Bà Phạm Chi Lan: "Tư duy về nông nghiệp là thách thức lớn nhất"

PVKT Thứ bảy, ngày 26/12/2020 07:32 AM (GMT+7)
Tại tọa đàm "Kinh tế 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và một Việt Nam hùng cường", nhấn mạnh về triển vọng ngành nông nghiệp năm 2021 bà Phạm Chi Lan cho biết: Thách thức trong thời gian tới đối với nông nghiệp VN vẫn rất lớn. Trong đó, tư duy về nông nghiệp là thách thức lớn nhất.
Bình luận 0
Bà Phạm Chi Lan: “Hay phê phán nông dân, doanh nghiệp Việt nhưng dễ dãi với người nước ngoài” - Ảnh 1.

Quang cảnh Tọa đàm: "Kinh tế 2021: Kỳ vọng Đại hội Đảng nhiệm kỳ XIII và một Việt Nam hùng cường" do Báo Nông thôn Ngày nay/điện tử Dân Việt tổ chức. (Ảnh: Trọng Hiếu)

Theo bà Phạm Chi Lan, Việt Nam đã duy trì tư duy sản xuất nông nghiệp quá lâu, mà chưa chuyển được sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Đến nay, người lãnh đạo phải thay đổi cách tiếp cận theo góc độ kinh tế nông nghiệp, và với người nông dân phải đặt ra vấn đề về kinh doanh nông nghiệp.

"Việc đặt vấn đề đúng đắn, mục tiêu là gì, có phải chỉ sản xuất không mà không tính đến hiệu quả và tính cạnh tranh hay không và nhất là có mang lại lợi ích trực tiếp cho bộ phận làm nhiều nhất trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là người nông dân hay không?,… những vấn đề này lâu nay chúng ta gần như bị bỏ qua. Ngay cả việc phát triển kinh tế ĐBSCL cũng vậy, bao nhiêu năm qua ĐBSCL được giao trọng trách đảm bảo an ninh lương thực nên không chuyển đổi được sang lĩnh vực sản xuất khác có lợi hơn rất nhiều. Vì vậy, đầu tư mới chỉ chạy theo tốc độ, làm quá nhiều vụ trong 1 năm. Từ đó dẫn tới việc hư hại đất đai và sản xuất không an toàn…", bà Lan dẫn chứng và nhấn mạnh, thay đổi tư duy trong nông nghiệp thực sự là điều quan trọng cho tương lai của ngành nông nghiệp nước nhà.

Yếu tố thứ hai, theo bà Phạm Chi Lan đó là những vấn đề liên quan đến đất đai. "Đây là nhân tố quan trọng đối với nông lâm nghiệp và nếu không thay đổi cơ chế đất đai thì đó sẽ trở thành trói buộc với nông nghiệp Việt Nam", bà Phạm Chi Lan khẳng định.

Vị chuyên gia này nhớ lại, cách đây 3 năm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn có đưa ra một số chính sách mới về tái cơ cấu nông nghiệp rất hay về chuyển đổi đất nông nghiệp từ trồng lúa sang nuôi trồng cây con khác. Tuy nhiên, đến nay câu chuyện tái cơ cấu vẫn bị vướng khi chuyển đổi sử dụng đất, kể cả đất nông nghiệp chuyển từ trồng cây này sang cây khác vẫn khó khăn. Bà Lan cho rằng, nếu vấn đề này không được giải quyết sớm thì nông nghiệp nước nhà cũng không thể vươn xa được. Hơn nữa, khi đất đai không phải là tài sản của nông dân thì sẽ không có cơ sở nào để gắn bó người nông dân với đồng ruộng được. Câu chuyện 1,1 triệu người rời ĐBSCL là vấn đề "đau đầu", trong đó chuyển đổi sản xuất khó khăn là một phần nguyên nhân.

Bà Phạm Chi Lan: “Hay phê phán nông dân, doanh nghiệp Việt nhưng dễ dãi với người nước ngoài” - Ảnh 3.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại tòa đàm

Ba là, phát triển theo cách tiếp cận của vùng. Tức là mở rộng quy mô và phá vỡ rào cản về địa giới hành chính hiện nay đối với nông nghiệp các tỉnh. Bà Lan cho biết, thời gian qua nhiều tỉnh cũng lên tiếng và bày tỏ mong muốn có một cơ chế vùng thực sự.

"Một chuyên gia đã từng chia sẻ, khi đi tiếp thị sản phẩm của Đồng Tháp, người nước ngoài họ không biết rằng Đồng Tháp là ở đâu nhưng nếu đó là ĐBSCL thì họ đều biết. Từ câu chuyện đó, chúng ta phải đặt ra vấn đề tập trung phải lại thành quy mô vùng lớn trong sản xuất nông nghiệp. Nhưng quy mô đó phải là quy mô theo cách liên kết khác chứ không phải lập ban chỉ đạo vùng như lâu nay. Bởi việc lập ban chỉ đao vùng hiện nay hoàn toàn không có hiệu lực trong quy hoạch hay định hướng phát triển vùng. Cho nên phải có cách nào đó để "đột phá". Có thể là về hành chính chúng ta chưa thay đổi được 63 tỉnh thành nhưng phải cho phép thí điểm tạo liên kết vùng thực sự giữa các tỉnh với nhau. Trước mắt, hãy cho ĐBSCL phải thí điểm liên kết vùng. Nếu ĐBSCL làm được thì các vùng khác cũng làm được. Từ đó, chúng ta sẽ có quy mô nông nghiệp lớn hơn và tránh được đầu tư chồng chéo, quá dàn trải và tốn kém chi phí", bà Lan nhấn mạnh.

Cuối cùng và cũng là điều lo lắng nhất theo bà Lan đó vẫn là vấn đề về thị trường. Bà Lan phân tích, Việt Nam mở rộng quá nhiều các FTA với bên ngoài nhưng dường như vẫn quên lãng việc bảo vệ thị trường trong nước.

Vị chuyên gia này nói: "Thực ra khi mở cửa như vậy thì các nhà đầu tư nước ngoài không những trở thành người xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam (chiếm tới 70%) thành tích xuất khẩu. Tức là 18 nghìn nhà đầu tư nước ngoài họ làm ra 70% xuất khẩu, còn lại 90 triệu dân Việt Nam chỉ có 30% trong xuất khẩu. Hơn thế nữa, nước ngoài cũng chiếm thị trường nội địa Việt Nam rất cao. Điều đáng nói, doanh nghiệp và người nông dân Việt Nam vẫn phải dựa vào thị trường nội địa rất nhiều, đặc biệt là với hàng nông sản. Vì vậy, chúng ta cần phải hết sức coi trọng thị trường nội địa. Bên cạnh đó, cần phải thiết chế lại làm sao bảo vệ thị trường nội địa khỏi cạnh tranh không lành mạnh. Chúng ta hay phê phán nông dân và doanh nghiệp Việt nhưng lại rất dễ dãi với người nước ngoài. Đó là nghịch lý.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem