Bắc Kạn: Vùng đất thanh niên hơn 30 tuổi đã lên chức ông ngoại, bà ngoại, hộ nghèo chỉ tăng chứ không giảm

Chiến Hoàng Thứ sáu, ngày 22/10/2021 07:01 AM (GMT+7)
“Con gái Mông ở Lũng Lịa này thích thì đi lấy chồng thôi, không cần đủ tuổi đâu”. Phía sau câu nói nhẹ tựa hơi sương ấy của Đ.T.D (tổ dân phố Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) là những phận người lam lũ, là cái đói, cái nghèo…
Bình luận 0

Tảo hôn, năm nào cũng có

Tổ dân phố Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn là nơi có đến hơn 90% đồng bào Mông sinh sống. Tuy thuộc thị trấn nhưng điều kiện kinh tế của Lũng Lịa hết sức khó khăn, có đến 88/90 hộ dân thuộc hộ nghèo, còn 2 hộ có mức sống trung bình.

Từ ngoài đường cái quan đi vào chừng 3km, chúng tôi gặp nhiều hơn cả là những đứa trẻ nheo nhóc, lấm lem. Không ít các ngôi nhà khuất lấp sau những tàng cây xiêu vẹo đến nhói lòng.

Lầu Văn Thào - Tổ trưởng tổ dân phố Lũng Lịa cho biết, tình trạng tảo hôn ở Lũng Lịa khá phổ biến. Hầu như năm nào trong thôn cũng xảy ra việc tảo hôn.

"Thường người Mông ở Lũng Lịa, con trai 17 - 18 tuổi đã lấy vợ, con gái thì từ 15 tuổi trở lên là lập gia đình rồi. Phần lớn khi lấy vợ, lấy chồng, các cặp tảo hôn đều ở cùng bố mẹ cho đến khi có 1 - 2 con mới làm nhà ra ở riêng. Những cặp tảo hôn đều rơi vào hộ đặc biệt khó khăn. Khi tách hộ, tiếp tục lại là những hộ nghèo. Do đó, tỷ lệ hộ nghèo trong thôn không giảm mà tăng theo từng năm" - Tổ trưởng tổ dân phố Lũng Lịa cho biết.

Tiếng ru buồn trên bản Mông Bắc Kạn - Ảnh 1.

L.T.M người mặc váy ngồi giữa, cùng hai con gái trong nương ngô tại Mảy Van, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn). Ảnh: Hà Nhung

L.T.M sinh năm 1987, năm nay hơn 30 tuổi. M đã là mẹ của 5 đứa con, M bảo, cố đẻ cho được thằng con trai.

Trong khi đó, đứa con gái đầu lòng của M cũng tảo hôn giống mẹ và M sắp trở thành bà ngoại.

Lầu Văn Thào thật thà cho chúng tôi hay, bản thân anh cũng tảo hôn, 16 tuổi lấy vợ, hiện có 3 người con. Con gái đầu của anh sinh năm 2000 cũng tảo hôn, lấy chồng tại huyện Chợ Đồn. Hơn 30 tuổi nhưng Thào đã là ông ngoại của hai đứa cháu.

Lầu Văn Thào kể, tháng 8, Lũng Lịa có một trường hợp lấy chồng ở huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng. Cô dâu là L.T.B, chỉ mới 15 tuổi. Dù đã được tuyên truyền, vận động nhưng gia đình họ vẫn lặng lẽ tổ chức đưa dâu.

"Phía nhà trai từ huyện Hà Quảng (Cao Bằng) xuống. Đến địa phận giáp ranh với huyện Ngân Sơn, họ gửi xe, cắt rừng tránh chốt kiểm dịch. Nhà gái bên này cho người đợi sẵn đón về. Họ mổ lợn từ lúc nào không rõ. Chỉ biết sau khi dùng cơm, nhà trai đón cô dâu, sau đó tiếp tục cắt rừng sang địa phận Cao Bằng rồi lên xe máy rời đi" - Lầu Văn Thào nói.

Những bà ngoại tuổi...30

Rời nhà Lầu Văn Thào, chúng tôi vào ngẫu nhiên một nhà ven đường. Đó là nhà của chị Đ.T.D.

Khi chúng tôi đến, Đ.T.D cùng cô con gái thứ 2 đang lặng ngồi bên bậu cửa, mắt đục buồn nhìn ra ngọn núi trước mặt. Sau khi trò chuyện, được biết, D là người Mông, từ nơi khác đến làm dâu ở Lũng Lịa này khi mới 16 tuổi. D có 3 người con, cô con gái đầu lòng cũng đã lấy chồng khi mới chớm tuổi 16.

D bảo: "Con gái Mông ở Lũng Lịa này thích thì đi lấy chồng thôi, không cần đủ tuổi đâu". Phía sau câu nói nhẹ tựa hơi sương ấy của D là những phận người lam lũ, là cái đói, cái nghèo, như một sự truyền thừa.

Tiếng ru buồn trên bản Mông Bắc Kạn - Ảnh 3.

Đường lên tổ dân phố Mảy Van, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Hà Nhung

Dưới nhà D, cách chừng 200m là nhà D.T.H. Giống như phần lớn hộ người Mông ở Lũng Lịa này, hoàn cảnh nhà H cũng rất khó khăn. Hai con nhỏ của H mặt mày lem luốc cặm cụi nghịch đất, nghe tiếng người lạ, chạy cả lại nấp sau lưng mẹ. H sinh năm 1990, lấy chồng đúng tuổi, chỉ mấy tháng nữa sẽ sinh cháu thứ 3. Khi chúng tôi hỏi có định sinh tiếp đứa thứ 4 không, H trả lời không biết, rồi mặt đỏ lựng nhìn đi chỗ khác…

Để hiểu thêm về thực trạng tảo hôn ở các bản Mông của huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn, chúng tôi lại đến tổ dân phố Mảy Van, cách trung tâm thị trấn Nà Phặc khoảng 10km.

Đường lên Mảy Van có thể nói là "khủng khiếp" theo đúng nghĩa đen. Chiếc xe máy gằn tiếng một ầm ì leo núi, khói phả phía sau mịt mùng. Thi thoảng, xe va phải hộc đá lại chồm lên như con thú trúng bẫy.

Cô bạn đi cùng bảo, Mảy Van có 100% là đồng bào Mông sinh sống, chẳng khác nào một "lánh thôn". Câu chuyện tảo hôn chừng như vẫn đang được người Mông trên non cao này viết tiếp.

Tiếng ru buồn trên bản Mông Bắc Kạn - Ảnh 4.

Chị Đ.T.D (tổ dân phố Lũng Lịa, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) khi trao đổi với PV. Ảnh: Chiến Hoàng

Lưng chừng núi, L.T.M cùng mấy đứa con nghe tiếng động cơ xe máy, đang ngồi trong nương ngô không khỏi tò mò đứng cả dậy. Chỉ khi mấy mẹ con M đứng dậy, chúng tôi mới nhận ra có người ở đó bởi cỏ trên nương mọc cao lút cả đầu người. 

L.T.M sinh năm 1987, năm nay hơn 30 tuổi, nhưng gương mặt giống như của một người đàn bà 40 khắc khổ. M đã là mẹ của 5 đứa con. Trong khi đó, đứa con gái đầu lòng của M cũng tảo hôn giống mẹ, M sắp trở thành bà ngoại.

Nhìn dáng người nhỏ thó, gầy gò của L.T.M, chúng tôi không khỏi cảm thán mà thở dài.

Qua tìm hiểu được biết, tổ dân phố Mảy Van (thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn, tỉnh Bắc Kạn) có 31 hộ với hơn 170 nhân khẩu. Trong đó, có đến 30 hộ thuộc diện hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo…

Những hộ người Mông ở Lũng Lịa và Mảy Van mà chúng tôi tiếp xúc ngẫu nhiên, phần lớn đều tảo hôn hoặc sinh con thứ 3 và đều có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Bà Dương Thị Phương Quế - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn cho biết, huyện Ngân Sơn địa bàn rộng lớn, địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn. Đại bộ phận người dân các tộc ít người thường xuyên sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí tương đối thấp.

Đối với đồng bào dân tộc ít người, việc kết hôn chủ yếu được thực hiện theo phong tục, tập quán và tâm lý sớm có con đàn cháu đống, có người nối dõi; kết hôn sớm để gia đình có thêm người làm nương rẫy.

Quan niệm kết hôn trong họ tộc để lưu giữ tài sản, không mang của cải sang họ khác... là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng kết hôn sớm, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và chung sống như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn ở vùng đồng bào dân tộc ít người.

Theo bà Quế, phần lớn trường hợp tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đều rơi vào các hộ nghèo, đối tượng vị thành niên, thanh niên thất học, hiểu biết pháp luật hạn chế và việc tiếp cận với các phương tiện thông tin đại chúng còn khó khăn.

"Sau khi thực hiện các nội dung theo Quyết định số:1436/QĐ-UBND, ngày 18/9/2015 của UBND tỉnh Bắc Kạn về việc ban hành kế hoạch thực hiện đề án: Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Bắc Kạn, giai đoạn 2015 - 2020, tỷ lệ tảo hôn trong huyện đã giảm đáng kể. Năm 2017 - 2020, toàn huyện không ghi nhận trường hợp hôn nhân cận huyết nào" - Phó Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn (tỉnh Bắc Kạn) thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem