Bắc Ninh: Đẩy mạnh thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất

T.T Thứ ba, ngày 01/12/2020 09:30 AM (GMT+7)
Nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đăng ký biện pháp bảo đảm, UBND tỉnh Bắc Ninh đang đẩy mạnh việc thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
Bình luận 0

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải, thời gian qua, tỉnh Bắc Ninh đã thực hiện tốt các quy trình, thủ tục tiếp nhận, giải quyết hồ sơ, thời hạn giải quyết hồ sơ, trả kết quả đăng ký, cung cấp thông tin theo quy định; việc từ chối đăng ký; quản lý, cập nhật hồ sơ, sổ sách về đăng ký thế chấp; niêm yết công khai các thủ tục hành chính có liên quan.

 Từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh Bắc Ninh đã tiếp nhận và giải quyết đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho gần 31.000 hồ sơ của các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, trong đó có 144 hồ sơ được đăng ký thay đổi nội dung thế chấp đã đăng ký; xóa đăng ký thế chấp cho 14.829 hồ sơ và thực hiện cung cấp thông tin về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho 11 hồ sơ.

Bắc Ninh: Đẩy mạnh thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất - Ảnh 1.

Sở Tư pháp Bắc Ninh tổ chức tập huấn, tư vấn về Luật Đất đai 2013

 Tuy nhiên, việc thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất còn tồn tại nhưng bất cập, khó khăn như: Quy định về thời hạn giải quyết hồ sơ đăng ký ngắn, trong khi việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ ở xa nhau gây mất nhiều thời gian; một số ngân hàng thương mại sau khi thực hiện sửa đổi hoặc bổ sung phụ lục hợp đồng thế chấp đã đăng ký thế chấp trước đây, không thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi nội dung thế chấp theo đúng quy định, vì thế, gây trở ngại, khó khăn khi thực hiện đăng ký xóa thế chấp, vì không thực hiện đăng ký thay đổi thì không thể xóa thông tin thế chấp; việc thế chấp các dự án xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở thương mại cho chủ đầu tư còn chưa có hành lang pháp lý rõ ràng để kiểm soát việc mua bán và thế chấp không bị chồng chéo nhau dẫn đến nhiều trường hợp mặc dù thửa đất vẫn còn đang thế chấp nhưng chủ đầu tư vẫn ký hợp đồng mua bán với các đối tượng mua nhà...

 Nhằm đẩy mạnh thi hành pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất,  thời gian tới, tỉnh Bắc Ninh sẽ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật về đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, những quy định nào chưa phù hợp cần sửa đổi hoặc bãi bỏ; những vấn đề phát sinh trong thực tiễn mà chưa được pháp luật điều chỉnh cần quy định mới. Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật và bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ về đăng ký giao dịch bảo đảm quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất cho các cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã. Đồng thời tỉnh tổ chức thực hiện thường xuyên, nghiêm túc hoạt động kiểm tra định kỳ để kịp thời phát hiện, khắc phục sai sót trong quá trình thực hiện công tác đăng ký giao dịch bảo đảm.

   Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Đào Quang Khải kiến nghị các Bộ, ngành nghiên cứu điều chỉnh mức lệ phí đăng ký giao dịch bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế hiện nay đối với các hợp đồng thế chấp có nhiều thửa đất thế chấp/nhiều giấy chứng nhận. Các Bộ Tư pháp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng      Nhà nước...phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về đăng ký giao dịch bảo đảm đối với quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nhằm hạn chế những khó khăn trong hoạt động thế chấp, đồng thời tạo điều kiện cho người dân, các doanh nghiệp có thể chủ động tiếp cận với hệ thống cơ sở dữ liệu Quốc gia về giao dịch bảo đảm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem