Bắc Kinh có nhiều cách trả đũa khi Mỹ "đàn áp" Huawei
“Động thái này nhằm phá hủy chuỗi sản xuất, cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu. Bắc Kinh sẽ kiên quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các doanh nghiệp Trung Quốc. Chúng tôi kêu gọi phía Mỹ chấm dứt ngay hành động đàn áp vô lý với Huawei cũng như các doanh nghiệp Trung Quốc.” - Bộ Ngoại giao Trung Quốc lên tiếng hôm 16/5.
Tuyên bố mới nhất của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhằm vào Bộ Quy tắc mới của Bộ Thương mại Mỹ có hiệu lực từ ngày 15/5, trong đó quy định các công ty nước ngoài sử dụng con chip, công nghệ sản xuất ở Mỹ phải nhận được giấy phép đặc biệt của Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn xuất khẩu cho các công ty Trung Quốc. Bộ Quy tắc này nhắm trực tiếp đến Huawei, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc hiện phải phụ thuộc chủ yếu vào các công ty sản xuất chip hợp đồng như TSMC (Đài Loan, Trung Quốc).
Bộ Thương mại Mỹ cho hay quy tắc hạn chế mới này sẽ nhắm mục tiêu vào chiến lược của Huawei nhằm mua linh kiện bán dẫn sử dụng công nghệ Mỹ nhưng sản xuất ở nước ngoài. Trước đó, Bộ này đã đưa Huawei vào danh sách đen hồi tháng 5/2019, yêu cầu các doanh nghiệp Mỹ phải được cấp phép trước khi xuất khẩu cho Huawei.
Huawei đã nhiều lần dính cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại, vi phạm lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ với Iran, gián điệp cho Bắc Kinh, là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ. Kể từ khi bị đưa vào danh sách đen của Mỹ, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc đã nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng công nghệ Mỹ, bao gồm đa dạng hóa chuỗi cung ứng công nghệ ra nước ngoài và ngày càng phụ thuộc vào công nghệ trong nước. Nhưng bộ quy tắc mới của Mỹ giờ đây có thể sẽ chặn đứng nguồn cung chip cho Huawei từ bất kỳ công ty nước ngoài nào sử dụng công nghệ sản xuất của Mỹ. Điều này đồng nghĩa với việc ngay cả những nhà cung cấp quen thuộc của Huawei như TSMC - nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, đối tác của nhiều đại gia công nghệ như Apple - cũng không thể cung cấp chip cho Huawei nếu chưa được sự chấp thuận từ Mỹ.
Tổng biên tập tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc, ông Hu Xijin sau đó tiết lộ các nguồn tin cho hay Bắc Kinh đã sẵn sàng khởi động danh sách thực thể không đáng tin cậy nhằm vào các doanh nghiệp công nghệ Mỹ hoạt động tại Trung Quốc như Apple, Qualcomm, Cisco, hoặc thậm chí là ngừng các đơn đặt hàng máy may Boeing để trả đũa những biện pháp “đàn áp” của Mỹ.
Tuy nhiên, Shi Yinhong, giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin và đồng thời là cố vấn cho Hội đồng Nhà nước Trung Quốc cho rằng bất kỳ biện pháp trả đũa nào cũng cần được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chấp thuận, và hành động “ăn miếng trả miếng” như vậy là rất khó xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc cần các doanh nghiệp Mỹ góp sức trong việc khôi phục nền kinh tế. “Cá nhân tôi nghĩ rằng Trung Quốc nên phản ứng lại, nhưng không phải bằng cách ăn miếng trả miếng với các công ty Mỹ hoạt động tại Trung Quốc”.
Khi Bắc Kinh đưa các công ty Mỹ vào danh sách đen, tác động tâm lý với các công ty này sẽ trở nên rất lớn, đặc biệt vào thời điểm Bắc Kinh đang cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài để khôi phục tăng trưởng kinh tế sau đại dịch. Sự bùng phát đại dịch Covid-19 đã phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu, khiến các nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, EU tìm cách kéo các công ty tránh xa thị trường Trung Quốc, giảm bớt sự phụ thuộc vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Victor Gao, một nhà phân tích kinh tế tại Bắc Kinh cho hay có nhiều cách để Bắc Kinh trả đũa các hạn chế mới mà Mỹ vừa áp đặt với Huawei, bao gồm bán hoặc tạm dừng giao dịch mua trái phiếu kho bạc Mỹ, thắt chặt kiểm soát với các sản phẩm Apple… “Ví dụ, nếu Bắc Kinh tuyên bố kiểm soát tất cả các sản phẩm Apple sản xuất tại Trung Quốc, điều này sẽ trì hoãn việc vận chuyển các lô hàng. Trong khoảng 3 tháng, Apple sẽ chết”.