Thanh Hóa: Làng hơn 3 thế kỷ giữ nghề "nổi lửa lên em", rèn đao, kiếm, "cán" cả nhíp ô tô, ray tàu hỏa

Hữu Dụng - Hoài Thu Chủ nhật, ngày 01/08/2021 05:21 AM (GMT+7)
Xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa nổi tiếng từ bao đời nay với nghề rèn cơ khí và nghề "nổi lửa lên em" này được duy trì hàng trăm năm nay. Những nghệ nhân-thợ rèn nơi đây từng rèn dao, rèn cuốc đến làm nhíp ô tô, đường ray tàu hỏa.
Bình luận 0

Clip: Làng rèn Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hoá vẫn đỏ lửa bể lò rèn hàng trăm năm nay.

Cha truyền con nối "thổi bể, trên đe dưới búa"

Theo các cụ cao niên ở Tiến Lộc kể lại, xưa kia làng rèn Tiến Lộc (được gọi là làng rèn Tất Tác) là tên chung của 3 làng: Làng Ngọ, làng Bùi và làng Sơn thuộc xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. 

Từ xa xưa làng này đã nổi tiếng với nghề rèn vũ khí và nông cụ. Cho tới ngày nay, nghề rèn vẫn được cha truyền con nối, phát triển một cách bền bỉ mà không hề bị mai một theo thời gian.

Nghề rèn Tiến Lộc đã tồn tại qua hàng trăm năm, không ai trong làng nhớ nghề rèn có từ khi nào, họ chỉ nhớ tên người đã có công mang nghề đến với làng và phát triển tới ngày nay.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 1.

Người dân Tiến Lộc đã lập nhà thờ ông Lê Cao Sơn để nhớ công lao của ông và ông được dân làng suy tôn gọi là "Thánh tổ nghề rèn" nơi đây. Ảnh: Hoài Thu

Theo tương truyền, vào khoảng thế kỷ thứ XVII, có ông Lê Cao Sơn người đất Bắc di cư vào Thanh Hóa sinh sống, khi đến chân núi Bận, thuộc làng Tất Tác.

Thấy dân cư nghèo khó, ông liền dạy cho người dân nơi đây nghề rèn, từ đó nghề rèn bắt đầu hình thành và bám rễ sâu trên mảnh đất này.

Để tưởng nhớ công lao của ông, người dân nơi đây đã lập nơi thờ tự, thường xuyên nhang khói thành kính. 

Miếu thờ cụ Lê Cao Sơn, được xây dựng bên trong sân đình nằm giữa làng Ngọ, dân làng suy tôn ông là "Thánh tổ nghề rèn" nơi đây.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 3.

Theo ông Kiều Văn Hanh - nghề rèn ở Tiến Lộc là nghề cha truyền con nối. Ảnh: Hoài Thu

Nhiều thế kỷ trôi qua, làng Tất Tác xưa đã định hình và phát triển nghề rèn, trở thành một làng nghề nổi tiếng bậc nhất xứ Thanh và có thể sánh ngang với làng rèn ở Đa Hội (Bắc Ninh) hay làng rèn Nho Lâm (Nghệ An).

Đóng góp lớn lượng vũ khí cho kháng chiến

Không chỉ sản xuất dụng cụ phục vụ lao động sản xuất, nghề rèn Tiến Lộc còn đóng vai trò không nhỏ trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm. Đây cũng là nơi cung cấp cho các nhà máy, xí nghiệp những người thợ tài ba trong lĩnh vực cơ khí lúc bấy giờ.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 4.

Hiện nay làng rèn Tiến Lộc chuyên làm những nông, dụng cụ... Ảnh: Quang Thanh

Cụ Kiều Văn Lăng (83 tuổi) thôn Ngọ, xã Tiến Lộc, huyện Hậu Lộc (tỉnh Thanh Hóa) cho biết: Những năm đầu kháng chiến chống Pháp, làng rèn đao, giáo, mác, kiếm… rồi bí mật đưa lên chiến khu. Không chỉ vậy, làng còn là nơi giấu cán bộ cách mạng đến đúc súng phục vụ kháng chiến, dưới danh nghĩa rèn dụng cụ lao động nhằm qua mặt thực dân Pháp và bọn tay sai".

Trải qua hàng trăm năm phát triển với những biến cố thăng trầm, nghề rèn Tiến Lộc vẫn đứng vững và ngày được phát triển. 

Sản phẩm nghề rèn Tiến Lộc giờ đây không chỉ dừng lại ở những nông cụ truyền thống mà đã đa dạng sản phẩm, chủng loại, số lượng nhiều hơn, chất lượng tốt hơn để phục vụ người tiêu dùng.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 3.

Những sản phẩm của làng rèn Tiến Lộc như: Dao, liềm... Ảnh Hoài Thu

Từ việc chỉ cung cấp cho thị trường trong nước, nhiều năm trở lại đây, các sản phẩm của làng nghề rèn Tiến Lộc còn vươn ra thị trường các nước trong khu vực như Lào, Thái Lan…

Nghề rèn đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các hộ gia đình, đồng thời thu hút được một lượng lớn lao động từ các nơi lân cận tới đây làm việc. 

Mức thu nhập của lao động tại các xưởng sản xuất dao động từ 150 - 350 nghìn đồng/ngày tùy theo công việc, trình độ tay nghề. Đối với gia đình và những hộ không phải thuê nhân công có mức thu nhập cao hơn, từ 500.000 đến 1 triệu đồng/ngày.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 6.

Để theo nghề rèn cần sức khỏe và sự bền bỉ. Ảnh Hoài Thu

Nuôi sống nhiều người dân của làng hôm nay

Đến làm việc tại làng nghề hơn 7 năm nay, anh Lê Văn Thái (SN 1994) ở xã Hoằng Sơn, huyện Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: "Công việc ở đây tuy vất vả, nhất là trong mùa nắng nóng này nhưng đổi lại thu nhập cao hơn so với nhiều ngành nghề khác ở nông thôn và được duy trì quanh năm nên thu nhập của tôi cũng ổn định.

Đặc biệt, từ khi tỉnh Thanh Hóa đầu tư vào đây thành một làng nghề tập trung, đã tạo cơ hội để xã Tiến Lộc thành trung tâm giao thương hàng hóa. Sản phẩm rèn của làng không chỉ dừng lại ở cái cuốc, cái cày mà còn vươn tới sản xuất những dụng cụ cơ khí như nhíp ô tô, đường ray tàu hỏa, bánh máy"…

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 7.

Hiện làng rèn Tiến Lộc chuyên rèn dao là chính. Ảnh Quang Thanh

Xã hội ngày càng phát triển, những người thợ rèn ở Tiến Lộc cũng trở nên năng động hơn và không ngừng sáng tạo, mở rộng sản xuất, tìm kiếm thị trường, đầu tư máy, móc, công nghệ vào làm nghề. 

Hầu hết các hộ ở làng rèn Tiến Lộc đã đầu tư xây dựng nhà xưởng, chuyển đổi phương thức sản xuất từ thủ công sang máy móc, đi vào sản xuất ổn định.

Giờ đây, đến xã Tiến Lộc mọi người sẽ ngỡ ngàng trước sự thay da đổi thịt chóng mặt của làng nghề, những ngôi nhà nhỏ đã được thay thế bằng những căn nhà cao tầng khang trang hơn.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 5.

Nhờ vào nghề rèn mà người dân Tiến Lộc có đời sống ngày càng khá giả hơn. Ảnh: Hoài Thu

Ở làng rèn Tiến Lộc mọi người thường nói rằng, nghề rèn là nghề vất vả, cần sức lực và sự tỉ mỉ…Để làm ra những sản phẩm hoàn chỉnh, người thợ rèn Tiến Lộc phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ công đoạn ra phôi đến gia công trong lò. 

Trong mỗi công đoạn lại đòi hỏi người thợ phải có kinh nghiệm, tay nghề vững và cái tâm với nghề mới cho ra được sản phẩm có chất lượng tốt nhất.

Thanh Hóa: Làng rèn Tiến Lộc đỏ lửa suốt hàng trăm năm - Ảnh 9.

Nghề rèn ở Tiến Lộc thu hút một lượng lớn lao động tại địa phương. Ảnh Quang Thanh

Dù khó nhọc là thế, nhưng những người thợ ở Tiến Lộc đời này qua đời khác đều có ý thức phát triển nghề và giữ nghề của cha ông.

Được biết, cứ vào mùng 1 và ngày Rằm hàng tháng, miếu "Thánh Tổ nghề rèn" lại được mở cửa để dân làng lui tới dâng hương, tưởng nhớ công ơn của người khai sinh ra nghề rèn Tiến Lộc...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem