Bạc Liêu: Được bao tiêu, nhà nông yên tâm nuôi tôm, trồng lúa

Chúc Ly Thứ bảy, ngày 08/08/2020 15:00 PM (GMT+7)
“Các địa phương cần tích cực mời gọi các doanh nghiệp (DN), hợp tác xã (HTX) có đủ nguồn lực, uy tín, có đầu ra ổn định để thực hiện liên kết bao tiêu; quan tâm gỡ khó, hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp, chính là giúp cho nông dân”.
Bình luận 0

Đó là chỉ đạo của ông Dương Thành Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tại hội nghị đánh giá kết quả hợp tác liên kết bao tiêu, chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản giữa DN, HTX với nông dân trên địa bàn tỉnh, vừa được tổ chức.

Giảm thiệt hại nhờ sự chủ động

Được bao tiêu, nhà nông yên tâm nuôi trồng - Ảnh 1.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu kiểm tra sản xuất lúa trên địa bàn xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long. Ảnh: TRỌNG NGHĨA

"Các địa phương cần tích cực mời gọi các doanh nghiệp, HTX có đủ nguồn lực, uy tín, có đầu ra ổn định để thực hiện liên kết bao tiêu; quan tâm gỡ khó, hỗ trợ cho các HTX, doanh nghiệp, chính là giúp cho nông dân".

Ông Dương Thành Trung

Theo Sở NNPTNT Bạc Liêu, mùa khô năm 2019 - 2020 hạn hán, xâm nhập mặn, triều cường bất thường đã ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản của tỉnh. 

T.Ư và tỉnh đã ban hành nhiều chính sách để hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm cho nông dân, cũng như triển khai các giải pháp và thực hiện công tác điều chỉnh quy hoạch, xây dựng đề án, kế hoạch triển khai, tổ chức thực hiện và bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.

Đặc biệt, nhờ có công trình cống âu thuyền Ninh Quới, công tác điều tiết nước liên tỉnh do tỉnh Bạc Liêu chủ động tiến hành đã mang lại hiệu quả tốt cho khu vực liên tỉnh. 

Bên cạnh đó, trong mùa khô 2019 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã thi công hoàn thành đưa vào sử dụng 188 công trình thủy lợi dẫn nước và trữ nước phục vụ sản xuất; đắp 176 đập tạm để ngăn mặn, bơm chuyền nước ngọt lên đồng, bảo vệ sản xuất cho nông dân.

Năm 2019, xuất khẩu gạo của Bạc Liêu đạt 162.900 tấn, thu về 71,22 triệu USD. 4 tháng đầu năm 2020, các công ty, DN thu mua và dự trữ 41.400 tấn gạo, hiện khối lượng gạo vẫn lưu kho, chưa xuất khẩu. 

Đối với mảng thủy sản, trong năm 2019, tổng sản lượng nuôi trồng và khai thác của tỉnh đạt 365.000 tấn, bằng 101% kế hoạch, tăng gần 7% so cùng kỳ (trong đó tôm đạt 155.000 tấn, tăng hơn 15% so cùng kỳ năm 2018).

Hiện các DN tại Bạc Liêu vẫn duy trì các thị trường xuất khẩu thủy sản truyền thống như: Nhật Bản, EU, Mỹ, Hàn Quốc, Đài Loan...

Theo kế hoạch phát triển của ngành thủy sản Bạc Liêu, giá trị sản xuất tăng từ 25.055 tỷ đồng (năm 2019) lên 27.372 tỷ đồng (2020), tăng 225 tỷ đồng so với phương án đang thực hiện.

Tạo điều kiện cho liên kết với nông dân

Điều đáng mừng là hiện tại Bạc Liêu xuất hiện nhiều mô hình liên kết giữa người dân và DN mang lại hiệu quả cao.

Nói về việc liên kết sản xuất bao tiêu lúa gạo, ông Phạm Thanh Hải - Phó Giám đốc Sở NNPTNT, cho biết: "Tính đến năm 2019, toàn tỉnh đã xây dựng được 28 cánh đồng lớn có DN bao tiêu sản phẩm, với diện tích gieo trồng 51.800ha. Trong 6 tháng đầu năm 2020, xây dựng mới 3 cánh đồng lớn, nâng tổng số cánh đồng lớn lên 31 với diện tích canh tác hơn 18.600ha. Có trên 30 cá nhân, HTX, tổ hợp tác, công ty, DN tham gia thực hiện liên kết sản xuất, bao tiêu lúa gạo cho nông dân".

Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp cũng thực hiện biên bản ghi nhớ giữa các huyện Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Hồng Dân và thị xã Giá Rai với các công ty, DN và HTX (ký kết năm 2019). Cụ thể, hình thức hợp đồng bao tiêu theo chuỗi (liên kết khép kín) chiếm hơn 48% diện tích liên kết bao tiêu lúa gạo, tương đương 25.000ha. 

Mục tiêu hàng đầu là đảm bảo lợi ích thiết thực giữa các bên tham gia liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN, HTX tiếp cận với nông dân để bàn bạc, thống nhất, thỏa thuận hình thức liên kết, đầu tư và bao tiêu sản phẩm.

Tham gia ý kiến tại hội nghị, ông Hồ Quang Cua - tác giả của 2 giống lúa nổi tiếng ST24 và ST25, cho biết: "Định hướng nghiên cứu của chúng tôi về lúa thơm thời gian qua đã có sự chuyển đổi phù hợp với vấn đề xâm nhập mặn. Hiện lúa ST24 và ST25 rất phù hợp với công tác phòng chống xâm nhập mặn, các giống này có thời gian sinh trưởng dưới 100 ngày. Bên cạnh đó, đây cũng là các giống lúa đầu tàu về chịu mặn".

"Trên thị trường, từ khi ST25 đoạt giải gạo ngon nhất thế giới thì xu hướng sử dụng gạo có thương hiệu ở Việt Nam tăng lên rất cao. Xu hướng gạo có thương hiệu là sản xuất gạo cao cấp. Nếu ở vùng lúa tôm có 30.000ha này, DN thông tin và vốn đến người nông dân đầy đủ thì chúng tôi cho rằng vùng lúa - tôm của tỉnh Bạc Liêu có 1/3 diện tích (10.000ha) có thể trồng lúa thơm có giá trị cao" - ông Cua nhận định.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng cho rằng, hướng sản xuất lúa an toàn để xây dựng thương hiệu gạo cho tỉnh Bạc Liêu và Việt Nam nói chung là rất cần thiết và phù hợp với xu thế chung.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu - Dương Thành Trung đề nghị chính quyền địa phương phải vào cuộc để hỗ trợ xây dựng tạo điều kiện cho các HTX phát triển; yêu cầu ngành nông nghiệp chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai sản xuất và xây dựng chỉ dẫn địa lý cho vùng lúa ST24 - ST25 trên địa bàn. 


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem