Bắc Ninh có 19 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ

27/09/2020 08:08 GMT+7
Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ tập thể.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 19 sản phẩm nông nghiệp, làng nghề được bảo hộ sở hữu trí tuệ tập thể.

Bắc Ninh có 19 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ - Ảnh 1.

Tỏi An Thịnh, huyện Lương Tài là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, là 1 trong 84 sản phẩm được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý của cả nước. Ảnh: Ngọc Hải.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đây đều là các sản phẩm nông nghiệp đặc sản, sản phẩm làng nghề chủ lực và các sản phẩm làng nghề truyền thống nổi tiếng lâu đời của tỉnh Bắc Ninh.

Trong đó, có 10 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận có tương Đình Tổ, đậu Trà Lâm, nem Bùi (huyện Thuận Thành); Bánh Phu Thê Đình Bảng, gạo nếp nhung Tam Sơn (thị xã Từ Sơn); Bánh tẻ làng Chờ, bánh đa nem Yên Phụ, nếp cái hoa vàng Yên Phụ (huyện Yên Phong); Cà rốt (huyện Gia Bình) và gạo tẻ thơm (huyện Quế Võ).

8 sản phẩm được bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức nhãn hiệu tập thể gồm: Đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (thị xã Từ Sơn); Gốm Phù Lãng, Khoai tây (huyện Quế Võ); Đồng Đại Bái, Tre trúc Xuân Lai (huyện Gia Bình); Gà Hồ, Đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu (huyện Thuận Thành); Mây tre đan Xuân Hội (huyện Tiên Du).

Đặc biệt, tỏi An Thịnh, huyện Lương Tài là sản phẩm đầu tiên của tỉnh Bắc Ninh, là 1 trong 84 sản phẩm được cấp bảo hộ sở hữu trí tuệ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý của cả nước.

Bắc Ninh có 19 sản phẩm nông nghiệp được bảo hộ sở hữu trí tuệ - Ảnh 2.

Ban tổ chức trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý "An Thịnh" cho sản phẩm tỏi của Lương Tài. Ảnh: Thanh Ngân.

Mới đây, ngày 11/9, Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Ninh phối hợp với UBND huyện Lương Tài tổ chức Lễ công bố Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý “An Thịnh” cho sản phẩm tỏi của Lương Tài.

Tỏi là cây màu truyền thống lâu đời được người dân trồng trên đồng đất An Thịnh. Với chất đất thịt pha cát nhẹ nên tỏi ở đây củ to đều, nhánh mẩy bóng. Đặc trưng của tỏi An Thịnh là mùi thơm nồng, cay, chất tinh dầu đậm đặc hơn các loại tỏi khác. Tỏi An Thịnh cho năng suất và giá trị kinh tế cao, từ 7 - 8 tạ tỏi tươi/sào, sau khi hun, sấy còn khoảng 3 tạ/sào, cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần cấy lúa

Tại buổi lễ , Ban tổ chức công bố và trao Văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ chỉ dẫn địa lý “An Thịnh” cho sản phẩm tỏi của Lương Tài và trao Giấy Chứng nhận quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý “An Thịnh” cho 10 hộ sản xuất tỏi tiêu biểu ở An Thịnh.

Trước đó, cũng trong năm 2020, huyện Gia Bình cũng đã được cấp Văn bằng bảo hộ Nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu “Cà rốt Gia Bình”. Đây được xem như bệ phóng giúp thương hiệu ‘Cà rốt Gia Bình” vươn xa và là động lực để người dân thêm quyết tâm làm giàu từ nông nghiệp.

Cây cà rốt được đưa vào trồng trên vùng đất bãi trù phú ven sông Đuống từ năm 2010. Với chất đất màu mỡ, cà rốt cho năng suất, chất lượng và trở thành cây trồng thế mạnh của các xã ven sông huyện Gia Bình trong nhiều năm qua.

Qua thống kê, bình quân giai đoạn 2010 - 2020, tỉnh Bắc Ninh luôn đứng trong tốp đầu cả nước về số lượng đơn đăng ký và văn bằng bảo hộ sở hữu trí tuệ, số lượng đơn đăng ký bảo hộ sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh tăng 18,8%/năm, số lượng văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp tăng 14%/năm.

Theo Nông nghiệp Việt Nam
Cùng chuyên mục