Mỹ bất ngờ chặn đứng nguồn cung chip toàn cầu của Huawei, Trung Quốc liệu có trả đũa?
Bộ quy tắc mới mà Bộ Thương mại Mỹ mới công bố liên quan đến Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài (tức những sản phẩm sản xuất ở nước ngoài dựa trên công nghệ, linh kiện của Mỹ). Bộ quy tắc bao gồm việc các công ty nước ngoài sử dụng thiết bị chip sản xuất tại Mỹ phải được cấp giấy phép của Bộ Thương mại Mỹ nếu muốn xuất khẩu chip cho Huawei. Huawei hiện có năng lực tự thiết kế chip smartphone nhưng vẫn phải phụ thuộc vào các dây chuyền sản xuất như TSMC (Đài Loan, Trung Quốc) hay KLA Corp, Lam Research hay Applied Materials (Mỹ).
Bộ Quy tắc chính thức có hiệu lực từ 15/5 (giờ Mỹ) cũng đồng thời giáng đòn vào TSMC - nhà sản xuất chip hợp đồng lớn nhất thế giới, doanh nghiệp vừa công bố kế hoạch đầu tư 12 tỷ USD để xây dựng nhà máy sản xuất chip tiên tiến bậc nhất thế giới tại Arizona, Mỹ trong năm 2021.
Trước đó, hồi tháng 3, tờ Reuters đã trích dẫn nhiều nguồn tin cho hay các quan chức hàng đầu của Mỹ từ Hội đồng An ninh Quốc gia, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc Phòng, Bộ Năng Lượng và Bộ Thương mại đang xem xét thảo luận dự luật Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài nhằm chặn đứng nguồn cung chip quốc tế của Huawei.
Phát biểu sau khi Bộ Thương mại chính thức công bố loạt quy tắc này, một quan chức cấp cao Nhà Trắng cho hay động thái này nhằm đặt an ninh quốc gia lên hàng đầu so với lợi ích các doanh nghiệp. Hàng loạt cổ phiếu nhà sản xuất chip Mỹ như Lam Research và KLA Corp đều giảm mạnh hơn 4,8% trong phiên giao dịch đêm qua tại Mỹ sau thông tin này. Huawei hiện chưa đưa ra bình luận chính thức.
Sự trả đũa của Bắc Kinh - điều mà các nhà phân tích lo lắng đã diễn ra ngay sau đó khi tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đưa tin các quan chức cấp cao nước này đã sẵn sàng khởi động “danh sách thực thể không đáng tin cậy”, tương đương với danh sách đen của Mỹ để đáp trả các doanh nghiệp Mỹ. Các biện pháp trả đũa bao gồm hạn chế thương mại hoặc điều tra với hàng loạt công ty Mỹ như Apple, Cisco hay Qualcomm…, thậm chí đình chỉ các đơn hàng mua máy bay Boeing có thể được cân nhắc, theo các nguồn tin của Thời báo Hoàn cầu.
Huawei đã bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen hồi tháng 5/2019 sau hàng loạt cáo buộc gây rủi ro an ninh quốc gia, vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran, gián điệp cho Bắc Kinh… Danh sách đen buộc các doanh nghiệp Mỹ phải xin giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ Bộ Thương mại nếu muốn xuất khẩu công nghệ, linh kiện cho Huawei. Nhưng động thái này có vẻ chưa đủ để ngăn chặn Huawei tiếp cận với công nghệ tiên tiến từ Mỹ, buộc các quan chức chính quyền Trump phải xem xét thêm Quy tắc sản phẩm sản xuất ở nước ngoài yêu cầu các công ty nước ngoài sử dụng công nghệ, linh kiện Mỹ phải được Bộ Thương mại Mỹ cấp phép trước khi xuất khẩu cho Huawei.
Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ trong cùng ngày nhấn mạnh: “Bộ quy tắc này là một yêu cầu cấp phép, nó không mang ý nghĩa rằng mọi yêu cầu xuất khẩu (cho Huawei) sẽ bị từ chối. Bộ quy tắc chỉ mang đến cho chính phủ Mỹ tầm nhìn bao quát về các lô hàng xuất khẩu”.