Áp thuế Tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường ở mức 10%
Tại tờ trình gửi Chính phủ về dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính vẫn giữ quan điểm đồ uống có đường nằm trong diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt dù nhiều lần đề xuất trước đó.
Theo Bộ Tài chính, nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN), gồm nước giải khát có ga, chứa chè, cà phê, nước trái cây; nước uống tăng lực, điện giải, nước uống thể thao... Sữa và sản phẩm từ sữa không chịu thuế này do không phải nước giải khát theo TCVN và là mặt hàng dinh dưỡng sức khỏe. Các loại nước khoáng thiên nhiên và nước uống đóng chai; nước rau quả và nectar (mật) rau, quả và sản phẩm từ cacao cũng không thuộc diện bị áp thuế.
Tại dự thảo lần này, điểm mới trong đề xuất đánh thuế TTĐB với nước giải khát có đường của Bộ Tài chính là đề xuất áp mức thuế 10% với nước giải khát có đường, bên cạnh đó, phương án đánh thuế 20% cũng được đưa ra nhưng không được đề xuất lựa chọn. Theo Bộ Tài chính, mức thuế suất 20% sẽ gây phản ứng từ dư luận, doanh nghiệp nhiều hơn trong bối cảnh còn phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Theo báo cáo đánh giá tác động, tăng thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường sẽ khiến giá cả mặt hàng này tăng 10%, nhưng điều này đồng nghĩa lượng tiêu thụ sẽ giảm, người tiêu dùng chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.
"Việc tăng thuế và giá sẽ góp phần giảm béo phì, tiểu đường và tỷ lệ mắc các bệnh không lây nhiễm khác trong tương lai, đặc biệt là thế hệ trẻ. Từ đó, hệ thống y tế, bệnh viện cũng được giảm áp lực, quá tải", Bộ Tài chính phân tích.
Về mặt tích cực, theo Bộ Tài chính nếu đánh thuế TTĐB 10% đối với nước giải khát có đường, số thu ngân sách Nhà nước sẽ tăng trong năm đầu tiên do đây là đối tượng chịu thuế mới bổ sung. Tuy nhiên, số thu các năm sau sẽ giảm dần, do việc đánh thuế khiến người tiêu dùng sử dụng ít đi và nhà sản xuất chuyển đổi công thức, sản xuất sản phẩm có hàm lượng đường dưới ngưỡng đánh thuế.
Bộ Tài chính cho rằng, việc áp thuế sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệ̂p sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu. Song, việc này sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Bộ Tài chính dẫn quan điểm của các hiệp hội, doanh nghiệp phản đối áp thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có đường như không có khả năng làm giảm thừa cân béo phì; chính sách đánh thuế sẽ tạo ra phân biệt đối xử, gây tác động đến các ngành như mía đường, bán lẻ, bao bì....
Bộ Tài chính khẳng định, số liệu từ Viện Dinh dưỡng quốc gia cho thấy, tỷ lệ hộ gia đình tiêu thụ nước giải khát có đường tăng từ 56,22% năm 2010 lên 69,76% vào 2016. Tiêu thụ nước ngọt bình quân đầu người tăng gần gấp rưỡi sau 7 năm, đạt 70,56 lít một người vào 2020.
Cùng đó, tỷ lệ thừa cân và béo phì đáng báo động ở trẻ em Việt Nam từ 5-19 tuổi tăng hơn 2 lần trong 10 năm, đạt 19% vào 2020. Đây là mức cao hơn tỷ lệ trung bình của khu vực Đông Nam Á (17,3%) và các nước có mức thu nhập thấp, trung bình của khu vực.
Bộ Tài chính khẳng định: "Đánh thuế đồ uống có đường đã trở thành xu thế chung. Hiện có khoảng 85 quốc gia áp thuế này, tăng gần 6 lần so với cách đây 10 năm".
Ngoài vấn đề đánh thuế đối với nước giải khát có đường, tại dự thảo sửa đổi Luật Thuế TTĐB lần này, Bộ Tài chính đề xuất làm rõ khái niệm ôtô chạy bằng xăng kết hợp điện là xe nạp điện bằng hệ thống sạc. Bộ Tài chính cho biết, loại xe này chịu thuế suất bằng 70% của chạy xăng, dầu cùng loại, mức thuế suất khoảng 24,5-105%, tùy dung tích.
"Đây là loại xe plug-in hybrid (hybrid cắm sạc) có chế độ chạy điện độc lập, có thể sạc rời như xe điện và vẫn có 1 động cơ xăng dùng khi hết pin. Lượng khí thải ra môi trường của loại này thấp hơn nhiều so với ôtô thông thường khác. Việc phân biệt rõ, Bộ Tài chính giải thích, để tránh nhầm lẫn với loại còn lại là hybrid cơ bản, chủ yếu chạy bằng động cơ xăng trong điều kiện bình thường", Bộ Tài chính cho hay.
Bộ Tài chính cũng đề xuất áp mức thuế tương tự plug-in hybrid, dao động 24,5-105% tùy dung tích xe cho ôtô chạy bằng khí thiên nhiên.