Ai sẽ thẩm định báo cáo khả thi dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội?

Thế Anh Thứ hai, ngày 06/02/2023 18:18 PM (GMT+7)
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư.
Bình luận 0

Lập Hội đồng thẩm định nhà nước

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư) thuộc dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Theo đó, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm Chủ tịch; Phó Chủ tịch Hội đồng là Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Ai sẽ thẩm định báo cáo khả thi dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội? - Ảnh 1.

Mô phỏng đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội. Ảnh: Ban QLDA

Các ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, các Bộ liên quan; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; lãnh đạo các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dự án có tổng mức đầu tư lớn (56.520 tỷ đồng); phạm vi rộng (gồm 3 tỉnh/thành phố).

Dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô được đầu tư theo phương thức PPP và sử dụng vốn nhà nước chiếm 47,3% tổng mức đầu tư dự án nên cần phải đánh giá kỹ lưỡng về quy mô, hướng tuyến, phương án thiết kế, sơ bộ tổng mức đầu tư... trên cơ sở đó đánh giá về phương án tài chính, hiệu quả đầu tư và các nội dung khác của dự án.

Các thành viên của Hội đồng là đại diện lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, thực hiện nhiệm vụ thẩm định theo hình thức kiêm nhiệm, không có đủ thời gian và điều kiện để nghiên cứu chuyên sâu về kỹ thuật, công nghệ của dự án phục vụ cho công tác thẩm định.

Ai sẽ thẩm định báo cáo khả thi dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội? - Ảnh 2.

Đường Vành đai 3 đang ngày càng ùn tắc khi mật độ tham gia giao thông lớn. Ảnh. PH

Cần thiết thuê tư vấn

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng cần thiết phải thuê tư vấn có chuyên môn, kinh nghiệm thẩm tra báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội nhằm bảo đảm tính khả thi, hiệu quả đầu tư.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 14 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP của Chính phủ, Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong thời gian 90 ngày.

"Nếu thực hiện đấu thầu lựa chọn tư vấn thẩm tra theo quy định đấu thầu thông thường sẽ mất khá nhiều thời gian mới lựa chọn được tư vấn thẩm tra", Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra trong nước theo quy trình, thủ tục quy định tại 3 khoản 1 Điều 11 Nghị định số 29/2021/NĐ-CP (lựa chọn nhà thầu tư vấn thẩm tra trong trường hợp đặc biệt) và giao UBND TP.Hà Nội có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình thẩm định dự án, bố trí vốn chuẩn bị đầu tư phục vụ việc thẩm định, thuê tư vấn thẩm tra bảo đảm tiến độ yêu cầu.

Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận được Tờ trình số 05/TTr - UBND của UBND TP.Hà Nội đề nghị thẩm định dáo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần 3 đường cao tốc theo phương thức PPP thuộc dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội.

Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Trần Sỹ Thanh đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền thành lập Hội đồng thẩm định nhà nước để tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án.

Dự án thành phần 3 đường cao tốc theo phương thức PPP (đối tác công - tư) thuộc dự án đường Vành đai 4 vùng thủ đô Hà Nội kết nối thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.

Dự án được kỳ vọng sẽ phát huy hiệu quả đầu tư đối với các dự án đã và đang được đầu tư, tạo không gian phát triển mới và giải quyết các vấn đề tồn tại của thủ đô Hà Nội, khai thác tiềm năng sử dụng đất, xây dựng hệ thống đô thị bền vững, hiện đại; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Quy mô dự kiến đầu tư khoảng 112,8km, quy mô 4 làn xe với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m) bao gồm 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng cùng với các lối ra vào đường cao tốc bảo đảm khai thác an toàn, hiệu quả.

Sơ bộ tổng mức đầu tư 56.536 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Trung ương 18.313 tỷ đồng; ngân sách địa phương 8.776 tỷ đồng; vốn nhà đầu tư thu xếp 29.447 tỷ đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem