Bắc Kinh nói gì về đòn giáng sau cuối của ông Trump trước khi rời nhiệm sở?

21/12/2020 17:15 GMT+7
Hôm 21/12, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng về dự luật mới mà Tổng thống Trump vừa phê duyệt, có nguy cơ đẩy các công ty Trung Quốc ra khỏi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Bắc Kinh phản ứng về đòn giáng sau cuối của ông Trump trước khi rời nhiệm sở - Ảnh 1.

Bắc Kinh phản ứng về đòn giáng sau cuối của ông Trump trước khi rời nhiệm sở

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin tuyên bố trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/12 tại Bắc Kinh: “Đây (dự luật) không gì khác chính là cuộc đàn áp chính trị phi lý với các doanh nghiệp Trung Quốc niêm yết tại Mỹ”.

“Nó sẽ làm cản trở nghiêm trọng hoạt động niêm yết bình thường của các công ty Trung Quốc cũng như làm sai lệch các quy tắc kinh tế thị trường cơ bản mà Mỹ luôn tự hào tuân thủ lâu nay”.

Trước đó, hôm 18/12, Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa ký ban hành Đạo luật trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, đạo luật có khả năng loại các công ty Trung Quốc khỏi sàn niêm yết chứng khoán Mỹ nếu không tuân thủ quy tắc giám sát kiểm toán nghiêm ngặt của Mỹ trong vòng 3 năm.

Đạo luật áp dụng cho mọi công ty nước ngoài niêm yết trên các sàn giao dịch của Mỹ. Nhưng theo nhiều chuyên gia, đây là đòn giáng hướng trực tiếp đến các công ty Trung Quốc, cũng là động thái mới nhất của chính quyền Trump nhằm củng cố di sản chính sách cứng rắn với Bắc Kinh trước khi Tổng thống đắc cử Joe Biden chính thức tiếp quản Nhà Trắng.

Động thái diễn ra chỉ hơn nửa tháng sau khi lưỡng đảng Mỹ thông qua đạo luật này hôm 1/12. Đạo luật về trách nhiệm giải trình các công ty nước ngoài niêm yết được đưa ra vào năm 2019 bởi Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Kennedy bang Louisiana và Thượng nghị sĩ Dân chủ Chris Van Hollen bang Maryland. Trong đó, cấm các công ty nước ngoài niêm yết trên mọi sàn giao dịch chứng khoán Mỹ nếu không đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm toán nghiêm ngặt do Uỷ ban Giám sát Kế toán Công ty Đại chúng (PCAOB) theo dõi trong 3 năm liên tiếp.

Liao Qun, nhà kinh tế trưởng tại China Citic Bank International chỉ ra rằng: “Ông ta (Trump) đang tận dụng tối đa những ngày nắm quyền cuối cùng để thực hiện những hành động cực đoan chống lại Trung Quốc… Nếu các công ty bị loại khỏi sàn giao dịch Mỹ, họ có thể xem xét niêm yết trên các sàn giao dịch khác ở Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore, hoặc trở về Trung Quốc đại lục”.

Hồi đầu tháng này, khi xuất hiện thông tin về dự luật trách nhiệm giải trình của các công ty nước ngoài, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chỉ trích đây là động thái không công bằng, phân biệt đối xử với các công ty nước ngoài đang đầu tư và hoạt động ở Mỹ. Nhưng một số chuyên gia nhận định rằng chính phủ Trung Quốc có thể không thật sự bận tâm nếu chính quyền Trump thông qua “Đạo luật buộc công ty nước ngoài chịu trách nhiệm giải trình”.

Giả sử Alibaba bị hủy niêm yết tại Mỹ, nó sẽ thúc đẩy nỗ lực xây dựng các sàn giao dịch độc lập mà Bắc Kinh đang hướng tới. Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn chuyển về niêm yết tại quê nhà là một tin đáng mừng với chính quyền ông Tập Cận Bình. Bên cạnh đó, nhiều công ty công nghệ, thương mại điện tử Trung Quốc trong đó có Alibaba đã lựa chọn niêm yết thứ cấp ở Hồng Kông. Điều này cũng giúp quá trình chuyển đổi và hủy niêm yết tại Mỹ diễn ra dễ dàng hơn.


NTTD
Cùng chuyên mục