gòn, Trương Tấn Hải là người có mối quan hệ đặc biệt với các cầu thủ Sông Lam Nghệ An. 

Ở mùa bóng 2000-2001, Nam Định và Sông Lam Nghệ An là 2 đội bóng trực tiếp cạnh tranh chức Vô địch trong khi đối thủ của họ là Cảng Sài Gòn và Công an TPHCM đều trong tình trạng không thể vươn lên tốp dành huy chương và cũng không thể bị xuống hạng nên đã hết mục tiêu để phấn đấu. 

Trước vòng đấu cuối cùng, Nam Định đang dẫn đầu bảng, có lợi thế hơn Sông Lam Nghệ An 1 điểm. Vì thế, Sông Lam Nghệ An chỉ có thể vô địch khi có 3 điểm trong trận gặp Công an TPHCM tại sân Vinh, đồng thời, trong trận đấu diễn ra cùng giờ tại sân Thống Nhất, Nam Định phải thất thủ trước Cảng Sài Gòn.

Sông Lam Nghệ An đã tung ra chiến dịch dùng tiền mua chức vô địch vào điểm đó với việc Nguyễn Hữu Thắng nhận nhiệm vụ bay vào TPHCM, dùng 300 triệu đồng “chích” cho các cầu thủ Cảng Sài Gòn. Tiền đạo Trương Tấn Hải của Cảng chính là người đã được “chọn mặt gửi... tiền”.

Trước trận gặp Nam Định trên sân Thống Nhất, Trương Tấn Hải do chấn thương nên không phải ra sân tập cùng đồng đội. Tranh thủ cơ hội này, Hải đã ra ngoài “làm giá” với Nguyễn Hữu Thắng.

Nguyễn Hữu Thắng đạt được thoả thuận với Trương Tấn Hải bằng mức giá 250  triệu đồng để đá văng Nam Định ra khỏi cuộc đua.

Với những người hâm mộ Việt Nam, mùa giải năm đó thực sự là một trò hề trên sân cỏ: Trước vòng đấu cuối cùng, dù Nam Định đang có lợi thế hơn 1 điểm nhưng Ban Tổ chức lại bê sẵn Cúp về đặt ở sân Vinh. 

Trước khi bóng lăn, ban huấn luyện và các cầu thủ Sông Lam Nghệ An và Công an TPHCM đều đã đá bóng trên bàn rượu: Đội Công an TPHCM nhận được 65 triệu đồng để nằm sân và đã thua 2-3 theo đúng kịch bản.

Tại trận đấu diễn ra cùng giờ, Cảng Sài Gòn thắng đội bóng thành Nam với tỷ số 5-0 theo đúng “hợp đồng” mà Trương Tấn Hải và Nguyễn Hữu Thắng ký kết.

Trương Tấn Hải của Cảng Sài Gòn trong trận đấu đó dù không ra sân nhưng góp công đầu trong chức vô địch của Nghệ An vì đã mang 250 triệu đồng nhận từ Nguyễn Hữu Thắng để ăn chia với các đồng đội. 

Trong các cầu thủ khoác áo Cảng mùa bóng đó, có 4 cựu tuyển thủ quốc gia gồm Hồ Văn Lợi, Huỳnh Hồng Sơn, Nguyễn Phúc Nguyên Chương và thủ môn Nguyễn Văn Phụng diễn kịch hiệu quả nhất nên nhận được cat -xê “loại A” là 40 triệu đồng/người.

Sau khi mua Cảng với giá 250 triệu, Nguyễn Hữu Thắng về Nghệ An nâng khống giá vụ mua bán này thành 300 triệu để “quyết toán” với CLB. Vì lý do này, cả 6 cầu thủ nêu trên đều bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong đó, Nguyễn Hữu Thắng bị khởi tố về tội “Tham ô tài sản”, 5 cầu thủ Cảng Sài Gòn gồm Trương Tấn Hải, Huỳnh Hồng Sơn, Hồ Văn Lợi, Nguyễn Phúc Nguyên Chương và Nguyễn Văn Phụng bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ”.

Liên quan đến vụ án, HLV phó kiêm thủ quỹ CLB Sông Lam Nghệ An là Nguyễn Xuân Vinh bị khởi tố bị can về tội “Tham ô tài sản”. Nguyên nhân là sau khi Công an TPHCM trả lại 60 triệu đồng tiền thù lao “nằm sân”, Nguyễn Xuân Vinh đã tư túi thay vì nhập quỹ đội. 

Đến vụ bán rẻ danh dự Tổ quốc tại SEA Games 23

Khi SEA Games 23 diễn ra tại Philippines, Trương Tấn Hải đã giải nghệ và trở thành một đầu mối cá độ bóng đá lớn tại TPHCM. Trong khi đó, nhóm cầu thủ Nghệ An lại giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong đội tuyển quốc gia.

Trước trận đấu giữa U23 Việt Nam - U23 Myanmar tại vòng đấu bảng SEA Games, từ TPHCM, Trương Tấn Hải đã móc nối, đặt độ với Lê Quốc Vượng. Quốc Vượng sau đó đã lôi kéo Văn Quyến, Văn Trương, Hải Lâm, Phước Vĩnh, Bật Hiếu và Huỳnh Quốc Anh tham gia dàn xếp tỷ số. Cả 7 tuyển thủ của Việt Nam đã cá độ vào cửa... Myanmar. 

Tuy nhiên, trong khi Văn Quyến và các đồng đội chỉ cá độ bằng khoản tiền thưởng - ước khoảng 20-30 triệu đồng/người thì Quốc Vượng, sau khi nhận được sự đồng tình của các đồng đội về việc bán độ đã “làm ăn lớn” bằng cách liên lạc với đầu mối cá độ ở TPHCM là Trương Tấn Hải đặt một kèo độ trị giá 500 triệu đồng.

Sau 2 trận đầu ra quân giành thắng lợi 2-1 trước đối thủ Singapore và đặc biệt là trận thắng tưng bừng 8-2 trước tuyển U23 của Lào nên trước trận đấu thứ 3 gặp Myanmar, niềm tin của người hâm mộ đặt vào đội tuyển U23 Việt Nam là rất lớn.

Trận đấu đó đã được Trương Tấn Hải “đặt hàng” một số tuyển thủ chỉ thắng với cách biệt tối thiểu.

Ngày 24/11/2005, sau cuộc họp kỹ thuật giữa đội U23 Việt Nam và U23 Myanmar, 5 cầu thủ Lê Quốc Vượng, Lê Văn Trương, Phạm Văn Quyến, Trần Hải Lâm, Lê Bật Hiếu họp nhau tại phòng 214 khách sạn nơi đội tuyển bóng đá nam trú quân ở Bacolod, Philippines. 

Lê Quốc Vượng đã bàn với 4 cầu thủ còn lại về việc chỉ đá thắng Myanmar với cách biệt tối thiểu để vừa nhận được tiền thưởng của VFF vừa nhận được tiền của các chủ độ (theo thoả thuận, mỗi cầu thủ tham gia bán độ sẽ nhận được từ 20 đến 30 triệu đồng). 

Việc dàn xếp tỷ số được cả 5 cầu thủ đồng ý. Phạm Văn Quyến “động viên” thêm những đối tượng tham gia bán độ: “dù sao, thắng 1-0 cũng là thắng”.

Sau cuộc họp bàn của nhóm cầu thủ trên, Lê Quốc Vượng kêu Lê Văn Trương rủ thêm đội trưởng Phan Văn Tài Em, tiền vệ Tấn Tài và hậu vệ Châu Lê Phước Vĩnh. 

Sau khi biết ý đồ bán rẻ danh dự Tổ quốc của nhóm cầu thủ nêu trên, đội trưởng Phan Văn Tài Em đã kịch liệt phản đối và báo cáo lại sự việc với BHL người Việt trong đội tuyển. Thông tin này đã không được các trợ lý báo cáo lên HLV A.Riedl để kịp thời chặn đứng âm mưu đen tối của nhóm cầu thủ bán độ.

Chính vì vậy, trận đấu sau đó đã kết thúc với tỷ số 1-0 đúng như đơn đặt hàng của các chủ độ.

Ngày 5/12/2005, sau khi hoàn thành “nhiệm vụ bán độ” tại Philippines, Lê Quốc Vượng, Phạm Văn Quyến và Lê Bật Hiếu đã lưu lại TPHCM chứ không tiếp tục bay ra Hà Nội cùng đội tuyển. 

Trong thời gian ở tại KS Thanh Bình 1, quận Tân Bình, Phạm Văn Quyến gọi điện cho Lê Quốc Vượng đòi tiền độ. Quốc Vượng sau đó đã cùng một phụ nữ tới khách sạn đưa cho Văn Quyến một chiếc phong bì. Văn Quyến trên đường đi taxi ra sân bay Tân Sơn Nhất đã mở phong bì và đếm được 20 triệu đồng.

Số tiền này, cơ quan điều tra đã phát hiện và thu giữ trong tủ quần áo của Văn Quyến tại bản doanh CLB ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An.

Ngày 20/12/2005, Lê Quốc Vượng và Phạm Văn Quyến bị bắt khẩn cấp và tạm giam tại trại T16 về hai tội danh “Đánh bạc” theo Điều 248 và “Tổ chức đánh bạc và gá bạc” theo Điều 249 BLHS. Sau quá trình điều tra, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an nhận thấy Trương Tấn Hải mới là người đã tổ chức và liên quan trực tiếp đến vụ tiêu cực của các tuyển thủ U23 Việt Nam ở SEA Games 23, đồng thời ra lệnh bắt khẩn cấp. Trương Tấn Hải sau đó cũng nhanh chóng thừa nhận hành vi phạm tội nêu trên của bản thân. 

Về vật chứng của vụ án, ngoài việc thu giữ 20 triệu đồng tiền thắng độ của Văn Quyến, 40 triệu đồng của Quốc Anh (bao gồm cả phần của Châu Lê Phước Vĩnh), 20 triệu đồng của Bật Hiếu... cơ quan điều tra cũng đã cơ bản thu giữ đủ số tiền 500 triệu đồng thắng độ của Quốc Vượng...


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem