Áp dụng Chỉ thị 16 ở Hà Nội: Sang nhà hàng xóm giúp công việc có bị xử phạt không?

Quang Minh Thứ tư, ngày 28/07/2021 09:30 AM (GMT+7)
Người dân thắc mắc về trường hợp họ đi từ tòa chung cư A phường Yên Hòa sang chung cư B ở phường Trung Hòa giúp hàng xóm thì có bị xử phạt không?
Bình luận 0

TP.Hà Nội đã thực hiện giãn cách xã hội trong vòng 15 ngày, trên phạm vi toàn Thành phố theo nguyên tắc Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 31/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian thực hiện theo Chỉ thị 16, anh Đ.Đ.T (Yên Hòa, Hà Nội) thắc mắc nếu đi từ tòa chung cư A phường Yên Hòa sang chung cư B ở phường Trung Hòa (quận Cầu Giấy, TP.Hà Nội) giúp hàng xóm thì có bị xử phạt không?

Hoặc trường hợp họ làm cho một công ty về quảng cáo, trong quá trình đi đến công ty, cơ quan chức năng kiểm tra giấy tờ. Sau đó, cơ quan chức năng không chấp nhận và rằng giấy tờ đó chỉ là giấy lưu hành nội bộ của công ty và yêu cầu xử phạt thì có đúng với quy định không?

Đi sang nhà hàng xóm không có lý do chính đáng sẽ bị phạt

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, nội dung của Chỉ thị số 17 của UBND TP.Hà Nội thể hiện: Thực hiện cách ly toàn xã hội trên nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố, khu phố cách ly với khu phố, xã/phường/thị trấn cách ly với xã/phường/thị trấn, quận, huyện, thành phố cách ly với tỉnh…

Áp dụng Chỉ thị 16 ở Hà Nội: Sang nhà hàng xóm giúp công việc có bị xử phạt không? - Ảnh 1.

Người dân đi sang nhà hàng xóm mà không có lý do chính đáng sẽ bị xử phạt. Ảnh: Ngọc Hải

Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như: mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cấp cứu,…cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu không bị đóng cửa, dừng hoạt động và các trường hợp khẩn cấp khác.

Do đó, việc gia đình hàng xóm có việc cần giúp đỡ về bản chất là không cần thiết. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp khẩn cấp, thiết yếu ví dụ như hỏa hoạn, cấp cứu,…thì sự giúp đỡ này là cần thiết và có thể xác định là không vi phạm. 

Nếu như không phải trường hợp cấp thiết, cần thiết thì hành vi của người dân là đang vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh và cách ly xã hội theo Chỉ thị số 17 của TP.Hà Nội.

Việc có dấu hiệu vi phạm việc không thực hiện bảo vệ cá nhân về phòng chống dịch bệnh và hạn chế tập trung đông người, người dân có thể bị xử phạt hành chính theo Nghị định 117/2020 của Thủ tướng.

Trường hợp người dân đi ra ngoài để đến nhà bạn bè, hàng xóm mà không mang khẩu trang sẽ bị xử phạt sẽ bị phạt 1-3 triệu đồng. Trường hợp người dân qua nhà hàng xóm mà tập trung quá 2 người không có lý do cần thiết, chính đáng có thể bị xử phạt 10-20 triệu đồng/người.

Nhân viên trực cơ quan vẫn có thể đến trụ sở làm việc

Đối với trường hợp là nhân viên công ty quảng cáo đến cơ quan làm việc thì có liệu bị xử phạt không?

Luật sư Tùng cho hay, theo nội dung của chỉ thị số 17 thì Công ty hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo không phải là hoạt động kinh doanh dịch vụ cần thiết.

Tuy nhiên, tại mục 5 chỉ thị cũng đã nêu rõ: Đối với các cơ quan, công sở, công ty, doanh nghiệp, tập đoàn… bố trí cho cán bộ, chông chức, viên chức sử dụng công nghệ thông tin tại nhà; chỉ những trường hợp cần thiết như: trực chiến đấu, trực cơ quan, cung cấp hàng hóa dịch vụ thiết yếu, xử lý tài liệu mật và các nhiệm vụ cần thiết khác theo yêu cầu mới đến cơ sở làm việc.

Người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm về việc cán bộ, nhân viên lây nhiễm dịch bệnh do không chấp hành quy định phòng chống dịch bệnh

Do đó, khi doanh nghiệp trong trường hợp cần thiết vẫn được phép thực hiện. Hơn nữa, cảnh sát giao thông không có quyền phạt người đi đường với lý do không chấp nhận giấy xác nhận của công ty cấp cho người lao động.

Áp dụng Chỉ thị 16 ở Hà Nội: Sang nhà hàng xóm giúp công việc có bị xử phạt không? - Ảnh 3.

Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội).

Trong thời gian giãn cách xã hội, phương tiện giao thông cá nhân "hạn chế đi lại" chứ không phải "dừng lưu thông". 

Người lao động của các công ty thực hiện chức năng kinh doanh mà Chỉ thị 16 không quy định phải dừng và họ ra đường với giấy xác nhận của công ty một cách rõ ràng cơ quan chức năng sẽ tôn trọng quyền tự do đi lại của họ.

Nếu cơ quan chức năng xác định chắc chắn là người đi đường trình bày lý do một cách gian dối như giấy xác nhận của công ty bị làm giả, sử dụng giấy xác nhận đi làm việc không phải cho mình… lực lượng chức năng tại các chốt kiểm soát dịch bệnh sẽ có phương án xử lý khác.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem