Ba kịch bản cho thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm
Về triển vọng thị trường bất động sản (BĐS) năm 2020 và kiến nghị về chính sách, ông Trần Kim Chung cho rằng, thị trường BĐS nông nghiệp vẫn đang tìm lối ra bởi chưa có cú hích đủ mạnh, cả về cơ chế, chính sách, cả về sản phẩm đều hạn chế về đầu ra.
Việc triển khai trên thực tiễn các DN nông nghiệp quy mô lớn hoặc các đại trang trại chuyên canh cũng chưa có đột phá. Chính sách cho phép DN tiếp cận chuyển nhượng quyền sử đụng đất của các chủ hộ nhỏ chưa được triển khai. Chính sách tích tụ ruộng đất, hạn chế về hạn điền vẫn chưa có chuyển biến.
Trong khi đó, thị trường BĐS nhà ở đang điều chỉnh. Các phân mảng thị trường bậc cao đang tiếp tục tìm kiếm các động lực mới. Các hạn chế, tồn tại của năm 2019 vẫn chưa được xử lý rốt ráo và hiện chỉ có 3 nhánh nhà ở là: đất nền ven đô, nhà giá thấp và nhà ở xã hội đang được quan tâm, xử lý.
Bên cạnh đó, thị trường BĐS tài sản – tài chính đang hình thành và phát triển. Cùng với việc phát hành trái phiếu DN BĐS cùng với việc các nhà đầu tư nước ngoài chuyển dịch vốn và DN tới Việt Nam, một lượng vốn cũng dịch chuyển sang Việt Nam theo mạch đầu tư cổ phiếu, trái phiếu BĐS (nhất là các DN kinh doanh BĐS công nghiệp).
Nhận định về các kịch bản thị trường, ông Trần Kim Chung cho rằng có ba kịch bản cho thị trường BĐS 6 tháng cuối năm.
Với kịch bản trung tính, đây là kịch bản đến cuối năm, thị trường quốc tế, các đối tác quốc tế mới phục hồi và quay trở lại bình thường. Đây là kịch bản dễ xảy ra nhất, trong bối cảnh nền kinh tế suy giảm nhưng không lớn. Thị trường BĐS trầm lắng nhưng không đổ vỡ.
Kịch bản tích cực là khi các nền kinh tế phục hồi trong quý IV. Lúc này, thương chiến Trung – Mỹ đi vào giai đoạn ổn định, các DN định hình và định vị tại Việt Nam. Nền kinh tế cũng phục hồi hoàn toàn trạng thái trước dịch Covid-19 vào quý IV, theo đó, thị trường BĐS chuyển động tích cực trong quý IV và trước tết Tân Sửu.
Với kịch bản tiêu cực, ông Trần Kim Chung cho biết, dịch Covid-19 không được kiểm soát, thương chiến Mỹ - Trung không hòa hoãn, các lò lửa chiến tranh bị kích động và kinh tế thế giới không khả quan. Theo đó, tình hình kinh tế Việt Nam sẽ khó khăn, thị trường BĐS sẽ đóng băng.
“Khả năng hiện thực của mỗi kịch bản sẽ phụ thuộc vào các rủi ro có liên quan nhưng ở tầm vĩ mô, các yếu tố kinh tế quốc tế và phản ứng chính sách của nhà nước và ứng xử của các chủ thể kinh tế sẽ đóng vai trò quyết định”, ông Trần Kim Chung lưu ý.
Trong nhiều kiến nghị của chuyên gia Trần Kim Chung về chính sách thúc đẩy phát triển thị trường BĐS hậu covid-19, có một số kiến nghị đáng chú ý.
Cụ thể là, kiên định giao đất theo hình thức đấu giá với mọi dự án, ở mọi quy mô, với mọi chủ thể; giao quyền quyết định địa bàn được phân lô bán nền cho chính quyền tỉnh đồng thời với việc tăng cường thanh tra đất đai từ Trung ương; tập trung các bộ ngành, thống nhất xử lý triệt để về pháp lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về quy chuẩn xây dựng, về quy chuẩn quản lý, về quy chuẩn hợp đồng giao dịch, về chế tài các bên hữu quan trong việc xây dựng, mua bán, quản lý vận hành condotel, officetel.
Bên cạnh đó, áp dụng chế tài đối với các dự án chậm triển khai hoặc chậm tiến độ theo Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Đầu tư, kiên quyết không để hiện tượng đất đai bị để hoang hóa, không đưa vào sản xuất, kinh doanh; xử phạt các hình thức lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép hoặc sai giấy phép, buộc chủ đầu tư, các chủ thể vi phạm phải trả lại nguyên trạng ban đầu; chủ động tạo lập các diện tích đất có cơ sở hạ tầng tại các địa bàn được quy hoạch đón luồng đầu tư nước ngoài mới. Chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, các nhà đầu tư lớn...