Ẩm thực Việt phố Tàu - xứ Táo

Thứ ba, ngày 04/01/2011 06:56 AM (GMT+7)
Đây không phải là lần đầu tiên tôi viết về New York. Nhưng là lần đầu tiên. Tôi. Trong vai cư dân New York tạm thời!
Bình luận 0

Tạm thời” của tôi có cái mác hết đát (date) trong hai năm. Thế là đủ để cho những vội vã trải nghiệm của một kẻ luôn đói cái mới như tôi lắng lại. Không có cái sự chạy show tới-những-chỗ-mà-khách-du-lịch-không-đến-thì-phí. Trong vai New Yorker (NYker) tạm thời, tôi tha hồ thảnh thơi quan sát các ngóc ngách của “quả táo lớn” (biệt danh của New York) mà lần này, cụ thể hơn khu phố Tàu ở Lower East Side nơi tôi ở.

img
Siêu thị Việt Nam là đây!

Những túi nilông đỏ chính là điều sẽ đập vào mắt bạn đầu tiên khi ghé khu phố Tàu. Không biết có xuất xứ từ nhà phân phối độc quyền nào, nhưng 9-10 tiệm hàng ở đây cùng dùng chung một loại túi. Cùng với cái sự ngon-bổ-rẻ-tươi của hàng quán, sự đổ về của NYker khắp chốn tới đây để mua sắm, sự xuất hiện của túi nilông đỏ càng dày đặc trên những con phố vốn đã chuộng gam màu bắt mắt này. Nói đến mua sắm, đi chợ ở đây là tiện nhất.

img
Mua đồ ở đây, bạn sẽ về với túi nilông đỏ.

Hải sản tươi roi rói, trong đó ốc (ốc hương, ốc vặn, ốc móng tay…) không hề thiếu nếu bạn bỗng chốc lên cơn thèm. Trên phố Grand có nguyên một tiệm treo biển “siêu thị Việt Nam” mà ông chủ tiệm chắc chắn là fan Đàm Vĩnh Hưng (lần nào tôi ghé qua cũng thấy tiệm đang mở album của ca sĩ này). Siêu thị Việt ở đây cũng nhập đủ các mặt hàng thoả mãn nhu cầu ẩm thực Việt: phổ biến từ đồ đóng hộp: càphê Trung Nguyên, Vinacafé, bánh đậu xanh… cũng có.

Khó đến như mắm tôm vị Bắc chính hiệu, tôm chua Huế, các gia vị chế biến cũng không thiếu. Ở ngay quầy thu ngân thì luôn bày các món tươi hơn: bánh trung thu, bánh chưng, nem chua, chè ba miền… Ngày tết, bạn cũng có thể đặt nấu bánh chưng như thường. Còn nếu bạn thèm bánh nếp, bánh gio, xin mời bạn ghé góc ngã tư Bowery và Grand, tìm cụ già 70 ngồi bên chiếc mẹt rất to. Bánh luôn được bó lá chuối đúng kiểu nên rất dễ nhận ra.

img
Một tô phở đặc biệt được gọi là “Phở xe lửa”

Phở có lẽ vẫn là món ăn Việt phổ biến nhất. Hầu hết các quán phở Việt ở đây đều nấu phở kiểu Nam, dùng kèm với tương đen và có dĩa riêng để hành, giá, húng quế (rau sạch ở đây đắt hơn thịt vì chủ yếu phải nhập từ Cali). Phở Grand vẫn là chốn tôi ưng nhất. Mới tuần trước thôi, trong một ngày trời trở lạnh đột ngột, tôi ghé vội vào quán, định làm tô phở cho ấm bụng.

Anh bồi phục vụ mang tới cùng menu cho tôi một ly trà nóng hôi hổi (trong khi tôi để ý các bàn kế bên vẫn được tiếp ly nước đá lạnh như thường). Về độ ngon, tuy tôi chấm 8-10 nhưng chất lượng phục vụ ở đây không có điểm để chê được. Và nếu bạn để ý, treo trang trọng ngay giữa tiệm là ảnh Hillary Clinton đang thưởng thức phở tại phở Grand.

Sự lên ngôi của bánh mì Việt đang được chứng minh với sự mọc lên như nấm của các cửa tiệm. Rảo bộ trên phố Grand, Broome và Canal bạn đều có thể dễ dàng mua được một chiếc bánh mì có cỡ tây (vâng, khá to) và vì phục vụ người tây nên menu cũng được tây hoá: combo cũng có (bánh mì kèm càphê Việt), cùng rất nhiều sự lựa chọn: thập cẩm, xá xíu heo quay, bò kho sả, gà nướng…

img
Biển “phục vụ người già và trẻ em tàn tật” viết bằng tiếng Việt.

Bánh mì ở đây luôn được viết kèm theo mở ngoặc “bang-mee” để người ta dễ phát âm. Phỏng vấn mấy người Mỹ bạn tôi khi ăn bánh mì, họ đều có chung những cảm nhận: ngon, giòn, cay, tốt cho sức khoẻ (có lẽ tại kèm nhiều rau xanh). Rất nhiều người bạn của tôi đang chuyển từ ăn hamburger và sandwich sang bánh mì. Và thêm một điểm khiến tôi vui: họ phát âm từ bánh mì rất chuẩn!

Tương ớt Việt đang thịnh hành với nhãn hiệu “Tương ớt Sriracha”! Sriracha có mặt ở khắp các tiệm ăn Tàu, Thái, Nhật, Mexico… Cái tên đậm chất Thái này dễ làm người ta lầm tưởng đây là sản phẩm made-in-Thailand nhưng nếm thử bạn sẽ thấy ngay nó là tương ớt Việt không lẫn đi đâu được. Tôi được nghe phong thanh rằng sản phẩm này xuất xứ từ người Việt ở Cali nhưng do không được mua bản quyền nên bị người Thái có đầu óc kinh doanh hơn “cướp trên giàn mướp”.

img
Đấu trí trên ván cờ – một góc rất China Town!

Thực hư câu chuyện này như thế nào, có lẽ phải kiểm chứng lại. Chỉ biết rằng trên mác của sản phẩm này có đủ cả ba ngôn ngữ: Việt (tương ớt), Thái (Sriracha) và hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Anh. Sản phẩm “toàn cầu hoá” là đây!

Nhân chuyện ngôn ngữ, tôi cũng phải kể đến cái thú mới của tôi từ khi sống ở New York: nghe lỏm các đoạn hội thoại tiếng Việt. Người Việt ở đây tập trung sống nhiều nhất trên phố Canal. So với cộng đồng người Việt ở Cali, mật độ người Việt ở đây không thấm là bao nhưng như thế là quá đủ cho những ai đói tiếng Việt.

Chẳng cần đi đâu xa, chỉ cần lang thang quanh Canal vài tiếng là bạn có thể gom đủ một kho tin tức, câu chuyện. Và nếu bạn hay để ý chi tiết, bắt lỗi ngữ pháp tiếng Việt trên các biển hiệu, menu đồ ăn cũng sẽ là một thói quen dễ mắc phải. Đôi khi tôi cũng phải gạt đi cái tính cầu toàn, chẹp miệng: kẻ (tạm) sống xa xứ, thấy nhiều dấu ấn Việt trên xứ người, âu cũng là mừng rồi!

Theo SGTT

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem